CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhà đầu tư: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện 11 gói thầu thuộc Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) với tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng.
ACV đã đầu tư Nhà ga hành khách T2 trong năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021,
đảm bảo phục vụ 5 triệu hành khách/năm (ảnh Báo giao thông)
Theo đó, từ nay đến hết quý II/2021, ACV sẽ đấu thầu rộng rãi nhiều gói thầu thuộc Dự án gồm: Gói thầu số 11 Thi công xây dựng công trình; cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây lắp hệ thống cơ, điện (giá gói thầu 1.555 tỷ đồng); Gói thầu số 14 Cung cấp, lắp đặt thiết bị thang máy, thang cuốn nhà ga (giá gói thầu 39,5 tỷ đồng); Gói thầu số 15A Cung cấp, lắp đặt thiết bị cầu ống dẫn hành khách (giá gói thầu 137,5 tỷ đồng); Gói thầu số 16 Cung cấp, lắp đặt thiết bị soi chiếu an ninh, cổng từ (giá gói thầu 77,5 tỷ đồng); Gói thầu số 17 Cung cấp, lắp đặt thiết bị băng chuyền hành lý (giá gói thầu 89,5 tỷ đồng)…
Được biết, dự án xây dựng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có tổng mức đầu tư hơn 2.250 tỉ đồng do Tổng công ty ACV làm chủ đầu tư, xây dựng các hạng mục chính như nhà ga hành khách; hệ thống đường tầng, đường giao thông; sân đỗ ôtô và các hạng mục phụ trợ đồng bộ.
Trong đó, nhà ga thiết kế kiến trúc độc đáo phong cách hiện đại, mang nét đặc thù văn hóa cung đình Huế với 2 cao trình, 3 tầng gồm hệ thống các phòng ốc liên quan…
Theo tìm hiểu của Nhadatu.vn được biết, sân bay Phú Bài - tỉnh Thừa Thiên Huế do Pháp xây dựng vào năm 1940, sau thời gian dài khai thác, sử dụng, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp.
Năm 2013, ACV đã đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4D theo phân cấp của ICAO, có khả năng tiếp thu các loại máy bay tầm trung như A320/A321 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Bài luôn duy trì mức tăng trưởng từ 12 - 18%/năm. Năm 2019, số lượng cất hạ cánh đạt gần 12.000 lượt/chuyến, lượng hành khách thông qua sân bay Phú Bài đạt gần 2 triệu lượt khách, vượt quá công suất của nhà ga, lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Phú Bài giai đoạn định hướng đến năm 2030 đạt cấp 4E, công suất 9 triệu hành khách/năm. Cuối năm 2019, sân bay Phú Bài được mở rộng sân đỗ máy bay - sân bay nhằm nâng vị trí đỗ máy bay (giai đoạn 1) từ 8 lên 13 vị trí; trong đó, 12 vị trí đỗ máy bay code C và một vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 của dự án khi hoàn thành, sẽ đáp ứng 14 vị trí đỗ, trong đó có 10 vị trí đỗ máy bay code C và bốn vị trí đỗ máy bay code E, đáp ứng công suất 9 triệu hành khách/năm…
Hiện sân bay Phú bài đang có 4 hãng chính là: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay từ Huế đi Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt và các chuyến bay charter quốc tế đi các nước trong khu vực.
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ