CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Số liệu đưa ra tại hội thảo “Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ carbon” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho thấy, trên thế giới hiện nay có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon.
TÍN CHỈ CARBON CHƯA ĐƯỢC CHÚ ÝĐây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020.
Trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và thương mại tín chỉ carbon trên các sàn giao dịch quốc tế, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều, dẫn tới nguy cơ bỏ lỡ khoảng 57 triệu tín chỉ carbon với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
“Từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và thu về hàng trăm triệu USD”, ông Phòng nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, đằng sau con số khổng lồ này, nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh, Cục biến đổi khí hậu (Bộ tài nguyên và Môi trường) cho biết, mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn carbon dioxide không còn được thải vào khí quyển nhờ việc giảm lượng khí này trong quá trình sản xuất hoặc do sự ra đời của các công nghệ mới. Đó là công nghệ tiến bộ theo cách tối ưu hóa sản xuất bằng cách phát thải ngày càng ít khí gây ô nhiễm vào bầu khí quyển.
Hiện nay có 3 đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước. Một là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hai là tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ba là tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
KHAI THÁC NGUỒN THU CHO THỊ TRƯỜNG MUA BÁN TÍN CHỈ CARBON TỪ NÔNG NGHIỆPÔng Phòng nhận định, việc giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0% đang là xu thế toàn cầu. Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ.
Để thực hiện mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… không gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đang được các doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện.
Theo ông Francois Visser, Công ty Carbon Friendly, ngành nông nghiệp rất có tiềm năng khi tham gia thị trường carbon quốc tế. Lạm dụng các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ gây tác động mạnh đến tình trạng phát thải khí nhà kính.
“Nông dân chính là “người anh hùng” giảm thiểu carbon trong nông nghiệp. Điều này cần được lan toả. Hệ thống sản xuất bền vững sẽ xuất phát từ đây”, ông Francois Visser nhấn mạnh.
Là một doanh nghiệp khoa học, ông Nguyễn Đức Trường, Công ty cổ phần Đại Thành cho biết, doanh nghiệp đã ứng dụng giải pháp công nghệ 5 trong 1 trong nông nghiệp và mô hình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững.
Sử dụng máy bay không người lái, robot nông nghiệp, máy cày không người lái chạy hoàn toàn bằng pin, qua đó cắt giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính.
Máy bay không người lái tại Kiên Giang.Ngoài ra, máy bay không người lái sẽ hỗ trợ người nông dân tự động hóa hoàn toàn các khâu gieo giống, tưới tiêu, phun thuốc, rải phân… làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.
Mặt khác, sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, các vi sinh có lợi và thân thiện với môi trường, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản để đạt tiêu chuẩn cacbon thấp, bảo vệ sức khoẻ dân cư.
Đến nay, sau 5 năm (từ năm 2016), hệ thống máy bay thông minh của Đại Thành đã thực hiện trên 1 triệu ha cây trồng và đã tiết kiệm 20% thuốc bảo vệ thực vật trên mỗi ha, tương đương hơn 900 tỷ đồng, tiết kiệm tới 90% lượng tài nguyên nước (khoảng 200 triệu lít), giảm ô nhiễm môi trường, tối ưu đầu vào… nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư.
Song để khai thác được tiềm năng này trong nông nghiệp, đại diện Đại Thành khuyến nghị, phát triển nông nghiệp bền vững thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ carbon cần trở thành cuộc cách mạng toàn dân, bởi tổng diện tích nông sản cả nước rất lớn (hơn chục triệu ha).
Hơn nữa, nhiều người chưa biết giải pháp này, chi phí đầu tư ban đầu cao, mức độ hiểu biết chưa đồng đều giữa các vùng, một số doanh nghiệp còn ngại minh bạch rõ ràng…
Để nhân rộng mô hình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cần tăng cường truyền thông, kết hợp với các tổ chức chứng nhận và doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên sâu về tín chỉ carbon.
Đồng thời đưa ra khung pháp lý cho hoạt động này, cũng như có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho các doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp xanh.