CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Khép lại 2022 – năm đánh dấu việc “bình thường hoá” sau ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hoành hành và là năm khởi đầu cho giai đoạn tiếp theo sau 10 năm có mặt ở Việt Nam, AEON Việt Nam ghi nhận doanh thu kỷ lục, tăng 20% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mới buộc nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản phải đẩy mạnh cải tổ và có chiến lược tốt hơn để thu hút khách hàng.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam.Kết quả kinh doanh năm vừa qua với doanh thu tăng cao kỷ lục đến từ đâu, và mảng nào đóng góp nhiều nhất, thưa ông?
Có được kết quả tích cực như vậy, theo tôi trước tiên là nhờ vào nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự đoán. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị kỹ càng để mang lại những trải nghiệm mới và đón khách hàng quay lại sau dịch.
Cụ thể trong 2 năm Covid-19, AEON Việt Nam đồng thời nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như chuyên biệt hoá các khu vực bán hàng, cải tiến và thay đổi về sàn bán hàng. Trong đó, có những sản phẩm nhãn hàng riêng và khu vực bán hàng chuyên biệt như My Closet (nhãn hàng thời trang và phụ kiện do AEON Việt Nam phát triển, hướng đến khách hàng nữ trong độ tuổi 16 – 25 với mức giá hợp lý); HÓME CÓORDY (nhãn hàng riêng chuyên cung cấp sản phẩm nội thất và gia dụng), không gian bán hàng cũng được cải tiến.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện lớn, là nơi khách hàng có thể đến và tham gia sau khi hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Hệ thống siêu thị nhỏ ở Hà Nội cũng có sự chuẩn bị kỹ với nhiều điểm mới để phục vụ những thay đổi về mua sắm của khách hàng… Tuy nhiên, các trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị vẫn đóng góp đến 90% tổng doanh thu của AEON Việt Nam.
My Closet, khu vực mới được AEON Việt Nam ra mắt trong năm 2022.Hoạt động của AEON Việt Nam trong quí 1 này như thế nào? Ông nhận định thị trường năm nay ra sao?
Cũng khó so sánh vì thời điểm quí 1 năm ngoái là vừa hết dịch Covid-19, khi ấy người tiêu dùng mua sắm khá nhiều. Tuy vậy, so với tình hình khó khăn chung của thị trường hiện nay, AEON Việt Nam vẫn đang kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng, ước tính từ 3-5%.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cũng ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của nhiều người lao động. Điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm tần suất mua, số lượng và cả mặt hàng sẽ mua. Khi khó khăn, khách hàng sẽ không mua các sản phẩm không cần thiết và cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn món hàng muốn mua nên cũng ảnh hưởng nhiều đến sức mua trong thời gian gần đây.
Chúng tôi đang đo lường và theo dõi kỹ thị trường. Tôi nghĩ thị trường còn khó khăn đến giữa năm và sẽ hồi phục lại sau đó. Tuy vậy, AEON Việt Nam vẫn đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục doanh thu đạt được của năm ngoái hoặc ít nhất là bằng.
AEON Việt Nam có chiến lược gì để thu hút khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu?
Trong giai đoạn khó khăn này, các mặt hàng thiết yếu sẽ được khách hàng lựa chọn nhiều nên AEON Việt Nam sẽ nỗ lực giữ ổn định giá đối với các mặt hàng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình EDLP (Everyday Low Price – giá tốt, giá thấp mỗi ngày) để mang đến các sản phẩm thiết yếu với mức giá phù hợp và tiết kiệm. Với chương trình này, khoảng 3 tháng 1 lần, chúng tôi sẽ rà soát và thay đổi danh mục sản phẩm ưu đãi cho phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Chương trình Giá thấp mỗi ngày được AEON Việt Nam triển khai hiệu quả trong năm qua.Trong tình hình khó khăn, khách hàng cũng cân nhắc và lựa chọn những trải nghiệm tốt khi mua sắm. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn, hiện nhiều gia đình dành thời gian cùng nhau và sẽ tạo điều kiện cho các em nhỏ vui chơi nên tại AEON, chúng tôi đẩy mạnh dịch vụ phục vụ cả gia đình và trẻ em. Đơn cử như khu trò chơi trẻ em (AEON Fantasy) đang kinh doanh rất tốt…
Năm ngoái, ông từng lưu ý là sẽ có một cuộc đua quyết liệt giữa các nhà bán lẻ để thu hút khách hàng và AEON sẽ nỗ lực cao về việc này. Những nỗ lực thay đổi đó như thế nào và kế hoạch sắp tới ra sao, thưa ông?
Năm 2022, AEON cùng toàn thể nhân viên đã cùng cố gắng và rất nỗ lực để đạt được kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, tôi thấy còn nhiều hoạt động có thể làm tốt hơn và có nhiều kế hoạch được bắt đầu nhưng chưa hoàn thành. Những điều làm rất tốt và đạt hiệu quả cao là những thay đổi, cải tiến tại hệ thống trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị, các siêu thị nhỏ và không gian, khu vực bán hàng.
Bên cạnh đó, vẫn có các hoạt động, kế hoạch cần chuẩn bị rất kỹ càng nên hiện chỉ mới bắt đầu, chưa được triển khai hay mang lại hiệu quả. Trong đó, hệ thống thương mại điện tử chưa triển khai như kỳ vọng và việc phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng vẫn chưa theo kế hoạch.
Những việc quan trọng cần làm trong thời gian tới gồm các hoạt động quảng bá các sản phẩm nhãn hàng riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục những hoạt động phát triển bền vững đóng góp cho kinh tế xã hội, đã được AEON Việt Nam triển khai từ trước thời điểm dịch Covid-19.
Theo ông, yếu tố nào khiến AEON và các nhà bán lẻ khác tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam?
Tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên đó là ngành bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội với sự thay đổi nhanh về hành vi tiêu dùng. Với gần 100 triệu dân, thu nhập đang dần tăng, người tiêu dùng mong muốn sử dụng các sản phẩm tốt, cao cấp hơn và được trải nghiệm các dịch vụ tốt hơn. Chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới để tăng điểm tiếp xúc với khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm phục vụ xu hướng mua sắm trực tuyến đang tăng mạnh.
Ông dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam 5 năm tới sẽ như thế nào?
Thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nếu doanh nghiệp bán lẻ có thể đón đầu và đáp ứng được những thay đổi của thị trường thì sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thị trường sẽ có những sự thay đổi lớn về mặt sản phẩm, nhu cầu với sản phẩm. Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ đang tăng tốc đầu tư để mở thêm nhiều cửa hàng.
Do đó, thị trường sẽ cạnh tranh rất khốc liệt trong việc thương lượng để tìm được địa điểm tốt, phù hợp và những điều kiện trong hợp đồng đối với bên cho thuê. Chúng tôi đã chuẩn bị vốn để mở rộng kinh doanh nhằm đạt 16 TTMS vào năm 2025 so với 6 TTMS hiện nay.
Vậy mục tiêu mở rộng của AEON trong năm nay như thế nào?
Trong năm nay, chúng tôi chưa có kế hoạch mở thêm trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị quy mô lớn nhưng sẽ mở từ 2 đến 3 siêu thị quy mô vừa (SSM – Super Supermarket) đầu tiên. Nếu mô hình SSM với diện tích khoảng 5.000 m2 này hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng về sau. Với những siêu thị nhỏ, chúng tôi vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm và xem xét tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông?