CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, 10 tháng năm 2021 có tới 723 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị đạt 422.450 tỷ đồng (chiếm 96%), tăng khoảng 27% so với cùng kỳ 2020.
Tại Hội thảo trực tuyến “Trái phiếu doanh nghiệp - Cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro”, diễn ra chiều 18/11/2021, do FiinGroup & FiinRatings tổ chức, ông Nguyễn Hoàng - Phó phòng Phân tích của FiinRatings - cho biết: Dư nợ TPDN hiện chiếm khoảng 15% GDP. Điều này cho thấy, qui mô thị trường TPDN đang phát triển với tốc độ tăng khá nhanh. Riêng lĩnh vực ngân hàng chiếm hơn 50% giá trị trái phiếu phát hành; tiếp đến là lĩnh vực bất động sản (ngân hàng và bất động sản chiếm 70-75%). Dự báo, thị trường TPDN sẽ tiếp tục lớn mạnh, thậm chí qui mô thị trường sẽ có thể vượt cả chứng khoán.
Mặc dù vậy, thị trường TPDN đã có những vấn đề đặt ra về tính rủi ro mà cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo. Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinGroup & FiinRatings - cho rằng: Đầu tư TPDN vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhà đầu tư biết được mức thu nhập cố định bởi lãi suất và kỳ hạn của trái phiếu, lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Khó ở chỗ, trái phiếu có kỳ hạn dài, rủi ro không thu lại được vốn và lãi có thể xảy ra nếu tổ chức phát hành bị phá sản, vỡ nợ không thanh toán được.
Ảnh minh họaÔng Lê Hồng Khang - Chuyên gia phân tích FiinRatings, cho biết, các rủi ro đáng quan ngại nhất khi tham gia thị trường TPDN, đó là là rủi ro tín dụng, phần lớn nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn trong đánh giá về tổ chức phát hành liên quan đến sức khỏe tài chính. Thứ hai là rủi ro về thanh khoản (khả năng thanh toán trái phiếu đáo hạn)… Nếu các nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ để lựa chọn trái phiếu có độ an toàn cao, dựa trên các kiến thức và thông tin đánh giá rủi ro, xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, cũng như các vấn đề có liên quan khác, từ đó sàng lọc cổ phiếu tốt để đầu tư, sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Xét về lãi suất, thì trái phiếu bất động sản rất hấp dẫn. Mặc dù sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản phát hành được đánh giá là chưa đáng quan ngại, nhưng vẫn có sự phân hóa lớn, nên mức độ rủi ro và an toàn của mỗi trái phiếu là khác nhau. Sự cố một công ty bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc (Evergrande), mới đây gặp khó khăn không thanh toán được gốc và lãi trái phiếu đáo hạn, khiến giá trái phiếu của doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán giảm khoảng 80-85%, đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà đầu tư về rủi ro nhà phát hành phá sản, vỡ nợ không thu lại được gốc và lãi.
Đối với trái phiếu ngân hàng, lãi suất không hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm, nên các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân cũng ít quan tâm. Chính các ngân hàng là nhà phát hành, nhưng cũng là các nhà đầu tư chủ yếu mua và nắm giữ trái phiếu của nhau. Mức độ tín nhiệm tín dụng, độ an toàn của trái phiếu ngân hàng được đánh giá là khá cao, do khả năng phá sản, vỡ nợ thấp, bởi Quốc hội yêu cầu không để ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, không thể coi trái phiếu ngân hàng không có rủi ro, bởi thực tế đã có những ngân hàng bị “biến mất” trên thị trường. Cách đây khoảng chục năm, Việt Nam có trên 41 ngân hàng hoạt động, hiện chỉ còn 32 ngân hàng, nguyên nhân do “chết” hoặc tái cơ cấu.
Ngoài ra, cũng đã có hàng chục ngân hàng trước đây rơi vào diện phải theo dõi đặc biệt của cơ quan quản lý. Các nhà đầu tư cá nhân, khi gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư mua trái phiếu của ngân hàng, cũng phải cẩn trọng lựa chọn nhà phát hành có điểm tín dụng tốt như chất lượng tài sản, nguồn vốn, tính thanh khoản, mô hình hoạt động, vấn đề nợ xấu, triển vọng phát triển, thậm chí cả sức khỏe của nhóm khách hàng có dư nợ vay lớn Top 100 của ngân hàng có tốt hay không.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp. Ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng (IIB), nhận định: Các ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp, có khả năng do ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay bởi ngưỡng khống chế của Ngân hàng Nhà nước. Để bù đắp lợi nhuận, họ đổ tiền vào mua TPDN do lãi suất cao hơn lãi suất cho vay. Ngoài ra, có thể do các doanh nghiệp bị kẹt dòng tiền (doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng dòng tiền không về kịp) nên không thể trả nợ đáo hạn ngân hàng được, họ phát hành trái phiếu để huy động vốn thanh toán nợ cho ngân hàng. Điều này, giúp doanh nghiệp tránh được nợ xấu với ngân hàng, nhưng nếu các ngân hàng mua trái phiếu này, rất dễ dẫn đến rủi ro dây chuyền, vì dòng tiền không mới, chỉ là hình thức đảo nợ xấu thành nợ tốt. Nếu lượng TPDN phát hành dạng này nhiều, các ngân hàng nắm giữ lớn, lọt qua giám sát của NHNN, thì nợ xấu đã được che giấu, về lâu dài tiềm ẩn rủi ro khiến hệ thống ngân hàng suy yếu.