CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

[Trực tiếp] Có nên kéo dài lộ trình áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu?

Invest Global 11:46 24/02/2023
HT1.2Hội thảo diễn ra tại 65 Văn Miếu, Hà Nội. Ảnh Trọng Hiếu

 

Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết, tại Việt Nam, ngày 4/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Hiện tại, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu, đảm bảo các chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư.

Ở ngoài nước, Chính phủ nhiều nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu.

H.T1.1Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Gần đây, vào ngày 15/12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.

Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam, và tác động đã rất cận kề với thời gian áp dụng của các quốc gia khác dự kiến từ năm tài chính 2024.

Các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư như Indonesia, Malaysia, hay Hong Kong cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024.

Với những diễn biến mới của tiến trình thực thi Trụ cột II trên thế giới, thời gian thực thi Thuế suất tối thiểu toàn cầu ngày càng tới gần.

Điều này đang đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp cho việc thực thi quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu để không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

HT1.4Nhiều chuyên gia nước ngoài tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Liên quan tới việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều câu hỏi cụ thể đang được đặt ra như:

- OECD đã có hướng đầu tư thế nào cho các nước khi thực hiện quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu? Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) theo hướng dẫn của OECD là gì?

- Các nước đầu tư và tiếp nhận đầu tư đã chuẩn bị như thế nào cho việc áp dụng quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu?

- Có thể xem Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu là một Điều ước Quốc tế mà Việt Nam phải thực thi hay phải nội luật hoá các quy tắc của Thuế tối thiểu toàn cầu?

- Thay vì ưu đãi thuế theo thu nhập, một số nước có xu hướng áp dụng ưu đãi thuế dựa trên chi phí (thay vì miễn giảm thuế thu nhập). Đâu là các giải pháp cụ thể của ưu đãi thuế dựa trên chi phí? Liệu có thể hỗ trợ bằng tiền (cash) mà không vi phạm quy định của OECD? Việt Nam có thể học hỏi gì ở các nước tiếp nhận đầu tư? Cần sửa những quy định nào trong các luật liên quan và sửa như thế nào?

Nhằm góp phần tìm lời giải cho các câu hỏi nói trên, ngày hôm nay, Tạp chí Nhà đầu tư tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên của Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp của các nước, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, tài chính, các công ty tư vấn đầu tư quốc tế và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thu hút đầu tư và đảm bảo quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng các nền kinh tế phát triển G20 đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp 2 trụ cột nhằm giải quyết các vấn đề thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số.

HT1.3Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế). Ảnh Trọng Hiếu

Trong đó, trụ cột 1 quy định phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số, trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Trong tháng 10/2021, diễn đàn toàn cầu BEPS ban hành tuyên bố khung 2 trụ cột này với sự đồng thuận của 137 nước thành viên (hiện là 139 nước thành viên).

Các nước trong G20 theo đó đồng thuận tuyên bố 2 trụ cột nhằm giải quyết thách thức phát sinh và kêu gọi diễn đàn xây dựng quy tắc mẫu, hiệp định đa phương thống nhất nhằm đảm bảo hiệp định mới có quy tắc mới đảm bảo hiệu lực toàn cầu từ năm 2023.

Tuy nhiên, sau khi chỉ thị Liên minh Châu Âu thông qua vào ngày 16/12/2022 sau khi bị trì hoãn do sự phản đối của Ba Lan, Hungary, hiệp định mới dự kiến thực hiện vào năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu có 2 quy tắc gồm: quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%, quy tắc khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu và một quy tắc hiệp định thuế là 9%.

Đối với quy tắc thuế suất tối thiểu, từ 2024 được áp dụng ở trên 21 nước nước EU và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu từ 2022, nhưng cần thông qua Luật và Nghị định quy định chi tiết vấn đề này. Hàn Quốc dự kiến trong năm 2023 ban hành.

Nhật Bản thì công bố áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong tháng 2/2023, trong đó việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu, khoản thanh toán mức chịu thuế dưới mức thuế tối thiểu, và Nghị viện thông qua và cần ban hành 1/4/2023, và hiệu lực 1/4/2024.

Về tình hình FDI Việt Nam, chúng ta thu hút hơn 140 quốc gia FDI, các đối tác lớn chủ yếu từ Đông Á, nhiều năm qua là Hàn, Nhật, Singapore, tổng số nguồn vốn đăng ký chiếm gần nửa tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đài Bắc, Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan trong top 10 đối tác FDI lớn. Châu Âu có Virgin và Hà Lan trong nhóm này. Các đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ thì đứng vị trí số 11.

Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng từ Trụ cột 2, Bộ Tài chính đã có nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính về tình hình triển khai Trụ cột 2 về diễn đàn IF và Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 8/2022. Thủ tướng đã giao một Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng. Để triển khai, Bộ Tài chính cũng thành lập nhóm giúp việc, trong đó có thành phần là các đơn vị chức năng như Tổng cục thuế, vụ hợp tác quốc tế, vụ tài chính doanh nghiệp…

Trụ cột 2 là vấn đề mới, chúng tôi nhận thức đây không chỉ là về thuế TNDN mà cần các giải pháp khác ngoài thuế TNDN, việc tổ chức hội thảo “Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiếu toàn cầu” là rất cần thiết và kịp trong thời điểm hiện nay.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Lưu Đức Huy đánh giá cao Tạp chí Nhà Đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn đã tổ chức hội thảo, và cho biết "Qua hội thảo này, chúng tôi sẽ được lắng nghe trao đổi ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để đề ra các giải pháp đảm bảo quyền đánh thuế Việt Nam, thu hút đầu tư và đảm bảo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu".

8 giải pháp áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

HT1.5GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh Trọng Hiếu

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nước ta đang được các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhà đầu tư đánh giá là có lợi thế to lớn đối với FDI, những năm gần đây đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghệ cao của thế giới.

Nếu áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các tập đoàn kinh tế lớn đang sản xuất và kinh doanh, cũng như các nhà đầu tư tiềm năng thì sẽ làm cho lợi thế vốn có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng cao, chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số được nâng cao, môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn, khu vực kinh tế FDI đóng góp lớn hơn vào việc thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giai đoạn 2021- 2030.

Trước đó, hội thảo tháng 6/2022 do Tạp chí Nhà đầu tư/ Nhadautu.vn tổ chức đã cung cấp các thông tin đa chiều về thuế TTTC, các tổ chức đã có nghiên cứu về thuế này, hôm nay không bàn lại những thứ đã có thông tin và cần bàn thẳng vào các giải pháp để ứng phó với thuế TTTC.

Khi bàn về các giải pháp của Việt Nam đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu cần quan tâm cuộc cạnh tranh giữa một số nước ASEAN để thu hút FDI của TNCs hàng đầu thế giới, cũng như việc thực hiện Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết tháng 2/2009, có hiệu lực từ 29/3/2012.

HT1.7Rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm đến đưa tin, truyền trực tiếp hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế TNDN và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế cao đối với các nhà đầu tư.

Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế TNDN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020: mức thuế suất trung bình thuế TNDN thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm; ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế TNDN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.

Về giải pháp cụ thể đối với Việt Nam, do đây là cuộc chạy đua với thời gian nên cần phải thực hiện một loạt giải pháp.

Đầu tiên cần nghiên cứu đầy đủ các văn bản của G7, G20, OECD có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN, từ đó chọn lọc những nội dung phù hợp với nước ta để sử dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật thuế.

Hai là cần rà soát các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam có liên quan đến thuế TNDN, đối chiếu với các văn bản của G7, G20 và OECD để loại bỏ những quy định không tương thích. Từ một số quy định của các nước phù hợp với điều kiện của nước ta, lựa chọn để áp dụng khi điều chỉnh thuế suất thuế TNDN.

HT1.6Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội thảo. Ảnh Trọng Hiếu

Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam, đây là điều kiện cần để đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Bốn là, cần tiến hành đàm phán lại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cập nhập, bổ sung các khái niệm về cơ sở thường trú trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số, thay đổi một số nội dung có liên quan đến việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn của hai nước.

Năm là, đánh giá thiệt hại về số thuế TNDN mà các quốc gia hay vùng lãnh thổ nơi đóng trụ sở chính của các tập đoàn đa quốc gia sẽ hưởng lợi.

Sáu là, cần đàm phán với từng TNCs chịu tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi thông qua chính sách và cơ chế thích hợp với quy định của UNCTAD, các Hiệp ước đầu tư quốc tế và FTAs thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Bảy là, cần định ra thời gian thực hiện các công việc có liên quan đến áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Chậm nhất đến ngày 30/6/2023 hoàn thành kiến nghị của Tổ công tác để Bộ Tài chính trình Chính phủ Phương án sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế, cùng với các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư có liên quan.

Sau đó Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm để lấy ý kiến các đại biểu, làm các thủ tục biểu quyết thông qua việc sửa đổi nhiều luật bằng một luật để Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024.

Cuối cùng, cũng cần đẩy nhanh hơn và có hiệu quả hơn cuộc cải cách nền hành chính quốc gia bao gồm tinh giản bộ máy nhà nước, tính giản và nâng cao đạo đức, năng lực quản trị nhà nước của công chức, viên chức, giảm thiểu thủ tục hành chính và tình trạng sách nhiếu, chuyển sang chính phủ điện tử, chính phủ số trong quản lý đầu tư và kinh doanh.

PHIÊN I: THAM LUẬN

Thời điểm cấp bách quyết định thành công việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đối với kinh tế, đầu tư toàn cầu, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI.

HT1.8TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh Trọng Hiếu

Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế TNDN tiêu chuẩn của mỗi quốc gia.

Quốc gia có hiệu quả thu thuế thấp (có mức thuế suất thấp và nhiều chính sách ưu đãi khiến nguồn thu thuế thấp) sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngược lại, các quốc gia có thuế suất trung bình hoặc trên mức trung bình với một nguồn thu thuế lớn (mức ưu đãi thuế ít) sẽ ít bị ảnh hưởng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Đối với trong nước, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Ở góc độ tích cực, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Hướng ngược lại, sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi; việc áp dụng các quy tắc Chống xói mòn cơ sở toàn cầu (GloBE) có thể làm phát sinh các chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế.

Ngoài ra các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng.

Do vậy, đây là thời điểm cấp bách vì vậy Bộ Tài chính/Tổ công tác đặc biệt cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.

Hai là, Bộ Tài chính/Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024).

Ba là, Bộ Tài chính cần có đánh giá ảnh hưởng của các quy tắc GloBE do mức độ ảnh hưởng lên các chính sách ưu đãi là khác nhau đối với từng quốc gia, tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư và chính sách ưu đãi cụ thể, việc đánh giá chi tiết và cụ thể đối với từng quốc gia là rất cần thiết để xây dựng lộ trình cải cách phù hợp.

Bốn là, Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế

Phát biểu tại hội thảo, ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư Vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã là rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

HT1.9Ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư Vấn Thuế, Deloitte Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần Thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Tiếp theo, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các Tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

Nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Bàn về giải pháp, ông Thomas McClelland cho hay, để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn - QDMTT để giành quyền thu phần Thuế bổ sung trước các quốc gia khác.

QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư (“excess profits”) và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD. Tuy nhiên, theo Thomas McClelland, mặc dù được coi là biện pháp phản ứng nhanh trong bối cảnh Trụ cột 2, nhưng việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc thận trong trên nhiều yếu tố.

Cụ thể, không phải doanh nghiệp nào tại Việt Nam cũng nằm trong phạm vi áp dụng của Trụ cột 2 mà chỉ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR, theo đó việc áp dụng QDMTT cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp không thuộc phạm vi Trụ cột 2 mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam.

Ngoài ra, nếu áp dụng QDMTT, việc tính toán Thu nhập GloBE (GloBE income) cũng như Thuế được bao gồm (Covered tax) có thể sẽ rất phức tạp và tốn kém, do đó cần được cân nhắc giữa lợi ích mà QDMTT đem lại so với chi phí quản lý hành chính có thể phải bỏ ra.

Thứ hai, liên quan đến việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột 2.

Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chưa đa dạng, chỉ tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập (income-based incentives) như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí (expenditure-based incentives), đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền (cash grants).

Ưu đãi theo thu nhập là hình thức ưu đãi tương đối phổ biến tại các quốc gia đang phát triển, trong khi đó, các quốc gia phát triển có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các ưu đãi thuế dựa trên cơ sở chi phí như khấu hao nhanh, trợ cấp đầu tư hoặc giảm trừ thuế (tax credits) hơn là miễn giảm thuế thu nhập trên diện rộng, theo báo cáo của OECD.

Ưu đãi theo thu nhập có ưu điểm là dễ quản lý vì thông thường sẽ được kê khai khi quyết toán thuế cuối năm, đồng thời không phát sinh các khoản phải trả trước từ ngân sách, và dễ thu hút các dự án đầu tư mới và phát sinh lợi nhuận sớm ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, nhược điểm của ưu đãi theo thu nhập là sẽ phát sinh các trường hợp chuyển giá, chuyển dịch lợi nhuận sang các quốc gia có ưu đãi theo lợi nhuận lớn, đồng thời việc ưu đãi theo lợi nhuận mặc dù có thể thu hút các dự án đầu tư mới và lợi nhuận lớn trong giai đoạn đầu, nhưng có thể không hấp dẫn với các dự án đầu tư mở rộng do chính sách ưu đãi với dự án đầu tư mở rộng có thể thấp hơn so với đầu tư mới…

Dưới sự tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, các giải pháp liên quan đến đến ưu đãi theo chi phí, đặc biệt là ưu đãi bằng tiền (cash grant) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đang được các quốc gia nghiên cứu và cân nhắc. Ưu đãi bằng tiền có thể theo diện hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào các hoạt động chất xám như NC&PT…

dai-bieu

Khuyến nghị tại hội thảo, ông Thomas McClelland cho rằng, Việt Nam cần tiến hành việc chuẩn bị về mọi mặt ngay từ bây giờ cho sự hiện diện thực tế của Trụ cột 2, trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ áp dụng chính sách về Thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024. Các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột 2 nên được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Trong ngắn hạn, việc có áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn QDMTT để giành quyền thu thuế nên được cân nhắc sớm, đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện.

Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột 2, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.

Thứ hai, đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2, các hình thức ưu đãi đầu tư mới dựa trên chi phí, đặc biệt là ưu đãi bằng tiền, nên được cân nhắc với những ưu điểm nhất định so với hình thức đầu tư dựa trên thu nhập. Việt Nam nên cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong tình hình mới, song song với việc tham khảo, lấy ý kiến tư vấn OECD, cũng như các chính sách đang được thực hiện bởi các quốc gia khác.

Cuối cùng, với sự thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu, nên sớm triển khai đánh giá tác động và nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

Việt Nam có nên điều chỉnh nội luật?

Phát biểu tại Hội thảo, ông Robert King, lãnh đạo Dịch vụ Thuế của EY khu vực Đông Dương của EY cho rằng, trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu đưa ra các quy định áp dụng các quy tắc mẫu Chống Xói mòn Cơ sở Thuế Toàn cầu Trụ cột 2 (GloBE), một quốc gia như Việt Nam, nơi có các ưu đãi hấp dẫn về thuế, sẽ rơi vào tình huống mà một quốc gia khác.

1.01Ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ Thuế của EY khu vực Đông Dương của EY. Ảnh Trọng Hiếu

Thông thường, quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở, sẽ thu "thuế bổ sung" trên thu nhập mà công ty con tại Việt Nam đang nộp thuế thấp tạo ra. Theo nghĩa rộng thuế bổ sung sẽ được áp dụng khi thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp ở một quốc gia thấp hơn 15%.

Trường hợp này xảy ra ngay cả khi Việt Nam lựa chọn không ban hành các quy định để triển khai quy tắc mẫu GloBE, các ưu đãi thuế tại Việt Nam có thể bị "thu hồi lại" ở một quốc gia khác. Từ góc độ của các tập đoàn đa quốc gia, điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích thuế từ chính sách ưu đãi, và rốt cuộc sẽ phải trả thuế ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam.

Thông thường, quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở, sẽ thu "thuế bổ sung" trên thu nhập mà công ty con tại Việt Nam đang nộp thuế thấp tạo ra. Theo nghĩa rộng thuế bổ sung sẽ được áp dụng khi thuế suất hiệu quả của doanh nghiệp ở một quốc gia thấp hơn 15%.

Điều này đặt ra câu hỏi về mặt chính sách rằng Việt Nam có nên điều chỉnh nội luật để sao cho trong những trường hợp trên, doanh thu phát sinh tại Việt Nam phải chịu thuế ở Việt Nam, thay vì ở nước khác hay không.

Trường hợp này xảy ra ngay cả khi Việt Nam lựa chọn không ban hành các quy định để triển khai quy tắc mẫu GloBE, các ưu đãi thuế tại Việt Nam có thể bị "thu hồi lại" ở một quốc gia khác. Từ góc độ của các tập đoàn đa quốc gia, điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được lợi ích thuế từ chính sách ưu đãi, và rốt cuộc sẽ phải trả thuế ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam.

Có một số cách để thực hiện điều này. Việt Nam có thể áp dụng một hình thức thuế bổ sung tối thiểu của riêng mình. Một cách khác là có thể giảm hoặc sửa đổi các ưu đãi thuế đang áp dụng sao cho chúng ít có khả năng dẫn đến việc áp dụng thuế bổ sung theo các quy tắc mẫu GloBE. 

Khi xem xét việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung, nhìn chung có hai cách tiếp cận. Một cách là áp dụng thuế tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn của khái niệm "Thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn" ("TTTNĐ") như được định nghĩa bởi quy tắc mẫu GloBE hoặc bằng cách áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung mà dẫn đến kết quả phù hợp với quy tắc mẫu GloBE, nhưng không thỏa mãn tiêu chuẩn khái niệm TTTNĐ.

Khái niệm TTTNĐ được nêu tại Điều 10.1 của quy tắc mẫu GloBE, theo đó yêu cầu để đủ điều kiện là một TTTNĐ, thuế nội địa bổ sung phải tính toán lợi nhuận và nghĩa vụ thuế bổ sung cơ bản theo cách tương tự như quy tắc mẫu GloBE. Để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, TTTNĐ phải được triển khai và quản lý theo cách phù hợp với quy tắc mẫu mà không đi kèm với các lợi ích khác. Ví dụ, sẽ không thỏa mãn các yêu cầu của TTTNĐ nếu như một công ty chịu thuế tối thiểu nhưng sau đó lại được hưởng một số loại lợi ích mang tính đền bù.

Thuế bổ sung nội địa đáp ứng yêu cầu của một TTTNĐ còn mang đến nhiều lợi ích khác. Thứ nhất, nó được khấu trừ toàn bộ vào bất kỳ khoản thuế bổ sung nào khác phát sinh theo các quy tắc mẫu GloBE tại một quốc gia khác. Điều này có nghĩa là nếu Việt Nam áp dụng TTTNĐ, thu nhập của công ty con phát sinh tại Việt Nam sẽ không phải chịu thêm bất kì khoản thuế bổ sung nào theo các quy tắc mẫu GloBE tại bất kỳ quốc gia nào khác.

PHIÊN II: THẢO LUẬN MỞ

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn điều phối phiên thảo luận mở: Sau phần tham luận, chúng ta sẽ cùng các chuyên gia có mặt tại hội trường thảo luận để làm rõ 1 số vấn đề. Câu hỏi đầu tiên muốn dành đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), liệu chúng ta có thể rà soát đánh giá việc thực thi Thuế TTTC sẽ tác động bao nhiêu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam?

Cần kéo dài lộ trình áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trước khi trả lời vấn đề, tôi muốn đặt ra câu hỏi đầu tiên là có quốc gia nào muốn thu thuế thấp? Tôi tin là không, thuế là công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện chính sách kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, tại sao lạ có hiện trạng các quốc gia đưa mức thuế suất thấp hơn các quốc gia khác. Trước hết, đó là thực trạng xuất phát điểm không giống nhau, như điều kiên lịch sử, kinh tế, xã hội….

Chính vì vậy, các quốc gia có điều kiện không thuận lợi buộc phải dung hòa bằng các lợi thế khác. Bản chất doanh nghiệp là một thực thể do nhà đầu tư góp vốn để tìm lợi nhuận. Việc tập đoàn tìm miền đất mới có lợi thế đạt lợi ích này là chuyện dễ hiểu. Do vậy, các quốc gia sẽ đặt mức ưu thuế ưu đãi hơn đẻ bù đắp lại những bất lợi mà nhà đầu tư sẽ gặp phải như hệ thống pháp lý, hạ tầng, trình độ/hiệu suất/năng suất các nước đang phát triển không bằng nhóm phát triển…

do-van-suÔng Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT). Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy vậy, Thuế TTTC (như đã biết) là xu hướng tất yếu và được đánh giá đem lại lợi ích chung cho các chủ thể. Rõ ràng, các quốc gia xuất khẩu vốn sẽ có lợi thế, trong khi nhóm quốc gia ít tác động tích cực hoặc thậm chí tiêu cực là dựa và sự tăng trưởng bằng nguồn vốn nhập khẩu.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy số Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là các doanh nghiệp FDI đóng góp trên tổng thuế thu nhập các doanh nghiệp cả nước là 40%. Con số này nghe có vẻ không nhiều khi chưa chiếm đến một nửa, nhưng lưu ý rằng so với lượng doanh nghiệp FDI thì mức thuế đóng góp này là rất lớn (35.000 doanh nghiệp/1 triệu doanh nghiệp trong nước). Chưa kể, các doanh nghiệp FDI sử dụng đất đai, năng lượng, lao động ít hơn doanh nghiệp trong nước.

Trong số 35.000 doanh nghiệp đó, chúng tôi có thể lọc ra các đối tượng chịu tác động. Thuế tác dộng đối tượng chịu thuế dưới 15%, trong số đó lọc tiếp DN nào có tổng doanh thu trên 750 triệu USD, và bé hơn nữa nhưng là DN liên kết và trong chuỗi DN và gộp doanh thu toàn cầu thì có thể vượt 750 triệu USD. Chúng tôi dự kiến tác động đầu tư mới, tức thành viên các tạp đoàn có tiếp tục đầu tư vào Việt Nam hay không? Có tiếp tục mở rộng đầu tư nữa hay không? Môi trường đầu tư còn thuận lợi cho Việt Nam nữa hay không?...

Một điều băn khoăn nữa là ứng xử của Nhà nước đối với các đự án cấp trước đây thì nào? Khả năng chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận thu được không còn phù hợp, mà chúng tôi tính là dựa trên chi phí, đó là khuyến nghị đánh giá là phù hợp Việt Nam trong nghiên cứu chính sách thời gian tới. Tác động các doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam, phải tính đến lợi ích của họ phải được bảo vệ và bảo hộ.

Một số khuyến nghị khác nhận được là đàm phán với các đối tác, quốc gia khác về bất hồi tố cho các dự án được cấp trước; ngoài ra phải có các chính sách song phương với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các tập đoàn lớn chịu chính sách này, để có ưu đãi, ngoại lệ không áp dụng với một số ngành lĩnh vực và chủ thể đặc biệt. Bên cạnh đó, cần có những thương lượng đàm phán để kéo dài lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 2-5 năm để Chính phủ và các doanh nghiệp có khoảng thời gian để chuẩn bị.

Rà soát ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ý kiến của ông Đỗ Văn Sử. Về việc đánh giá tác động và đánh giá mức độ thu thuế các doanh nghiệp FDI khi thực thi Thuế TTTC đại diện phía Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định hoàn toàn có thể đánh giá được. Tuy nhiên, có một số ý kiến lo ngại về doanh thu hợp nhất toàn cầu của doanh nghiệp, liệu doanh thu này chúng ta có thể nắm được không. Xin mời ý kiến ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế).

Ông Lưu Đức Huy: Đây là vấn đề trách nhiệm của cơ quan thuế. Trong 2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ernst and Young để có danh sách các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại 1015 doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu EUR, chúng tôi đã có văn bản gửi các Cục Thuế ở các tỉnh thành phố yêu cầu rà soát chế độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp này.

Năm 2022, như đã biết có số liệu Thuế TNDN theo quyết toán của năm 2021, trong khi dự kiến áp dụng Thuế TTTC của các nước là năm 2024 và không phải tất cả các nước đều áp dụng từ năm 2024, một số nước sẽ áp dụng sau đó. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp có chế độ ưu đãi khác nhau bởi thời gian đầu tư vào Việt Nam khác nhau.

Qua rà soát hiện chúng tôi có 20 cục thuế báo cáo về rằng có trên 400 doanh nghiệp còn có đúng 1 năm giảm thuế, do vậy, cần nhấn mạnh rằng điều này phụ thuộc nhiều vào điều kiện cụ thế của từng doanh nghiệp và để tính ra số cụ thể khá khó. Vì năm 2024 có thể Hàn Quốc áp dụng, các doanh nghiệp nằm trong danh sách 1015 doanh nghiệp trên sẽ bị áp dụng.

Phải có trách nhiệm để bảo cam kết cho nhà đầu tư

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tất cảm ơn trả lời ông Lưu Đức Huy. Trong phát biểu ông Đỗ Văn Sử vừa nãy có nêu vấn đề việc thực thi còn phụ thuộc khả năng đàm phán song phương các nước. Ở đây có Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&ĐT, theo ông, liệu có khả năng đàm phán song phương với các nước để kéo dài lộ trình thực thi phù hợp với tình hình Việt Nam?

Ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT): Dưới góc độ các nhân từ góc độ người làm đầu tư, với các cam kết đầu tư, chúng tôi tham gia, khẳng định là không có biện pháp điều chỉnh mức thuế nào. Tuy nhiên trong đó có những ký kết liên quan đến cam kết thuế, cam kết đảm bảo đầu tư… Ví dụ như Việt Nam đã cam kết như thế nào, nhà đầu tư đã hưởng lợi như thế nào…

Về nguyên tắc, chúng ta phải đảm bảo luật pháp trong nước hay thực thi các điều ước quốc tế làm thay đổi, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư thì các thành viên phải có nghĩa vụ, trách nhiệm để bảo cho nhà đầu tư. việc Việt Nam có thể trao đổi song phương với Hàn Quốc, thì cũng có thể, tuy nhiên vẫn không đủ, cần xem xét thêm.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cùng câu hỏi vừa nãy, và liệu khi thực thi Thuế TTTC thì các Hiệp định song phương về tránh đánh thuế 2 lần có còn hiệu lực hay không? Rất muốn nghe ý kiến đại diện đến từ Công ty Luật Baker & McKenzie.

Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Công ty Luật hợp danh Baker & McKenzie Việt Nam: Cái này có thể xem xét thêm trên cơ sở đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Thuế TTTCkhông chỉ ảnh hưởng nước này với nước kia nhưng một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam thì có thể đặt trụ sở tại rất nhiều nước.

Tôi cho rằng, nó không chỉ song phương giữa hai nước cụ thể. Khả năng đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc cũng chưa có cơ chế cụ thể, nếu chúng ta xem xét đến khả năng đó, chúng ta cần nghiên cứu thêm.

***

Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu - Trụ cột II nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) đã bắt đầu được một số nước thực thi.

Việc áp dụng Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới thu ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước, đặc biệt là nhóm các nước đang phát triển tiếp nhận đầu tư.

Tại hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 14/6/2022, các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp đã phân tích, đánh giá tác động của Trụ cột II đối với Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng cơ hội tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời giữ vững năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Với những diễn biến mới của tiến trình thực thi Trụ cột II trên thế giới, Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

Hội thảo sẽ tập hợp ý kiến, đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp về các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước gắn với ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với các cam kết quốc tế và Quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu.

Hội thảo được tổ chức vào thứ Sáu, ngày 24/2/2023, tại hội trường tầng 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 65 Văn Miếu, Hà Nội.

Theo ban tổ chức, hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan