CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

[Trực tiếp] Tọa đàm 'Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam'

Invest Global 08:59 25/04/2023
backdrop

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết: Thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng to lớn đối với nền kinh tế. Những năm gần đây, bên cạnh dịch vụ cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhiều công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cho hàng triệu khách hàng trên cả nước (đa phần là sinh viên và người lao động).  

Tuy nhiên, song hành với sự tăng trưởng "nóng", thị trường này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay; không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định. Đặc biệt, tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ với các hình thức "khủng bố" người vay và người thân của người vay tiền, cưỡng đoạt tài sản, gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội.

Trước thực trạng này, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Công an và Công an các địa phương đã tiến hành điều tra nhiều tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay tài chính, cho vay cầm đồ về các dấu hiệu vi phạm pháp luật. Sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật đã và đang góp phần ổn định thị trường, lập lại an ninh trật tự tại các địa phương.

Ở một khía cạnh khác, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, do quy định pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về "trần" lãi suất và thu hồi nợ. 

Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, nhưng không quy định về các loại phí, cũng như các vấn đề về thu hồi nợ, thu hồi tài sản...

Luật Đầu tư năm 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ hiện khó thực thi vì thủ tục phức tạp, kéo dài, trong khi giá trị mỗi khoản vay không lớn…

Nhằm đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận xã hội về hoạt động tài chính tiêu dùng, Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức tọa đàm: "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam".

Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ Công an, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế - pháp luật.

***

Với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, thị trường tài chính tiêu dùng đã phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ cho vay tiêu dùng phong phú, đa đạng.

Đến nay, đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng, đối tượng vay chủ yếu là người lao động, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng. Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ 16 công ty tài chính mới đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính tiêu dùng còn có sự góp mặt của nhiều loại hình cho vay tiêu dùng khác như các chuỗi dịch vụ cho vay cầm đồ và tiệm cầm đồ nhỏ lẻ; các công ty fintech; công ty tài chính...hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư 2020.

Dù thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng rất lớn nhưng trên thực tế đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp, bất ổn khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức, cá nhân dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay cũng như thu hồi nợ. Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp thành viên thị trường phản ánh hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, do quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập.

Xuất phát từ những vấn đề trên, sáng 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức toạ đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam" nhằm mục đích đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận xã hội về hoạt động tài chính tiêu dùng.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chuyên gia pháp lý và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan