CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trung Quốc sẽ mở nhà máy lớn sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời ở Malaysia và xây dựng 580 km đường cao tốc ở Lào - những động thái tấn công mới nhất nhằm nhằm 'quyến rũ' Đông Nam Á.
Tập đoàn năng lượng mặt trời Risen Energy của Trung Quốc đã đồng ý đầu tư hơn 10 tỷ USD vào ngành công nghiệp quang điện của Malaysia.
Ảnh: Reuters
Những nỗ lực này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường các hoạt động nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực này.
Risen Energy của Trung Quốc sẽ đầu tư vào nhà máy ở Malaysia, theo thông báo ra ngày 24 tháng 6 của Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế của Malaysia. Tập đoàn điện mặt trời này đã đồng ý đầu tư 42,2 tỷ ringgit (10,1 tỷ USD) vào ngành công nghiệp quang điện của Malaysia.
Một ngày trước đó, Trung Quốc tổ chức cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng các nước đối tác trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.
Bắc Kinh mang vắc-xin COVID-19 và hợp tác tới các quốc gia này khi họ đang chật vật cố gắng nhằm chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Quyết định đầu tư của Risen Energy có thể phản ánh mong muốn của các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh.
Những cuộc “oanh tạc” đầu tư của Trung Quốc, với các dự án quy mô lớn và hỗ trợ kinh tế, được nhiều người coi là nỗ lực làm suy yếu Mỹ trong cuộc đua giành ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.
Ngày 7 tháng 6, Trung Quốc tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên trong 16 tháng với các bộ trưởng ASEAN tại Trùng Khánh.
Ở đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Jakarta và đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia.
Ngày 22 tháng 6, Trung Quốc đồng ý với Campuchia thúc đẩy hợp tác để cải thiện mạng lưới quá cảnh, cử các chuyên gia Trung Quốc về công nghệ cơ sở hạ tầng tới làm việc.
Tại Lào, việc xây dựng đường cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn đang được tiến hành.
Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Lào ngày 7 tháng 6 đã phê duyệt việc xây dựng một tuyến đường cao tốc dài 580 km với kinh phí 5,1 tỷ USD.
Việt Nam cũng là mục tiêu mà Trung Quốc muốn chi tiêu mạnh tay.
Theo báo chí Việt Nam, Trung Quốc đã đầu tư 61 dự án tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4, với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Bắc Kinh quyết tâm ngăn chặn nỗ lực của Washington nhằm hút ASEAN về phía mình.
Tại hội nghị thượng đỉnh giữa tháng 6, các nước G7 nhất trí ra sáng kiến cơ sở hạ tầng kiểu Vành đai và Con đường nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc với các ngoại trưởng ASEAN diễn ra ngay sau đó.
Bất cứ khi nào Washington cố gắng xích lại gần các thành viên ASEAN, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức có động thái đáp trả.
Mỹ đã động thổ một trung tâm đào tạo hàng hải mới trị giá 3,5 triệu USD trên đảo Batam của Indonesia, ở lối vào phía nam của eo biển Malacca chiến lược và đông đúc. Sự kiện có sự tham dự của Sung Kim, Đại sứ Mỹ tại Indonesia.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ trong khu vực vẫn nhạt nhoà bên cạnh sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.
Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào Đông Nam Á phản ánh sự tính toán cẩn thận của nước này để lấy lòng các quốc gia ở khu vực này.
‘Vành đai và Con đường’ (BRI) của Trung Quốc là một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá nhiều nghìn tỷ đô la mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013.
Sáng kiến nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của Con đường Tơ lụa, một tuyến đường thương mại cổ xưa, để nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến, ở các lĩnh vực như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.
(Theo Nikkei Asia)