CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 6915/BGTVT-KHĐT gửi UBND TP. Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
GIẢM TẢI CHO SÂN BAY NỘI BÀI ĐẾN NĂM 2050Trước đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế; đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch để UBND thành phố bổ sung vào quy hoạch Thủ đô đang triển khai, bảo đảm thống nhất.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không đầu mối của khu vực phía Bắc, vùng Thủ đô với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam và một số cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới.
"Giai đoạn đến năm 2050, tại khu vực vùng Thủ đô sẽ dần hình thành cảng hàng không thứ hai nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu nói trên, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, định hướng quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô hình thành trong giai đoạn 2030 - 2050.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc hình thành cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô phù hợp với phương hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023.
DỰ KIẾN QUY HOẠCH TẠI KHU VỰC ĐÔNG NAM, NAM HÀ NỘIVề thời điểm nghiên cứu và vai trò của cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải “nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc” trong giai đoạn 2026 - 2030.
Bên cạnh đó, "quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng giao nhiệm vụ nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô giai đoạn trước năm 2030, dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Hà Nội", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình số 28-CTr/BCSĐ ngày 7/4/2023, trong đó xác định nhiệm vụ nghiên cứu vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch của cảng hàng không thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô, khu vực phía Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối với các cảng hàng không (Nội Bài, cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, các cảng hàng không lân cận).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Liên quan đến vai trò của cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy hoạch hệ thống cảng hàng không vừa được phê duyệt có định hướng cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Cụ thể, để đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế.
Như vậy, "vai trò, tính chất của cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được xác định một cách linh hoạt, không chỉ phụ thuộc vào kết quả của quy hoạch", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Cũng tại công văn này, Bộ Giao thông vận tải để ngỏ khả năng đẩy nhanh lộ trình nghiên cứu xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô.
Theo đó, trường hợp UBND TP. Hà Nội cần sớm cụ thể hóa vị trí quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét việc tài trợ sản phẩm quy hoạch cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
“Do tính chất quan trọng của cảng cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật, công tác lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc tối ưu vùng trời, phương thức bay, an toàn khai thác như triển khai tại một số cảng hàng không tại Việt Nam”, Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị.
Giữa tháng 5/2023, UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đề nghị điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc tế. Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, vùng Thủ đô có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21 - 23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314 km2, cơ bản tương đồng với vùng TP.HCM (quy mô dân số 24 - 25 triệu người, diện tích khoảng 30.400 km2).
Đồ án Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng xem xét phê duyệt định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho vùng TP.HCM, gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành với tổng công suất khoảng 150 triệu lượt hành khách/năm.
Như vậy, đối với vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.