CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Những bàn thảo về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội XV nên được đặt trong tư duy về một cuộc cải cách mới ở Việt Nam.
Đó là đề xuất của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Là chuyên gia kinh tế, ông kỳ vọng gì về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV?
Diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục gây ra những xáo trộn lớn trong nền kinh tế, trong cuộc sống, xã hội. Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra hoàn toàn khác các cuộc khủng hoảng trước đây, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế do khủng hoảng y tế kéo dài, nguyên nhân và cách thức phục hồi có những đặc thù riêng.
Chính phủ các nước đều thực hiện các giải pháp chính sách để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế, kéo theo rủi ro lạm phát và nợ công tăng cao. Nhưng quy luật và kinh nghiệm thực tiễn của cả thế giới và Việt Nam đều cho thấy, cứ sau một cuộc khủng hoảng là phải có một cuộc cải cách, để quá trình phục hồi hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn, hiệu quả hơn của nền kinh tế.
Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu được xác định là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp...
Covid-19 đang khiến dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm khá dè dặt. Hai kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, với mức tăng trưởng GDP là 6% và 6,5%, tùy theo các thời điểm dịch bệnh được khống chế, đang đối mặt với nhiều thách thức mới...
Lúc này, tôi thực sự không muốn đặt vấn đề về các con số tăng trưởng. Quan điểm của tôi là phải thúc đẩy một cuộc cải cách mới để sẵn sàng nền tảng phát triển cao và bền vững cho nền kinh tế trong 5-10 năm tới.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam hơn 3 thập kỷ qua, chúng ta đều thấy, sau mỗi đợt khủng hoảng, công cuộc cải cách được đẩy lên và tạo ra những bước phát triển mới với tốc độ và chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Ví dụ, sau những khó khăn của nền kinh tế giai đoạn 1997-1998, Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành với tư duy mở cửa mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển đầy thăng hoa.
Hiện nay, chắc chắn phải cần một cuộc cải cách, kế thừa những cải cách đã tiến hành, nhưng đồng thời phát triển thêm. Cái mới của lần cải cách này là nâng chất lượng thể chế và chuyển đổi số. Mục tiêu là hoàn thiện thể chế về thị trường và phân bổ nguồn lực, phát triển ngành nghề mới, phát triển kỹ năng mới.
Những chuyển động này đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Song cũng có nghĩa, cuộc cải cách cơ cấu lần này sẽ phức tạp hơn nhiều so với trước, đòi hỏi ý chí và quyết tâm chính trị lớn.
Tại sao đây là thời điểm thúc đẩy mạnh mẽ những thay đổi này?
Quan sát các nền kinh tế trên thế giới, có thể thấy, khủng hoảng từ Covid-19 đã thúc đẩy nhiều cải cách. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa, nhiều chính phủ đã tiếp cận mô hình G2B (từ chính phủ đến doanh nghiệp) dựa trên công nghệ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; áp dụng cách quản lý minh bạch, dựa trên phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, cho phép quy định linh hoạt, nhưng không giảm hiệu lực, hiệu quả chính sách công…
Một số nước đã tận dụng cơ hội để đưa ra các giải pháp không chỉ giúp vượt qua khủng hoảng, mà còn tạo cơ sở để cải thiện bền vững, lâu dài môi trường kinh doanh. Những thay đổi luật pháp cho phép tiến hành tố tụng trực tuyến ở Bungary và Anh, hay đẩy nhanh đơn giản hóa và số hóa trong cung ứng dịch vụ G2B ở Philippines là các ví dụ loại này.
Với nền kinh tế Việt Nam thì sao, thưa ông?
Ở Việt Nam, các động thái tương tự đang được Chính phủ đẩy mạnh. Cùng với đó, doanh nghiệp đang tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất một cách mạnh mẽ. Sẽ có những vấn đề phát sinh, như khu vực sử dụng nhiều lao động sẽ đầu tư máy móc, hiện đại hóa công nghệ..., các ngành nghề, phương thức mới xuất hiện tạo nhiều việc làm mới, nhưng cũng đặt áp lực lên khu vực lao động truyền thống đang trong thế bấp bênh, bị dôi dư.
Có thể nói, 10 năm qua, chúng ta đã chuyển được hàng chục triệu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, nhưng dịch bệnh đã làm ngược lại. Chỉ có thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp mới giải được bài toán về thị trường lao động. Lúc này, thị trường lao động và thị trường sản phẩm dịch vụ lành mạnh là khung khổ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thành lập và hoạt động.
Bên cạnh đó, một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.
Tại thời điểm khủng hoảng, ít rào cản gia nhập thị trường có thể giúp hạn chế suy giảm mật độ doanh nghiệp; khung khổ pháp lý minh bạch, hợp lý sẽ hỗ trợ đội ngũ doanh nhân theo đuổi các hoạt động sản xuất và các doanh nghiệp sẽ phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng trong giai đoạn khủng hoảng.
Như vậy, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho điều chỉnh và phân bố lại nguồn lực đến các doanh nghiệp, đến các ngành sản xuất tiềm năng và hiệu quả nhất. Nhưng để có môi trường này, cần cải cách thể chế thực sự mạnh mẽ. Quan trọng là khi những cải cách thể chế và chuyển đổi số được thực hiện, Việt Nam không chỉ vượt qua khủng hoảng, tăng sức chống chịu của nền kinh tế, mà còn có thể bứt phá, thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác.
Đây là lúc cần phải nhìn vào mục tiêu vươn lên nhóm các nước đứng đầu ASEAN.
THEO BÁO ĐẦU TƯ