CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư

Invest Global 14:21 28/09/2022

Thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa khẳng định tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm việc lâu dài.

Chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư tại Việt Nam là có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào chuyển đổi số.

Mới đây, Ngân hàng Kasikorn (KBank-Thái Lan) đã chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu mang đến các dịch vụ kỹ thuật số đa dạng và trở thành ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu khu vực. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu sẽ giải ngân hơn 500 triệu USD và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân là 1,2 triệu người vào năm 2023 tại thị trường Việt Nam.

viet nam van la diem den dau tu Việt Nam sẽ sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng và hàm lượng công nghệ cao trong tương lai gần.

Bà Kattiya Indaravijaya, Giám đốc Điều hành KBank nhận xét, Việt Nam sở hữu sức bật lớn nhờ đang có tỷ lệ vàng về dân số và 60% dân số cả nước có am hiểu cơ bản về công nghệ cao. Trước tiềm năng to lớn này, KBank đặt mục tiêu thực hiện chiến lược kỹ thuật số tiên phong mang đến cho Việt Nam những dịch vụ và giải pháp tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, qua đó nâng cao năng lực ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.

Mới đây, Boeing và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã đạt được thỏa thuận về tái cấu trúc, tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737 để khẳng định những cam kết hỗ trợ của Boeing về dịch vụ và đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đầu tư... cho Vietjet.

Còn trong sản xuất sản phẩm bán dẫn, Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam. Một phần của khoản đầu tư này đã được hiện thực hóa bằng việc đầu tư 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC, phần còn lại được đầu tư cho các nhà máy khác, qua đó góp phần khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử của Tập đoàn tại Việt Nam.

Ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung điện tử chia sẻ, doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh; đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.

Đặc biệt, nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đang rất chú trọng đến đầu tư công nghệ cho năng lượng sạch, phát triển xanh và bền vững. Nắm bắt nhu cầu này, Jinko Solar Hong Kong - một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào một dự án tại Quảng Ninh.

Dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của dự án được sử dụng hệ thống máy móc thiết bị mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài. Dự án này theo tính toán tạo ra doanh thu bình quân năm đạt gần 1.300 triệu USD và tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

“Mở đường” để đầu tư thuận lợi

Lý giải nguyên nhân Việt Nam là điểm đến thu hút đầu tư trong thời gian qua, các chuyên gia quốc tế nhận định, môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, cùng với lực lượng lao động trẻ am hiểu về công nghệ; sự phổ biến và tốc độ gia tăng nhanh chóng của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là những yếu tố giúp Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.

Tuy nhiên bên cạnh những dấu ấn nổi bật, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, trong tổng số các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu hiện chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80% và công nghệ lạc hậu chiếm 15%. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung trong ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông… tại Việt Nam vẫn còn rất ít. Hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ tại Việt Nam nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh; ưu tiên phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn; tập trung nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, để thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế và có sự phân biệt rõ về chính sách ưu đãi đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Nếu các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ vào Việt Nam sớm được triển khai sẽ tạo điều kiện rất lớn cho quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng và hàm lượng kỹ thuật cao tại Việt Nam đưa nước ta tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vị chuyên gia này khẳng định.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan