CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chỉ số hai sàn niêm yết đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn dìm thị trường. Sắc xanh le lói xuất hiện, tập trung ở một vài nhóm ngành.
Bên bán thắng thế, VN-Index tuột mốc 1.300
Trong khi hầu hết các sàn chứng khoán châu Á đều đóng cửa trong sắc xanh, chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường vẫn chưa thể phục hồi sau phiên giảm điểm tuần trước. Chỉ với hai phiên rơi sâu, nỗ lực tăng điểm từ ngày 30/7 của VN-Index đã bị “đánh bay” toàn bộ.
Sắc đỏ bao trùm suốt phiên giao dịch. Dù diễn ra giằng co với những thời điểm hồi phục nhẹ, bên bán vẫn thắng thế. Cú rơi mạnh giữa phiên chiều cùng phiên ATC đỏ lửa đã kéo VN-Index đóng cửa ở mức điểm thấp nhất trong phiên - 1.298,8 điểm, giảm 30,57 điểm (-2,3%) so với phiên cuối tuần trước. Sàn UPCoM cũng giảm tới 1,34% còn 91,46 điểm. Giao dịch trên sàn HNX giằng co hơn, có thời điểm nhích lên khá nhưng kết phiên vẫn giảm 0,96% xuống gần 335 điểm.
Chứng khoán Việt Nam đỏ lửa khi hầu hết thị trường châu Á lấy lại sắc xanh.
Sắc đỏ không chỉ áp đảo trên ba chỉ số chung. Số lượng các mã cổ phiếu giảm giá cũng vượt trội so với nhóm tăng giá. Toàn sàn có hơn 500 mã giả, trong khi số mã tăng chỉ hơn 300. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn rơi mạnh. VN30-Index giảm tới 2,65% với 26 mã giảm giá và chỉ có 3 mã tăng cùng 1 mã đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, VNMid-Index và VNSML-Index giảm lần lượt 2,64% và 1,14%.
Cổ phiếu Vietcombank - tổ chức niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất giảm 2,83% và đóng góp gần 2,8 điểm giảm trong tổng mức giảm gần 31 điểm của VN-Index. Top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực lên VN-Index còn có GVR, MSN, HPG, TCB.
Ở chiều ngược lại, nhóm tăng giá khá yếu ớt. Cổ phiếu NVL của ông lớn bất động sản Novaland tăng 1,16% trong phiên hôm nay và là yếu tố đỡ chỉ số nhiều nhất nhưng cũng chỉ góp chưa tới 0,5 điểm tăng. Đi ngược dòng trong phiên điều chỉnh, Novaland cũng bước chân vào top 10 tổ chức niêm yết có vốn hoá lớn nhất. Trong khi đó, VPBank rời khỏi nhóm này.
Hầu hết các nhóm ngành đều giảm, cổ phiếu vua cũng không phải ngoại lệ. Trừ NVB tăng nhẹ, các cổ phiếu ngân hàng khác đều đóng cửa trong sắc đỏ, riêng VIB giảm kịch biên độ. VPB giảm hơn 3% về còn 60.600 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu nhóm dầu khí bị bán mạnh. Dù giá dầu thế giới hồi phục sau tuần lao dốc mạnh liền trước, lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sự phục hồi kinh tế và nhu cầu nhiên liệu vẫn là điều khiến các nhà đầu tư lo lắng. Cổ phiếu BSR - công ty sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất “bốc hơi” 6,6% trong phiên. PLX, OIL và một số cổ phiếu họ P như PVD, PVS đều giảm trên 6%. Nhóm thuỷ sản cũng giao dịch tiêu cực. ANV, CMX giảm kịch biên độ, trong khi cổ phiếu của ông lớn Vĩnh Hoàn giảm 5,65%.
Dòng cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng le lói trong phiên hôm nay. Thậm chí, hơn 10 cổ phiếu chứng khoán tăng kịch trần như CTS, AGR, WSS… Kỳ vọng kết quả kinh doanh được hưởng lợi nhờ giao dịch sôi động của thị trường là nguyên nhân giữ nhóm cổ phiếu này đứng vững trước sóng điều chỉnh. Tuy vậy, đã có những lo ngại về mức định giá cao của nhóm cổ phiếu này khi nhiều cổ phiếu đi lên gần như không ngừng nghỉ và liên tục xác lập đỉnh giá mới.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 343 tỷ đồng
Sau kỷ lục thanh khoản 2,1 tỷ USD của sàn chứng khoán cuối tuần trước, giá trị giao dịch dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng vượt mốc 1 tỷ đơn vị. Thanh khoản trên ba sàn đạt tổng cộng 31.971 tỷ đồng, giảm gần 35% so với phiên 20/8. Chỉ có 3 cổ phiếu đạt mức thanh khoản trên ngàn tỷ đồng, phần nào cho thấy dòng tiền giao dịch không chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn mà trải rộng hơn.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 10 liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là giá trị bán ròng đã giảm về còn 343 tỷ đồng. Hơn nữa, phần lớn giao dịch bán chỉ tập trung ở giao dịch chứng chỉ quỹ FUEVFVND của quỹ ETF VFM VNDiamond (227 tỷ đồng). Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HPG (85 tỷ đồng), MSN (79 tỷ đồng) và NVL (hơn 53 tỷ đồng). Một số cổ phiếu được lựa chọn giải ngân mạnh như VHM, SSI, CTG đều có giá trị mua ròng trên 50 tỷ đồng.
Ngoài việc khối ngoại tiếp tục có chuỗi ngày bán ròng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, Fubon FTSE Vietnam ETF - một quỹ chỉ số thành lập cách đây không lâu và từng có thời gian dài hút ròng trước đây cũng đang đối mặt với xu hướng rút ròng. Từ đầu tháng 8 đến 20/8, lượng chứng chỉ quỹ giảm 127 triệu đơn vị, tương đương số tiền 1.723 tỷ đồng. Tuy vậy, thông tin tích cực là quỹ này gần đây đã nộp hồ sơ xin tăng vốn quản lý lên Ủy ban chứng khoán Đài Loan. Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 333.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 180 triệu USD để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
THEO BÁO ĐẦU TƯ