CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hưởng lợi từ đầu tư công, hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng niêm yết đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2023. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng lại giảm mạnh so với cùng kỳ do thiếu hụt khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và chi phí lãi vay cao hơn.
Cụ thể, doanh thu các công ty trong ngành ghi nhận tăng 35%, dù vậy lợi nhuận ròng lại giảm 83% với quý 1/2022. Tại báo cáo ngành xây dựng hạ tầng mới đây, Chứng khoán VNDirect lý giải rằng chỉ những doanh nghiệp xây dựng có khả năng huy động máy móc thiết bị hợp lý và nguồn vốn lớn mới có hiệu quả sinh lời tốt tại dự án cao tốc Bắc – Nam. Bởi, yêu cầu thời gian thi công ngắn và Chính phủ đã ấn định mức biên lợi nhuận cố định so với giá thầu tại các dự án.
Hiện, trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x tại cuối quý 1/2023.
Lên kế hoạch cho cả năm 2023, có sự phân hoá giữa kế hoạch lợi nhuận của các công ty. Trong đó, Vinaconex (VCG) và Lizen (LCG) lại giảm lần lượt 8% và 23% so với cùng kỳ, chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần như trong năm trước.
Cụ thể, VCG dự ghi nhận lãi 663 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR), tương đương 67% lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm 2022.
Trong khi đó LCG ghi nhận lãi 268 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi 2 dự án điện mặt trời, tương đương 109% lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm 2022.
Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VCG, LCG vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, chuyên gia VNDirect cũng lưu ý rằng các công ty xây dựng hạ tầng thường xuyên không hoàn thành kế hoạch năm trong giai đoạn 2020-2022.
Nguồn: VNDirect.
Về tình hình đầu tư công, kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 4/2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ lên 39.300 tỷ đồng (tăng 18,6% so với cùng kỳ tháng 3/2023).
Trong 4 tháng đầu năm 2023, vốn nhà nước thực hiện chỉ đạt khoảng 19% kế hoạch cả năm 2023 (so với 18,5% kế hoạch cả năm 2022 trong 4 tháng). Do đó, các chuyên gia VNDirect cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công trong những tháng tới để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào năm 2023.
Chuyên gia VNDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay. Cụ thể, nợ công của Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua nhờ tăng trưởng GDP khá trong giai đoạn 2016-2022 và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ.
Đơn cử, nợ công của Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 51% cuối năm 2016 xuống 40% vào cuối năm 2022 (ước tính của IMF), thấp hơn nhiều so với trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Nợ công thấp tạo dư địa cho việc mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Yếu tố tiếp theo là lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Tính đến ngày 10/5, trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm 167 và 170 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt là 3,0% và 3,1%. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm lần lượt 242 và 189 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống lần lượt 2,6% và 3,2%.
Ngoài ra, lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng vừa qua. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Chính phủ có thể cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Yếu tố cuối cùng là việc khởi công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trước ngày 30/6. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Giao thông vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP. HCM.
Cổ đông FPT Telecom (FOX) sắp nhận về gần 700 tỷ đồng tiền cổ tức