CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua bắt đầu từ ngày 5/7 khi HoSE chính thức được "thông sàn". Kể từ đó tới nay, VN-Index đã trải qua hơn 2 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm gần 177 điểm, tương ứng 12,4%. Vốn hóa sàn HoSE trong khoảng thời gian trên cũng mất đi khoảng 661.333 tỷ đồng (khoảng 28,5 tỷ USD).
Phiên giao dịch 19/7 diễn ra khá tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 55,8 điểm (4,29%) xuống 1.243,51 điểm. Đây cũng là phiên giảm sâu nhất của VN-Index trong gần 6 tháng qua (phiên 28/1 VN-Index giảm 6,67%).
Mức giảm trên cũng khiến vốn hóa HoSE bị "thổi bay" 209.233 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD) trong phiên hôm nay.
Đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua bắt đầu từ ngày 5/7 khi HoSE chính thức được "thông sàn". Kể từ đó tới nay, VN-Index đã trải qua hơn 2 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm gần 177 điểm, tương ứng 12,4%. Vốn hóa sàn HoSE trong khoảng thời gian trên cũng mất đi khoảng 661.333 tỷ đồng (khoảng 28,5 tỷ USD).
VN-Index giảm liên tiếp sau khi HoSE "thông sàn"
Việc thị trường giảm sâu gần đây đến từ áp lực chốt lời của giới đầu tư sau giai đoạn tăng không ngừng nghỉ. Thống kê từ Indexq, với mức tăng gần 28%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện đang ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021. Theo dự báo từ CTCK Bản Việt (VCSC), tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể chỉ đạt 5,5%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7% do tác động từ dịch Covid-19.
Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá đợt dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn cả 3 đợt trước cộng lại, đặc biệt ảnh hưởng tới nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có. Dragon Capital cho rằng nhịp điều chỉnh gần đây là vận động bình thường của thị trường, và có thể sẽ cần thêm một thời gian trước khi thị trường tìm lại mức cân bằng.
Trong bản tin nhận định thị trường tuần 19-23/7, CTCK Vietcombank (VCBS) có cái nhìn khá thận trọng về xu hướng thị trường khi cho rằng nhà đầu tư vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư và không nên giải ngân với tỷ trọng lớn trong bối cảnh chỉ số chung vẫn chưa có tín hiệu xác nhận thoát ra khỏi xu hướng giảm.
VCBS kỳ vọng những cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện nhiều hơn khi diễn biến của các chỉ số chung ổn định trở lại và do đó, việc giải ngân tại thời điểm này nên thiên về các cơ hội đầu tư dài hạn trên cơ sở kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong hai quý còn lại của năm 2021.
Dữ liệu từ Bloomberg cho biết, tính theo giá đóng cửa phiên 19/7, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 17,06, "hạ nhiệt" đáng kể so với mức P/E gần 20 vào đầu tháng 7. Nếu cập nhật KQKD quý 2/2021, định giá P/E của VN-Index sẽ còn thấp hơn nhờ triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong quý.
Trong phiên giao dịch hôm nay, VCB là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index khi khiến chỉ số mất đi 5,04 điểm, xếp tiếp theo về mức độ đóng góp tiêu cực là VHM (-4,1 điểm), TCB (-3,34 điểm), CTG (-3,06 điểm), BID (-3,04 điểm), VPB (-2,93 điểm)…
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị