CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tình hình của ngành dệt may hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, vấn đề xung đột địa - chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu... Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn.
Chung cảnh ngộ sụt giảm trầm trọng
Theo ông Giang, trong quý 1/2023, giá trị xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mục tiêu năm 2023 của ngành dệt may đặt ra là đạt kim ngạch XK 47 tỷ USD.
Việc tìm ra những giải pháp đồng bộ và phù hợp để vực dậy ngành sản xuất phục vụ XK khỏi cảnh “chạm đáy” là rất quan trọng trong lúc này.
Còn với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, những dự báo mới nhất cho thấy kim ngạch XK trong nửa đầu năm 2023 có thể sẽ giảm từ 28% - 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 4/2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 24,5% so với tháng 4/2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch XK sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 36,7%.
Giới phân tích nhận định hiện tại chưa có tín hiệu ngành gỗ và sản phẩm sẽ khởi sắc trong năm 2023. Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ từ các thị trường chủ lực giảm mạnh khi mà yếu tố lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng. Kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU.
Hơn nữa, ngành bất động sản tại các thị trường lớn như Mỹ, EU... đang ở giai đoạn trầm lắng. Trong khi đó, XK các mặt hàng gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Chưa kể, với thị trường Mỹ, các DN trong ngành vẫn đang đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá về ván dán và các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm.
Bên cạnh ngành gỗ và sản phẩm gỗ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các mặt hàng XK tăng trưởng âm trong tháng 4/2023 phải kể đến giày dép, sắt thép, điện thoại và linh kiện, thủy sản…
Còn tính chung 4 tháng đầu năm nay, có 5 nhóm hàng lớn XK trên 5 tỷ USD (chiếm 57,4% tổng kim ngạch XK) đều chung cảnh sụt giảm kim ngạch XK trầm trọng.
Đó là: Điện thoại và linh kiện (đạt 17,425 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước); Điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 13 tỷ USD, giảm 5,9%); hàng dệt may (đạt 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%); giày dép (đạt 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%).
Chờ giải pháp đồng bộ và phù hợp
Đáng chú ý, trong báo cáo mới công bố, S&P Global cho biết Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Việt Nam trong tháng 4/2023 đã giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3/2023. Chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ 5 trong 6 tháng qua, và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá, ngành sản xuất của Việt Nam hiện có vẻ như đang đi qua một giai đoạn trì trệ khi các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới.
Theo dữ liệu của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp, và các công ty đã giảm tương ứng việc làm và hoạt động mua hàng.
S&P Global cho rằng những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở tình trạng tiếp tục giảm của cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng XK mới vào đầu quý 2/2023. Tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, trong khi số lượng đơn đặt hàng XK giảm với tốc độ chậm hơn.
Từ những dữ liệu nêu trên để thấy việc tìm ra những giải pháp đồng bộ và phù hợp để vực dậy ngành sản xuất phục vụ XK khỏi cảnh “chạm đáy” là rất quan trọng trong lúc này.
Như với ngành dệt may, theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, giải pháp về tài chính, đảm bảo an toàn dòng tiền đang là nhu cầu cấp bách với các DN XK dệt may khi tiếp cận thị trường mới. Hơn nữa, các DN cần chú trọng đa dạng hoá mặt hàng, khách hàng và thị trường. Nhất là cần phải đa dạng hóa công nghệ, phát triển xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm các nguồn lực, bắt kịp xu thế đòi hỏi của các nước nhập khẩu và nhãn hàng.
Hoặc như với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, giới phân tích lưu ý các DN cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Và để chờ tình hình khởi sắc hơn thì các DN mong được tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng.
Nên nhắc thêm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp để thúc đẩy XK lâm sản và thủy sản.
Tựu trung lại, để ngành sản xuất phục vụ XK nói chung thoát khỏi giai đoạn trì trệ như hiện tại, điều cần làm là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, đặc biệt là về thị trường, thể chế, thuế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến nhằm cải thiện tình hình XK trong thời gian tới.
Thế Vinh