CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Những bước đi đầu tiên
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế quý I/2023, sản lượng điện truyền tải đạt 48,27 tỷ kWh, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022; vào quý II hàng năm cũng là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm cho giá năng lượng tăng cao, đặt ra cho các doanh nghiệp sự cấp thiết chuyển dịch các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo với chi phí hợp lý và an toàn hơn.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo. Đại diện Miza Corporation - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy tái chế chia sẻ, doanh nghiệp đã ký hợp đồng dài hạn với Total Energies để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái 4 MWp cho nhà máy mới Mipak ở Hải Dương. Với khoảng 7.500 tấm quang điện được lắp đặt, hệ thống điện mặt trời sẽ sản xuất ra khoảng 4200 MWh năng lượng tái tạo hàng năm (khoảng 20% nhu cầu điện của nhà máy) giúp tiết kiệm chi phí điện đáng kể cho Miza Corp và giảm phát thải khoảng 1250 tấn CO2 tương đương với trồng hơn 19.000 cây/năm.
Doanh nghiệp đang đẩy mạnh sử dụng năng lượng điện mặt trời để tiết giảm chi phíTương tự, thay vì tiêu hao năng lượng truyền thống, Alma Resort - thành viên của chuỗi các khách sạn và khu nghỉ dưỡng Preferred Hotels & Resorts đã lắp đặt 5.634 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 12.500 m2 cho toàn bộ hệ thống mái lợp của 196 biệt thự, hai tòa nhà chữ V với 384 căn hộ, sảnh đón khách, khu chăm sóc spa, khu tập thể dục và tòa nhà tiện ích. Với công suất tối đa 2.480 KW, ước tính hệ thống năng lượng mặt trời này sẽ giúp Alma tiết kiệm lên đến 390,85 tỷ đồng chi phí điện năng và giảm đến 72.670 tấn khí thải carbon trong khoảng thời gian 25 năm.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo khi mới đáp ứng được 20-50% nhu cầu sử dụng năng lượng cho sản xuất kinh doanh do hạn chế về công nghệ, nguồn nhân lực và cả tài chính. Đây đang là những thách thức lớn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Cần hoàn chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng
Do đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý tạo thuận lợi về thủ tục xây dựng, lắp đặt và có cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, với lợi thế có nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào, điều quan trọng là Việt Nam cần hoàn chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng để có thể chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng cần cho phép và khuyến khích tất cả các bên tiếp cận và đầu tư vào năng lượng tái tạo bên cạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đề cập về hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, cần nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo nhằm tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo. Mặt khác, cần rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở các khung pháp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài ra, Việt Nam cần điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch 2018, nhất là đối với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Quy hoạch phát triển điện hạt nhân…
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo Việt Nam, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo các chuyên gia, đây là điều rất cần thiết vì quá trình chuyển dịch năng lượng đã diễn ra mạnh mẽ với kết quả to lớn trong 5 năm qua nhưng chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, thiếu nghiên cứu tổng hợp, đầy đủ về chuyển dịch năng lượng và các nghiên cứu thành phần chuyên sâu cho từng loại hình năng lượng; các quy định về khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đã được hình thành và nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng do nhiều bộ, ngành trực tiếp soạn thảo, theo dõi… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận và đầu tư chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, TS. Phạm Cảnh Huy, Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cơ chế chính sách cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án để có thể điều chỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như khuyến khích phát triển các công nghệ phát điện từ năng lượng tái tạo; cần có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp kích thích lợi ích kinh tế, đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa năng lượng tái tạo và năng lượng sơ cấp.