CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất hiện cầu bắt đáy, blue-chips phục hồi tốt

Invest Global 15:27 21/08/2023

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn còn thiếu các trụ to nhất đang giảm giá.

Thị trường vẫn xuất hiện một đợt xả nối tiếp trong phiên sáng đầu tuần, khi áp lực giảm đòn bẩy tiếp tục. Nửa đầu phiên sáng chứng kiến lực bán mạnh, độ rộng rất hẹp, mức giảm sâu nhất hơn 13 điểm ở VN-Index. Lực cầu bắt đáy xuất hiện đã đẩy giá hồi lên, dù số lớn vẫn chưa thể lấy lại được tham chiếu.

VN30-Index đang tăng 1,17 điểm so với tham chiếu, tương đương +0,1%. Độ rộng rổ này đã đảo chiều thành công, với 15 mã tăng/11 mã giảm. Tại đáy VN30-Index giảm 1,13% và chỉ có duy nhất 3 cổ phiếu còn xanh.

Sức mạnh hồi tốt hơn trong nhóm blue-chips là một tín hiệu tích cực vì điểm số lúc này đang có tác động lớn đến tâm lý. Phiên bán tháo cuối tuần trước một phần cũng là do VIC, VHM khiến VN-Index bốc hơi hàng chục điểm. Sáng nay VIC vẫn giảm 4,04%, VHM giảm 1,23% khiến chỉ số mất khoảng 3,5 điểm, nhưng VN-Index hiện chỉ giảm 2,29 điểm (-0,19%) so với tham chiếu. Như vậy phải có các cổ phiếu lớn khác hồi giá để bù trừ lại sức ép này.

Dẫn dắt điểm số đang là nhóm tài chính, nổi bật là các mã ngân hàng: BID tăng 2,15%, CTG tăng 2,77%, STB tăng 3,99%, LPB tăng 6,3%, VPB tăng 0,97%... Nhóm chứng khoán cũng có nhiều cổ phiếu tăng tốt, nhưng chưa có ảnh hưởng vốn hóa lên điểm số nổi trội. Đáng kể nhất là SSI tăng 2,47%, VND tăng 1,25%. Chỉ số VNFIN của sàn HoSE tập hợp chủ đạo hai nhóm này chốt phiên sáng tăng 1,22%, mạnh nhất trong các chỉ số ngành.

Với khả năng cân điểm số khá tốt trong nhóm blue-chips, nếu các trụ đang gây sức ép như VIC, VHM bớt giảm hoặc phục hồi, điểm số sẽ có sự thay đổi lớn, từ đó tác động đến tâm lý chung. VIC thực tế cũng đã có phục hồi, đáy thấp nhất giá giảm 5,38% và hiện còn giảm 4,04%. VHM rơi sâu nhất -1,94% hiện còn -1,23%. Dòng tiền vào bắt đáy VIC khá ổn, đưa mã này lên vị trí hàng đầu về thanh khoản toàn thị trường, với 11,24 triệu cổ tương đương 723,7 tỷ đồng.

Đà phục hồi của VN-Index sáng nay tuy không phản ánh chính xác nhịp phục hồi chung ở giá cổ phiếu, nhưng cũng thể hiện tín hiệu bắt đáy. Thống kê tại HoSE, tới 60% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đạt biên độ phục hồi trên 1% so với giá thấp nhất trong phiên. Tổng hợp có 82% số cổ phiếu “thoát đáy”, tức là giá chốt phiên sáng cao hơn mức đáy của phiên.

VN-Index đã thoát đáy, nhưng chưa thể phục hồi mạnh hơn.VN-Index đã thoát đáy, nhưng chưa thể phục hồi mạnh hơn.

Tuy vậy độ rộng tổng thể của VN-Index vẫn còn yếu, mới chỉ có 142 mã tăng/320 mã giảm. Tại đáy sáng nay lúc 10h20, độ rộng ghi nhận 91 mã tăng/366 mã giảm. Sự cải thiện như vậy cũng có, nhưng chưa đến mức đạt diện rộng. Sự khác biệt giữa số liệu phục hồi so với đáy và độ rộng tổng thể nói trên thể hiện diễn biến phục hồi giá theo hướng bớt giảm. Lực cầu chưa đủ để đẩy giá đảo chiều tăng thực sự.

Điều này là hiển nhiên vì nhà đầu tư chấp nhận rủi ro bắt đáy sẽ phải cân nhắc mua giá nào. Đuổi giá lên vượt vùng tham chiếu có thực sự cần thiết hay không, khi xu hướng giảm chưa đủ tín hiệu tạo đáy. Trên đường điều chỉnh, thị trường vẫn thường có các phiên phục hồi kỹ thuật 1-2 phiên nhờ lực cầu bắt đáy. Sau đó nhu cầu bắt đáy giảm và người cầm cổ tranh thủ giá hồi để cắt lỗ, đẩy giá điều chỉnh tiếp. Nói cách khác, các nhà đầu cơ bắt đáy chuyên nghiệp thường hạn chế mua đuổi giá cao.

Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay cũng giảm 25% so với phiên trước, đạt 11.953 tỷ đồng. Việc giảm thanh khoản là so với phiên giao dịch kỷ lục, còn so với trung bình các tuần trước thì vẫn là cao. Cụ thể, mức khớp lệnh HoSE và HNX phiên sáng trong tuần trước (không tính phiên đột biến ngày thứ 6) thì cũng chỉ đạt trung bình 11.265 tỷ đồng, tức là còn thấp hơn sáng nay. Nói cách khác, áp lực bán vẫn không hề nhỏ, chỉ là giảm so với sáng hôm qua, còn lại vẫn cao hơn bình thường. Do đó áp lực bán vẫn có thể còn tăng khi giá hồi lên một chút.

Khối ngoại sáng nay xả ròng 506,4 tỷ đồng trên sàn HoSE, tuy nhiên tập trung nhiều vào KDC với mức bán ròng 316,1 tỷ. Ngoài ra SSI cũng bị xả lớn 145,9 tỷ đồng ròng, STB -63,8 tỷ, HPG -57 tỷ, MWG -41,2 tỷ, PMG -22,5 tỷ. Phía mua ròng chỉ có KBC +24,6 tỷ, VNM +24,3 tỷ là đáng kể.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan