CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu cà phê hứa hẹn tín hiệu tốt cả về lượng và chất

Invest Global 20:53 10/06/2023

(TBTCO) - Từ đầu năm đến nay, giá cà phê liên tục tăng trưởng và đạt mức cao chưa từng thấy. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn tăng khi các hợp đồng theo giá mới được giao và có thể con số kỷ lục 4 tỷ USD của năm 2022 sẽ bị phá vỡ trong năm nay.

Xuất khẩu cà phê hứa hẹn tín hiệu tốt cả về lượng và chất Việt Nam xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Ảnh: TL Cung không đủ cầu, giá tăng cao chưa từng thấy

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 165.000 tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, với lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882.000 tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, giá cà phê có xu hướng tăng mạnh. Riêng trong tháng 5, giá cà phê thế giới biến động tăng mạnh do nguồn cung Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu ở mức thấp. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gần đây nhất, thị trường cà phê trong nước ngày 8/6 đã chứng kiến sự tăng giá cao chưa từng thấy, với mức tăng 800 đồng/kg so với ngày 7/6 và đã tiến sát mốc gần 63.000 đồng/kg. Đây là giá cà phê tính bằng đồng tiền Việt cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8/6 cho thấy, tại thị trường trong nước, giá cà phê trong nước cao nhất là 62.800 đồng/kg tại Đắk Nông và Kon Tum; tại Gia Lai có mức giá 62.500 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 62.500 đồng/kg; thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 62.100 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt tăng mạnh ở một số sàn giao dịch. Cụ thể: Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 60 USD, lên 2.674 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 53 USD, lên 2.636 USD/ tấn; trên sàn ICE US - New York cũng cùng xu hướng tăng với kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 2,80 cent, lên 185,40 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 2,15 cent, lên 181,70 cent/lb.

Nhận định về nguyên nhân, theo thông tin Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng mạnh do nhu cầu tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Dự báo, sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10 - 15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu sẽ còn tăng khi các hợp đồng theo giá mới được giao.

Hứa hẹn đạt mức kỷ lục mới

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê năm nay của Indonesia - Brazil (hai nước này cùng với Việt Nam là ba nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới) sẽ bị giảm sản lượng do ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán. Riêng Indonesia sẽ giảm tới 20% so với vụ trước, xuống còn 8,4 triệu bao, do mưa quá nhiều trong giai đoạn ra hoa đã ngăn cản quá trình thụ phấn.

Xuất khẩu cà phê hứa hẹn tín hiệu tốt cả về lượng và chất Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho cà phê. Ảnh: TL

Thủ phủ cà phê Đắk Lắk hiện có trên 250 cơ sở chế biến cà phê đang cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu; trong đó có 235 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 15 cơ sở chế biến cà phê hòa tan.

Với bối cảnh suy giảm sản lượng ở các thủ phủ cà phê của thế giới cùng đà tăng trưởng những tháng đầu năm của cà phê Việt Nam, các chuyên gia nhận định, kỷ lục về giá trị cà phê xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2022 có thể sẽ bị phá vỡ trong năm nay.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cà phê Việt nên chú trọng hơn nữa đến vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị thông qua việc đầu tư công nghệ chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, đẩy mạnh canh tác cà phê bền vững, an toàn, có chứng nhận quốc tế…

Đáng chú ý, tại một số thị trường nhập khẩu đang ngày càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với cà phê. Đơn cử, mới đây, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Luật Chống phá rừng, quy định sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc không được trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng, trong đó có cà phê. Theo các chuyên gia, luật mới này của EU không đáng ngại với cà phê Việt Nam, bởi tuy đây là thách thức, song cũng là điều kiện thuận lợi giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường này.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa tăng và đã chiếm trên 10% sản lượng cà phê cả nước. Hiện nhiều vùng trọng điểm sản xuất cà phê đang hướng tới phát triển bền vững tại “sân nhà”. Bởi thị trường nội địa được đánh giá rất tiềm năng và liên tục có sự tăng trưởng. Theo dự báo, cuối năm 2023, Việt Nam nâng mức tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa lên 3 kg/người/năm.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan