CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu cá tra chịu tác động kép

Chuyên Gia 11:13 11/09/2020

Bức tranh xuất khẩu của ngành cá tra đang chìm trong gam màu tối do tác động kép của đại dịch Covid-19 và tình trạng xâm nhập mặn kéo dài.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu sụt giảm mạnh

Do ảnh hưởng của Covid-19, tính tới nửa đầu tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam mới đạt 612,3 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành cá tra đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như Trung Quốc giảm 15,5%, Mỹ giảm 24,4%, EU giảm tới 36,6%.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra giảm sút do tác động kép của đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn kéo dài. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Trong quý I/2020, giá cá tra nguyên liệu đã giảm xuống mức 19.000 - 21.000 đồng/kg. Ở mức giá này, cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó khăn. Bước sang quý II/2020, giá cá nguyên liệu lại tiếp tục giảm thêm, tới tháng 6/2020, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động trong khoảng 17.200 - 19.000 đồng/kg đối với loại 700 - 800 g/con (giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2019), trong khi giá thành sản xuất là 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá cá giống cũng đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống chịu lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Là ông lớn trong ngành, Công ty Vĩnh Hoàn cũng phải “chịu trận”. Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), lãi ròng trong quý II/2020 chỉ đạt 215 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với con số 419 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn đánh giá: “Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội, với mức độ khó lường. Đây là điều chưa từng xảy ra và làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Sản phẩm cá tra cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng này”.

Bà Khanh cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp tự nuôi cá tra nguyên liệu chiếm khoảng 70% nguồn cung, nên khi các nước đóng cửa nền kinh tế, hầu hết doanh nghiệp chế biến cá tra chịu “khó khăn kép”.

Tương tự, Công ty cổ phần Nam Việt (mã: ANV) ghi nhận lợi nhuận quý II/2020 giảm đến 79% so với cùng kỳ, chỉ đạt 32 tỷ đồng và đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2017.

Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty Nam Việt cho biết, hiện tại, các thị trường xuất khẩu của Công ty đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường Trung Quốc có mở cửa trở lại, nhưng tồn kho vẫn còn nhiều, xuất khẩu chưa thể đạt được mức tăng trưởng như trước đây. Trong khi đó, khách hàng châu Âu, Mỹ… tiếp tục đóng cửa hoặc hoạt động chậm lại vì dịch.

Theo vị này, không riêng Nam Việt, mà hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đang cẩn trọng tính toán, đưa ra những điều chỉnh hợp lý trong công tác sản xuất và vận hành, duy trì dòng tiền (giữ dòng tiền vay thấp, cắt giảm chi phí), đồng thời chuẩn bị cho việc thị trường phục hồi khi dịch qua đi.

Đa dạng hóa thị trường

Một trong những chiến lược “chống chịu” mà Nam Việt đã thực hiện từ đầu năm đến nay là đa dạng hóa thị trường. “Chúng tôi đã rất may mắn khi có thể chuyển đổi ngay sang thị trường Đông Nam Á và châu Âu khi Trung Quốc bị ảnh hưởng nhờ việc đa dạng hóa thị trường từ rất lâu. Việc này đã giúp kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2020 vẫn tăng 21% so với cùng kỳ”, ông Tới cho hay.

Cũng theo ông Tới, từ cuối năm 2019, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Công ty Nam Việt đã định hướng “không bỏ trứng vào một giỏ”, nên yêu cầu Phòng Kinh doanh điều chỉnh thị phần xuất khẩu, chứ không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ðặc biệt, khi Covid-19 bùng phát, toàn bộ đội ngũ kinh doanh đã tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ, EU và Ðông Nam Á.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu phải đa dạng thị trường. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8, xuất khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam vào EU sẽ được giảm thuế về 0% sau 3 năm. Điều này sẽ giúp ngành cá tra tăng sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực không được hưởng ưu đãi từ EVFTA như Trung Quốc hay Indonesia.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho biết, thuế nhập khẩu đối với cá fillet đông lạnh sang EU hiện nay là 5,5%. Sau khi EVFTA được thực hiện, mức thuế này sẽ giảm dần về 0% trong 3 năm. EU hiện là thị trường có giá trị khoảng 250 triệu USD cho ngành xuất khẩu cá tra. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo cơ hội lớn cho cá tra trong việc cạnh tranh với các loài cá biển thịt trắng khác.

“Với việc thực thi EVFTA cùng những nỗ lực của ngành cá tra, hy vọng thị trường xuất khẩu châu Âu sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại như những năm trước đây và tiếp tục phát triển”, bà Tâm nói.

Nguồn Báo Đầu Tư

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan