CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu nông sản, dệt may sẽ khởi sắc cuối năm? | Báo Công Thương

Invest Global 10:32 24/08/2023

Dù bức tranh hoạt động xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 kém tươi sáng nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn kỳ vọng những tháng cuối năm tình hình khởi sắc hơn, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tín hiệu tích cực

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15-8, Việt Nam xuất khẩu đạt 209,43 tỉ USD, giảm 23,5 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 16 tỉ USD.

Chỉ tính riêng trong nửa tháng 8-2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,4 tỉ USD. Bốn nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỉ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

Ở lĩnh vực nông sản, trong nửa đầu tháng 8-2023, xuất khẩu rau quả đạt 177 triệu USD, hạt điều 140 triệu USD, cà phê 110 triệu USD, chè 10,3 triệu USD…

Chế biến bánh trung thu xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: NGỌC ÁNH

Nhìn lại số liệu của tháng 7-2023, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng 0,8% so với tháng 6-2023, ước đạt 29,68 tỉ USD. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 kể từ tháng 11-2022 đến nay (chỉ thấp hơn tháng 3-2023, đạt 29,71 tỉ USD).

Các số liệu trên cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa, kỳ vọng kết quả khả quan cho chặng đường còn lại của năm 2023.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Hải quan, tháng 7-2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 4,6 tỉ USD, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2023 đạt 30,84 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng này báo hiệu những gam màu sáng cho DN trong nước. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. VASEP kỳ vọng vào những tín hiệu hồi phục từ thị trường Trung Quốc, khi trong tháng 7-2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác cũng được dự báo khả quan hơn trong dịp cuối năm.

Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên xuất khẩu tôm sú, đặc biệt là tôm sú cỡ lớn sống tự nhiên trong rừng ngập mặn, cho biết xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa trung thu và lễ hội cuối năm. "Chúng tôi tiếp xúc thêm với nhiều khách hàng mới từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là khu vực châu Á hỏi mua hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của DN nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan" - ông Khoa nói.

Xu hướng phục hồi của nhu cầu thế giới cũng được phản ánh từ hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, sản xuất công nghiệp tháng 7-2023 trên địa bàn đã tích cực hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,84% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến nhận định hoạt động xuất khẩu của DN vẫn chưa hết khó khăn, thách thức khi tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn… Bộ Công Thương nhận định các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử…

Chờ đợi các yếu tố thuận lợi

Theo Bộ Công Thương, lạm phát tại các nền kinh tế lớn được dự báo tiếp tục hạ nhiệt. "Lạm phát giảm có thể kích thích tiêu dùng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm được Bộ Công Thương chỉ rõ là từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, VASEP dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm, giúp xuất khẩu thủy sản đạt kết quả khả quan.

Đối với ngành dệt may, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng những tháng cuối năm vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng cầu thấp, dù tổng cầu có thể tăng theo mức tăng tự nhiên hằng năm với các mùa lễ hội. "Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc những tháng cuối năm dự kiến tăng 10%. Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên sẽ chịu tác động từ tỉ giá đồng yen" - ông Đức Anh nhận định.

Đại diện Vinatex cũng nhấn mạnh thị trường những tháng cuối năm không xấu hơn so với giai đoạn vừa qua - "đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua". Đặc biệt, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, cho thấy những tín hiệu tích cực của ngành dệt may dịp cuối năm.

Mở thêm cửa xuất nông sản qua Trung Quốc

Đầu năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch dự kiến đạt 394 tỉ USD.

Để đạt mục tiêu này cũng như hỗ trợ các DN, ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh đàm phán, ký kết và tận dụng các FTA, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới

Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xuất khẩu nông sản sẽ về đích đúng kế hoạch

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức dự kiến hơn 3%. Riêng xuất khẩu, tính đến 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 29,13 tỉ USD, thặng dư 5,88 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Trong khi 2 ngành lâm sản và thủy sản sụt giảm thì nhóm ngành nông sản chính (rau quả, gạo, cà phê, hạt điều) tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, đặc biệt là rau quả tăng 68%, gạo tăng 29%. Bên cạnh đó, năm nay mảng chăn nuôi cũng đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.

Các dẫn chứng trên là cơ sở để tin tưởng ngành nông - lâm - thủy sản năm nay về đích xuất khẩu 54 - 56 tỉ USD theo kế hoạch.

Ông ĐINH QUANG HINH, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT:

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ tăng

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự cải thiện nhẹ trong tháng 7-2023 nhờ các đơn hàng phục hồi. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 30,1 tỉ USD trong tháng 7, giảm 2,1% so với cùng kỳ nhưng chỉ còn giảm 0,2% so với tháng trước (cải thiện so với mức giảm 8,6% cùng kỳ trong tháng trước).

Tôi cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong những tháng tới nhờ lượng hàng tồn kho và áp lực lạm phát giảm bớt ở các nước phát triển.

Chu kỳ thay thế điện thoại thông minh cũ bằng điện thoại mới là khoảng 25,3 tháng, tức hơn 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab). Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam từ quý IV năm nay, trong bối cảnh xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm 16% tổng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022.

Với diễn biến tích cực của đơn hàng xuất khẩu nông sản và hàng hóa công nghiệp có khả năng phục hồi đáng kể từ quý IV/2023 sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2023 lên 5,5%.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan