CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đơn hàng dồn dập, đưa doanh thu xuất khẩu sắt thép trong 3 tháng gần đây đều vượt trên 1 tỷ USD/tháng, lũy kế 9 tháng, xuất khẩu đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh thu xuất khẩu sắt thép đều vượt trên 1 tỷ USD/tháng trong nhiều tháng qua.
Trong khi nhiều ngành sản xuất bị sụt giảm sản lượng dẫn đến xuất khẩu sụt giảm trong 2 tháng vừa qua do thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, thì ngành sản xuất thép vẫn vẫn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu "lội ngược dòng". Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,75 triệu tấn, trị giá 8,23 tỷ USD, tăng 29,3% về lượng và tăng 125,4% về trị giá so với cùng kỳ (tương ứng với mức tăng thêm 4,582 tỷ USD).
Đáng nói là kim ngạch xuất khẩu sắt thép từ nhiều tháng nay đều vượt trên 1 tỷ USD/tháng. Theo số liệu của Bộ Công thương, cao điểm nhất là tháng 8 với trị giá 1,197 tỷ USD, tháng 9 sụt giảm nhẹ nhưng vẫn đạt 1,174 tỷ USD, trong khi mức thực hiện của tháng 7 cũng xấp xỉ 1,1 tỷ USD.
Như vậy, sắt thép là nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” đạt tốc độ tăng cao nhất trong 9 tháng vừa qua.
Sắt thép các loại của nước ta được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU, Mỹ. Trong các thị trường lớn, lượng xuất khẩu ở khu vực châu Á có chiều hướng giảm, nhưng ở thị trường EU và Mỹ lại tăng trưởng vượt trội.
Cụ thể, hết tháng 9, xuất khẩu sắt théo sang ASEAN đạt hơn 3 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ 2020; sang Trung Quốc đạt 2,12 triệu tấn, giảm 16,2%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang EU đạt 1,7 triệu tấn, tăng 7,5 lần; sang Mỹ đạt 665.000, tăng 4,5 lần.
Đà tăng của xuất khẩu sắt thép không chỉ trong 9 tháng 2021 mà cả năm 2020, hoạt động xuất khẩu đã luôn sôi động. Năm 2020, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn mất cả tỷ USD vì dịch Covid-19 tác động trên toàn cầu thì xuất khẩu sản phẩm sắt thép vẫn đạt 9,86 triệu tấn, kim ngạch gần 5,26 tỷ USD, tăng 25,1% về trị giá so với năm 2019; mặc dù giá xuất khẩu bình quân năm qua giảm 15,5%, còn khoảng 533 USD/tấn, số liệu từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020 cho biết.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành thép đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn do sự tăng phi mã của nguyên phụ liệu đầu vào, vốn đều phụ thuộc nhập khẩu. Dù vậy, bất chấp đà tăng của nguyên liệu và thép thành phẩm, hoạt động xuất khẩu vẫn nhộn nhịp do nhu cầu tại nhiều thị trường lớn gia tăng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang gặp nhiều thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ thép tại nhiều thị trường đang gia tăng rất mạnh, từ đầu năm 2021 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến về nhu cầu thép, dẫn đến xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn.
Xuất khẩu chứng kiến sự tăng tốc sang thị trường mà năm 2020 có sự sụt giảm là EU, bật tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ, và điều này ít nhiều có sự tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực được hơn 1 năm.
Năm 2020, xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU đạt 309.000 tấn với trị giá 235,5 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và 1% về trị giá so với năm 2019.
Mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới đã phát hành bản cập nhật về Triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022 với nhiều dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 4,5% trong năm 2021 và đạt 1.855,4 triệu tấn sau khi tăng trưởng 0,1% vào năm 2020.
Năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn, với giả định vaccine được tiêm phủ rộng trên toàn cầu, sự lây lan của các biến thể virus Covid-19 sẽ ít gây tổn hại và gián đoạn hơn so với các đợt trước, và điều này tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sắt thép của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại EU, nhu cầu thép phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm 2020 đang tăng tốc, với tất cả các lĩnh vực sử dụng thép đều cho thấy sự phục hồi tích cực mặc dù vẫn tiếp tục có làn sóng nhiễm bệnh.
Tại Nhật Bản, nhu cầu thép đang phục hồi dần dần với xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng ngày càng tăng. Sản xuất, đặc biệt là ô tô và máy móc, đang dẫn đầu sự phục hồi, xây dựng dân dụng tiếp tục củng cố nhu cầu thép. Trong năm 2022, sự phục hồi trong tiêu dùng và đầu tư dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng tích cực ở tất cả các ngành sử dụng thép.
THEO BÁO ĐẦU TƯ