CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ai chịu trách nhiệm về quản lý giá vé máy bay nội địa tăng cao?

Invest Global 16:35 06/05/2024

Bộ Tài chính nói rằng: hầu hết các khoản phí cấu thành trong giá vé máy bay là “giá dịch vụ chuyên ngành hàng không" theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; không phải khoản phí nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí...

Tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao, không chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mà còn ở mức cao ngay cả trong mùa thấp điểm, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch trong nước.

Trong giai đoạn phục vụ cao điểm lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, thống kê tại sân bay cửa ngõ quốc tế Nội Bài cũng cho thấy trong khi sản lượng bay nội địa giảm 18% so với cùng kỳ thì sản lượng bay quốc tế tăng trưởng tốt.

Cao điểm lễ năm nay, số chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sụt giảm 8,86% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10,04% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch). Dù tổng sản lượng khách sụt giảm nhưng khách quốc tế qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lại có xu hướng tăng nhẹ. 

Trước đó, trong quý 1/2024, thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy trong khi lượng khách quốc tế vẫn giữ đà bật tăng 47,2% so với cùng kỳ 2023 thì lượng khách quốc nội lại giảm sâu 15%.

Vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, thực tế cho thấy một bộ phận lớn người dân đang có xu hướng "đổ xô" du lịch nước ngoài thay vì đi du lịch trong nước.

Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Theo đó, thời hạn tiến hành kiểm tra là 3 ngày làm việc (từ ngày 7/5- 9/5). Thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2024 đến ngày ban hành quyết định này và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung kiểm tra.

Trước tình trạng này, không ít ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là vé máy bay "cõng" mức thuế, phí không nhỏ. 

Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần biện pháp giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá vé máy bay nhằm cùng gỡ khó cho ngành hàng không, du lịch.

Theo Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT quy định về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không.

Chẳng hạn, một số dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá như: dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; dịch vụ phục vụ hành khách... Dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá như: dịch vụ thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay...

Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải "cõng" trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh chi phí xăng dầu chiếm phần lớn, các phí nêu trên tại các cảng hàng không sân bay cũng chiếm tới khoảng 65 - 80% tổng chi phí mỗi chuyến bay.

Trả lời báo chí về vấn đề 20 loại phí nêu trên, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải và không phải khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Mức phí là 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và khoản 3 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 đã có quy định cụ thể.

Thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng.

Thứ hai, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa…

Từ những quy định theo pháp lý như vậy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh việc "gánh" nhiều loại thuế, phí, đại diện nhiều hãng hàng không cho rằng giá vé máy bay năm nay chịu ảnh hưởng bởi tình hình thiếu hụt tàu bay nghiêm trọng và do chi phí đầu vào như: giá nhiên liệu bay, giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đều tăng.

Bên cạnh đó, việc tăng trần giá vé từ ngày 1/3/2024 với mức 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều so với trước đây và các hãng hàng không cần tăng trưởng để bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao, khó hạ nhiệt.