CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bất động sản nghỉ dưỡng khu vực nào đang “đón sóng” phục hồi?

Invest Global 13:47 19/04/2022

Theo các chuyên gia, thị trường du lịch phát triển cùng sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý... sẽ là những động lực chính thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng tăng tốc sau thời gian dài “ngủ đông”.

(TBTCO) - Sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, thị trường du lịch bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ những tháng đầu năm 2022, một số điểm sáng như việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, chương trình “Hộ chiếu vắc-xin” kỳ vọng thu hút lượng lớn khách quốc tế, góp phần thúc đẩy sự hồi phục của du lịch Việt Nam. Theo các chuyên gia, thị trường du lịch phát triển cùng sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý... sẽ là những động lực chính thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng tăng tốc sau thời gian dài “ngủ đông”.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam công bố mới đây, nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý, du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “trở lại đường đua” và có thể sẽ bắt đầu khởi sắc từ quý II/2022. Dự báo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhận định, dự kiến từ quý II/2022, nguồn cung condotel tăng so với quý I/2022 với khoảng 1.000 căn được đưa ra thị trường.

Bất động sản nghỉ dưỡng khu vực nào đang “đón sóng” phục hồi? Thị trường du lịch phát triển cùng sự hoàn thiện của hệ thống pháp lý… là động lực thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng tăng tốc.

Còn ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc miền Nam Batdongsan.com.vn cho rằng, tầm nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng với những tiềm năng phát triển đột phá sẽ trở thành những phân khúc quan trọng và chủ chốt của thị trường. Theo đó, khách mua bất động sản nghỉ dưỡng thường sẽ có tâm lý đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng trong ngắn hạn.

Đáng chú ý, việc di chuyển tới các huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn do hạ tầng giao thông phát triển thì người dân sẽ có nhu cầu lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh các thành phố lớn vào những ngày cuối tuần. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhà đầu tư đổ tiền vào các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Du lịch khởi sắc - cơ hội mới đang mở ra

Việc bao phủ vắc-xin cùng những chính sách cởi mở về du lịch đang dần mang lại sức sống mới cho một trong những ngành năng động nhất của nền kinh tế. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, chỉ trong tháng 3/2022, đã có khoảng 15.000 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nâng số khách du lịch đến trong quý I/2022 lên trên 22.000 người. Cùng với đó, gần 114.000 tỷ đồng trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng dự kiến được đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ nâng tầm giá trị bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. Đây là những dấu hiệu tích cực cho một cơ hội mới đang mở ra.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đợt nghỉ lễ giỗ Tổ, các điểm du lịch nổi tiếng đều kín khách. Đây là tín hiệu cho thấy du lịch đã khởi sắc trở lại. Sau một thời gian bị “nén” lại vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ ngày càng tăng, phục vụ nhu cầu của khách trong nước và quốc tế.

Ông Khởi nhận định, các hình thức bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng phong phú hơn với nhiều hình thái. Trong 3-5 năm tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cực kì phát triển và ngày càng đa dạng nên các quy định pháp luật cũng phải đa dạng để theo kịp sự phát triển. Trên thực tế, pháp luật vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý. Hiện Chính phủ có chương trình phát triển kinh tế quan tâm đến 28 tỉnh thành ven biển, chú trọng phát triển đô thị ven biển. Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư xem xét, đầu tư.

Quảng Ninh, Hải Phòng còn nhiều dư địa phát triển

Trong khi đó, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, năm 2021, hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều đã phải dừng xây dựng thi công vì chỉ thị giãn cách và việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt càng không có cơ hội để cải thiện.

Trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi gần như bị “đóng băng” trong suốt hai năm qua. Cho đến nay, khi mọi hoạt động được trở lại bình thường, xung lực thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã được lộ rõ ở từng vùng, đặc biệt Vùng duyên hải Bắc bộ, nơi sở hữu về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch. Các tỉnh thành nơi đây đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao.

Vùng Duyên hải Bắc bộ với 5 tỉnh/thành phố ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đang là điểm sáng của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với những lợi thế không thể phủ nhận về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa địa phương, cơ sở hạ tầng cùng các chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Quảng Ninh và Hải Phòng là phát triển hơn cả. Các khách sạn, resort sở hữu cảnh quan đẹp ở Quảng Ninh, Hải Phòng đang có tỷ lệ lấp đầy tương đối cao. Các tour du lịch hiện tại đều phải đặt trước để có được hành trình, nơi cư trú phù hợp.

PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, duyên hải Bắc bộ là một khu vực sở hữu nhiều lợi thế phát triển. Trong đó nổi bật là lợi thế cho sự phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Sự phát triển về hạ tầng, giao thông đang là lực đẩy lớn nhất cho việc kết nối các vùng miền trong cả nước, giúp thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ, Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong mảng bất động sản bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với gần 17.200 sản phẩm. Với các tuyến đường cao tốc, du khách chỉ cần chưa đến 2 tiếng để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được đánh giá là tam giác kinh tế năng động và nổi bật của nước ta. Với bề dày văn hóa lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, du khách có thể tìm thấy nhiều hình thức du lịch hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa… Quảng Ninh vẫn còn dư địa để phát triển ngành du lịch cũng như mảng bất động sản du lịch trong tương lai gần.

Thị trường Văn phòng Hà Nội giá thuê đã bắt đầu tăng trở lại

Tính đến hết quý I/2022, tổng nguồn cung văn phòng tại thị trường Hà Nội vượt 1,6 triệu m2 diện tích sàn hiệu dụng. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường Hà Nội đạt 6.000 m2. Giá chào thuê văn phòng hạng A đạt 27,6 USD/m2/tháng, tăng 1,2% theo quý và 1,9% theo năm.

Bà Dương Thùy Dung - Trưởng bộ phận định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE, đánh giá trong quý I/2022, thị trường văn phòng Hà Nội ghi nhận một dự án hạng A mới đi vào hoạt động tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích được chủ nhà giữ lại để sử dụng nên dự án này chỉ bổ sung thêm 5.000m2 vào tổng nguồn cung. Theo đó, tổng nguồn cung văn phòng tại thị trường Hà Nội vượt 1,6 triệu m2 diện tích sàn hiệu dụng, với các dự án hạng A chiếm 38% tổng nguồn cung. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường Hà Nội đạt 6.000 m2 trong quý I/2022, phần lớn diện tích văn phòng hấp thụ trong quý đến từ dự án hạng A (Capital Place), một số là sự nâng cấp từ văn phòng hạng B và từ văn phòng cũ hạng A.

Theo bà Dương Thùy Dung, việc mọi hoạt động kinh doanh quay trở lại bình thường, bao gồm gỡ bỏ dần các hạn chế trong hoạt động kinh doanh, xã hội và mở lại các đường bay quốc tế, đã phần nào mang lại những tín hiệu tích cực và sự tự tin cho chủ nhà. Do đó, giá thuê đã bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian được giữ ổn định trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, trong quý I/2022, giá chào thuê văn phòng hạng A đạt 27,6 USD/m2/tháng, tăng 1,2% theo quý và 1,9% theo năm. Tương tự, giá thuê văn phòng hạng B cũng tăng nhẹ 0,8% theo quý và 0,8% theo năm, lên 14,1 USD/m2/tháng.