CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chiều ngày 19/11 tại TP.HCM, Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (DDC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029, đồng thời ký kết Hợp đồng tín dụng xanh tài trợ dự án Nhà máy Cơ khí Công nghệ cao Nghi Sơn.
Theo nội dung ký kết, BIDV sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tài trợ vốn lưu động, vốn trung dài hạn cho các hoạt động phát triển trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, các dự án bất động sản, dự án sản xuất… mà DDC tham gia với vai trò là chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu, nhà thầu đứng tên liên danh hoặc thành viên trong liên danh.
Đáng chú ý, BIDV sẽ cung ứng nguồn vốn cho dự án Nhà máy Cơ khí Công nghệ cao Nghi Sơn mà DDC đang triển khai tại Thanh Hóa. Đây là dự án được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn LEED Gold (chuẩn công trình xanh đạt chuẩn vàng, do Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ - USGBC ban hành).
Các nội dung quy định trong thỏa thuận hợp tác là cơ sở để cả hai cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, tối ưu hóa tiềm năng và phát triển các hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Tổng Giám Đốc DDC, cho biết việc DDC nhận tài trợ thương mại xanh có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để DDC thực hiện các dòng dự án, dòng sản phẩm năng lượng tái tạo, siêu trường siêu trọng...
"DDC sẽ được BIDV tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài chính tài trợ cho các dự án sẽ triển khai trong thời gian sắp tới, đặc biệt là các dự án đáp ứng tiêu chí trung hòa carbon, giảm thiểu phát thải và tác động tiêu cực đến môi trường. Các nội dung thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và DDC phù hợp với định hướng phát triển bền vững mà hai bên đang nỗ lực triển khai, theo đuổi", ông Dũng chia sẻ.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, song DDC đã hoạch định chiến lược tăng trưởng dài hạn và tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình hành động cho từng giai đoạn tăng trưởng. Hiện công ty đã và đang không ngừng nâng cấp chuỗi cung ứng đạt chuẩn LEED Gold, đáp ứng các tiêu chí CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) để thâm nhập sâu rộng thị trường châu Âu; đồng thời tập trung vào các dự án tuân thủ trung hòa carbon từ giai đoạn lựa chọn nguyên vật liệu thân thiện môi trường đến quá trình chế tạo, thi công, lắp dựng và đi vào vận hành. Song song đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực góp phần cải thiện hệ thống an sinh xã hội thông qua nhiều hoạt động cộng đồng thiết thực.
Về phía BIDV, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết sản phẩm của DDC đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính. BIDV sẽ ưu tiên dùng nguồn lực tốt nhất để đáp ứng về vốn cũng như đồng hành các dự án cùng doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Trước DDC, BIDV cũng rót vốn vào một số doanh nghiệp sản xuất theo hướng phát triển bền vững, khẳng định chiến lược phát triển ngân hàng theo hướng "Ngân hàng xanh". Ngoài việc ban hành Khung khoản vay bền vững, Khung Trái phiếu xanh... tạo tiền đề triển khai các gói tín dụng xanh, chương trình tài trợ vốn ưu đãi cho các dự án công trình xanh.
BIDV cũng là tổ chức đầu tiên phát hành thành công trái phiếu bền vững tại thị trường trong nước với 3.000 tỷ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ theo Hướng dẫn trái phiếu bền vững của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA). Ngân hàng cũng huy động được gần 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, mang lại tác động tích cực cho môi trường và xã hội.