CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chủ yếu làm hàng xuất khẩu, dệt may Việt Nam đang phải trông chờ vào việc xử lý dịch COVID-19 của thế giới

Invest Global 15:37 22/03/2020

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang gây áp lực lên toàn nền kinh tế và dệt may nói riêng. Một mặt, với vùng nguyên liệu chủ yếu lấy từ Trung Quốc, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt đầu vào sản xuất. Đến đầu ra, khách hàng yêu cầu giảm đơn hàng hoặc tạm siết. Mặc dù vậy, nhiều đơn vị cũng sớm lên phương án ứng phó với tình trạng khó khăn kép này.

Trước thông tin Mỹ và EU thực hiện chính sách đóng cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp cho hay thông tin này có thể do hiểu lầm. Mặc dù thực tế nhiều khách giảm đơn hàng, nhưng chưa có một thông tin chính thức nào từ Chính phủ Mỹ hay châu Âu về việc tạm dừng nhập hàng dệt may Việt Nam.

Thực tế dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang gây áp lực lên toàn nền kinh tế và dệt may nói riêng. Một mặt, với vùng nguyên liệu chủ yếu lấy từ Trung Quốc, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt đầu vào sản xuất. Và những ngày gần đây, nhiều khách hàng cũng yêu cầu giảm đơn hàng hoặc tạm siết trước áp lực dịch bệnh. Trước tình trạng này, nhiều đơn vị cũng sớm lên phương án ứng phó với khó khăn kép này.

Chủ tịch TDT: Khách hàng có nhập cũng không tiêu thụ được, tạm dừng là phương án tốt nhất của họ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Chu Thuyên – Chủ tịch CTCP Đầu tư và Phát triển TDT cho hay: "Theo cá nhân tôi, hiện nay dịch bệnh là bất khả kháng, nên việc khách hàng giảm nhập là điều dẫn theo. Vì họ nhập sang cũng không tiêu thụ ngay được, khi khách hàng hạn chế mua sắm nhằm hạn chế lây nhiễm dịch. Do đó, nhiều khách hàng đã lên phương án tạm ngừng nhập, đây cũng là phương án tốt nhất bây giờ bằng việc gửi hàng lại kho của các nhà sản xuất: vừa an toàn, đỡ lưu kho bãi...".

Với TDT, ông Thuyên khẳng định giai đoạn này chưa xuất nhiều và khách hàng cũng đang khá đa dạng, do đó việc ảnh hưởng không quá đáng ngại. Nhưng, nếu dịch COVID-19 kéo dài thêm thì tất nhiên khó khăn nhiều hơn. "Tạm dừng vài tuần thì khó khăn ít, kéo dài hàng tháng thì khó khăn lắm. Lấy đâu tiền về để trả lương và chi phí sản xuất?", vị này đặt vấn đề.

Dệt may TCM: COVID-19 hiện diễn ra trên toàn thế giới thì tìm thị trường mới cũng không phải đơn giản

Một đơn vị khác, Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công (TCM) cũng dự báo doanh thu năm nay sẽ giảm hơn so với các năm trước và lợi nhuận cũng vậy. "TCM may mắn hơn các doanh nghiệp khác trong ngành là vì Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, TCM sản xuất từ sợi nên chủ động hơn. Tuy nhiên, về thị trường thì TCM cũng bị ảnh hưởng chung, do đo TCM sẽ tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp. Nói đi cũng nói lại, dịch COVID-19 hiện diễn ra trên toàn thế giới thì tìm thị trường mới cũng không phải đơn giản", ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch TCM phân trần.

Hiện, thị trường chính của TCM là Nhật, Hàn, Mỹ và EU; trong đó EU chiếm tỷ trọng nhỏ (8-10%) . Theo ông Tùng, Mỹ thì khả năng sẽ bị giảm trong những tháng tới, Nhật và Hàn cũng có giảm nhưng ít hơn, và hiện tại cũng chưa có thông tin phản hồi từ 2 thị trường này về giảm số lượng đặt hàng như thị trường Mỹ. "Tuy nhiên, dịch bệnh có thể khiến đơn hàng sụt giảm nhưng việc cấm thông thương hàng hóa không phải là một việc đơn giản", vị này nhấn mạnh.

Hay thống kê bởi Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cũng cho thấy, chỉ trong 3 ngày từ 16 – 18/3/2020, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại. Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất, tương ứng 3-3.5% sản lượng của cả năm 2020.

Quý 1/2020, May Hưng Yên giảm 20% doanh thu

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Hugaco - cho biết: "Lúc đầu chúng ta tưởng đầu vào là khó, thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Quý 1/2020 doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm 20%".

Dệt may Hoà Thọ: Tổng hàng bị huỷ là 350.000 sản phẩm, yêu cầu lùi thời gian 100.000 đơn vị

Ông Nguyễn Đức Trị – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ – cũng ghi nhận: "Từ ngày 16 - 18/3/2020, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ, đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo về việc ngưng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận.

Tổng số hàng bị hủy là 350.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất là 100.000 sản phẩm; tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy đạt 150.000 sản phẩm.

Họ cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 đến 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng. Tuy nhiên, các khách hàng tại thị trường Nhật vẫn ổn định, và các khách hàng tại thị trường châu Âu chưa có quyết định hủy hoặc hoãn nhập hàng".

Đại diện Vinatex: Dệt may Việt Nam vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dịch COVID-19 của thế giới

Tạm tính trong 3 ngày diễn tiến nhanh của dịch bệnh, sức tiêu thụ giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn tại nơi đây đóng cửa. Đây quả là một khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động của Vinatex. Tập đoàn từng trải qua khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nhưng thời điểm đó, lượng cầu tuy giảm, tiến độ giao hàng giảm, nhưng sản xuất vẫn được duy trì. Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 năm nay, thì có hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy hẳn đơn hàng khiến các nhà quản lý doanh nghiệp dệt may hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục.

Trước tình thế trên, Tập đoàn cũng đã chủ động họp các đơn vị liên quan để lên kế hoạch ứng phó. Tổng Giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường nhận định, trong tháng 3 – 4/2020 các đơn vị trong Tập đoàn có nhiệm vụ:

+ Sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch. Đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại.

+ Đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu.

+ Cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất thất thường. Tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020.

Tuy nhiên, với tình trạng dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng xuất khẩu, thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu.

 

Bảo An

Theo Trí thức trẻ