CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Invest Global 14:27 17/11/2020

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, Hoa Kỳ khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã bắt đầu đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung ứng nội địa nhằm ổn định sản xuất. Điều này kỳ vọng sẽ là một cú huých, mở ra cơ hội  cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhu cầu tăng cao do dịch bệnh

Panasonic, hãng điện tử và đồ điện gia dụng nổi tiếng của Nhật Bản, dự kiến trong tháng 1/2021 sẽ đưa nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Đây là nhà máy thứ 7 của Panasonic tại Việt Nam.

Một góc nhà máy của Panasonic tại Bình Dương

Bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng Bộ phận Quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho biết hiện danh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của tập đoàn rất đa dạng, bao gồm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, đồ điện gia dụng… nên cần rất nhiều linh kiện. “Nhu cầu phát triển nhà cung cấp phụ kiện tại chỗ là rất lớn. Cơ hội cho các nhà cung cấp là như nhau vì Panasonic không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước” - bà Thủy cho biết.

Còn với Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, từ chỗ chỉ có 4 nhà cung ứng nội địa vào năm 2014, chỉ sau 6 năm, con số này đã tăng lên 42, chưa kể còn có 678 nhà cung ứng các cấp khác.

Hiện Samsung đã đầu tư và đưa vào hoạt động 6 nhà máy sản xuất sản phẩm điện thoại, điện - điện tử, tivi, đồ gia dụng. Chỉ tính riêng mặt hàng điện thoại, trung bình mỗi năm, Samsung Việt Nam sản xuất 3 triệu chiếc, chiếm 25% thị phần xuất khẩu điện - điện tử Việt Nam và chiếm 50% tỷ lệ xuất khẩu điện thoại của tập đoàn trên toàn cầu. Công ty cũng dự kiến sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Hà Nội vào cuối năm nay. Đây cũng được xem là đầu tư chiến lược nhằm mở đường cho việc mở rộng quy mô sản xuất của tập đoàn trong thời gian tới. 

Theo ông Yang Yoon-ho, Giám đốc Bộ phận Hỗ trợ đối tác, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho hay, việc gia tăng nhà cung ứng nằm trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh thì việc mở rộng mạng lưới sẽ được đẩy nhanh hơn.

Tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 (SFS 2020) diễn ra vào tháng 9 ở TP. Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp FDI bày tỏ sự hài lòng vì đã tìm kiếm được đối tác cung ứng tiềm năng, đủ năng lực để phát triển hợp tác.

Đại diện Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đơn vị này đang hỗ trợ một tập đoàn sản xuất thiết bị không dây tìm kiếm, gặp gỡ các đối tác cung cấp tiềm năng để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, để phục vụ cho dự án nhà máy với vốn đầu tư lên tới 650 triệu USD đang được triển khai ở Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, tập đoàn này dự kiến sẽ cần tìm đến 200 nhà cung ứng nội địa trong vòng 1 năm - một con số khá lớn trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn đang non trẻ.

“Dự án đi vào hoạt động sẽ mang về doanh thu hàng tỉ USD từ xuất khẩu. Do đó, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, đại diện Trung tâm cho hay.

Theo báo cáo từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam của doanh nghiệp FDI sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bởi nhiều quốc gia châu Âu có khả năng phải tái lập lệnh phong tỏa trên diện rộng, nhằm ngăn nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vào cuối năm nay. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tái đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khu vực châu Âu.

Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng tại đây. Riêng với doanh nghiệp Nhật Bản, dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam trong năm tới, ngay khi các hồ sơ xin hỗ trợ dịch chuyển đầu tư được Chính phủ Nhật Bản thông qua. Và theo đó, chuỗi cung ứng tại địa phương cũng là mục tiêu mà nhiều nhà đầu tư Nhật sẽ gia tăng tìm kiếm.

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho thấy, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cung ứng không phải là rào cản lớn. Vấn đề khó là giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp chưa đủ quyết tâm để cải tiến và duy trì kết quả sau cải tiến năng lực sản xuất. 

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ  để DN Việt bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI. Thời điểm này chỉ có thể kéo dài đến giữa năm 2021, khi dịch bệnh dự kiến được khống chế.

Ông Tống Viết Cường, Giám đốc Công ty TNHH HTX Hiệp Phước Thành xác định, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước: “Khi họ vào Việt Nam cần nhiều nhà cung cấp thì cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đang chuẩn bị rất nhiều về đầu tư, máy móc, con người và hệ thống quản lý cũng phải sẵn sàng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt tốt cơ hội này. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay đều là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế.

“Doanh nghiệp FDI không chỉ yêu cầu hai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và giá thành mà còn nhiều yêu cầu khác như: điều kiện lao động, môi trường sản xuất và trách nhiệm xã hội... Đây cũng là rào cản lớn của doanh nghiệp thành phố khi tham gia vào chuỗi cung ứng này”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí TP. HCM nói.

Ông Tống cho biết thêm, hiện thành phố đang có chương trình vốn kích cầu đầu tư rất tốt cho doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp không chỉ cần vốn mà cần hỗ trợ mặt bằng sản xuất, cụm sản xuất công nghiệp ngành... “Để tận dụng được cơ hội này thì chỉ nỗ lực của doanh nghiệp chưa đủ mà rất cần sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền thành phố”, ông đề xuất.

“Các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn. Điều này sẽ giúp tăng cường sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nước ngoài”- đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí  bày tỏ.

Ý kiến chuyên gia