CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyển đổi số quyết định sống còn của ngân hàng

Invest Global 14:40 30/10/2020

Chưa bao giờ thấy cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng mạnh mẽ như gần đây và dự báo sẽ còn tiếp diễn những năm tới. Vậy các ngân hàng đang số hóa như thế nào? Họ gặp phải khó khăn thách thức gì trong cuộc đua này? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Dương Trọng Chữ, Giám đốc khối Ngân hàng số của LienVietPostBank.

Có ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số của ngân hàng Việt còn mang tính chất phong trào. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Chuyển đổi số thực sự là một cuộc cách mạng ở các quốc gia, các nền kinh tế và trên nhiều lĩnh vực, ngân hàng cũng không ngoài cuộc. Nền tảng cho chuyển đổi số bao gồm những lĩnh vực IoT, Blockchain, BigData và AI. 10 năm tới là thời gian tạo nền tảng để tất cả các quốc gia, nền kinh tế thực hiện quá trình chuyển đổi này. Sau chu kỳ kinh tế này, nếu quốc gia, nền kinh tế, tổ chức nào còn đứng ngoài cuộc sẽ bị tụt hậu, bỏ lại phía sau. Đây không phải là phong trào, mà là hoạt động sống còn, cuộc cách mạng thật sự, sẽ thay đổi toàn bộ hạ tầng, nền tảng kinh tế - xã hội của các quốc gia và của các nước.

Tất nhiên, không phải ngân hàng nào chuyển đổi số cũng thành công ngay như mong đợi kể cả ngân hàng trên thế giới. Nó đòi hỏi một sự kiên trì, nhẫn nại. Câu chuyện ở đây là, ngân hàng số trên thế giới đang hướng tới mô hình ngân hàng 4.0 còn Việt Nam đang ở thời điểm 2.0. Vậy nên chúng ta không thể chần chừ được. Cơ hội đang ở phía trước cho tất cả.

Đó có phải là lý do LienViet24 chính thức ra mắt?

Đúng vậy. LienViet24 ra đời không nằm ngoài xu hướng này. LienViet24 là ngân hàng số phát triển trên nền tảng công nghệ hợp kênh cung cấp các dịch vụ 3 trong 1: ngân hàng số, thẻ, Ví Việt và có các ưu điểm nổi bật. Thứ nhất, LienVietPostBank đã tích hợp công nghệ eKYC giúp cho việc xác thực và định danh online, khách hàng mở tài khoản ở mọi lúc, mọi nơi. Thứ hai, công cụ tương tác Omni-Chanel giúp cho việc trải nghiệm dịch vụ hợp nhất, liên tục, nâng cao được hiệu quả chăm sóc khách hàng, thoả mãn nhu cầu khách hàng và nâng cao hiệu quả marketing cho LienVietPostBank. Thứ ba, cá nhân hoá các trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

Trong cuộc đua này, ngân hàng nào cũng nói rằng mình là số 1. Vậy, khách hàng sẽ hiểu câu chuyện này như thế nào?

Tôi hiểu khái niệm số 1 ở đây là mục tiêu, mong muốn hướng tới và khi tất cả cùng bắt đầu. Các ngân hàng cùng đặt mục tiêu là số 1 nên nhìn nhận là điều rất tốt cho cả xã hội. Việt Nam sẽ là nước chuyển đổi số thành công và đạt được thành quả lớn trong tương lai. Tất nhiên quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ có những va vấp, điều chỉnh, thậm chí có thể chưa thành công như mong đợi. 

Trở ngại của Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi số là tâm lý dùng tiền mặt của người dân vốn rất lâu đời. Do đó, để tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn và rộng khắp, chúng ta cần phải quay lại câu chuyện gốc: Tại sao phải chuyển đổi số và tại sao không dùng tiền mặt? Bởi vậy, dù chuyển đổi số là tất yếu nhưng để tiến trình này được thúc đẩy nhanh hơn có một số việc phải giải quyết. Đầu tiên là hành lang pháp lý. Nếu như có sự chỉ đạo, hành lang pháp lý rất rõ ràng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ hai, vai trò của các ngân hàng, rất quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc phổ cập hệ thống tài khoản ngân hàng thông qua việc phổ cập thẻ, phổ cập hệ thống thanh toán online, ứng dụng ngân hàng số. Thứ ba, thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng tiền mặt. Đây là thách thức cần đẩy nhanh quá trình phổ cập hoá tài khoản ngân hàng và tất cả buộc phải diễn ra theo lộ trình.

An toàn bảo mật là một trong những quan ngại đối với người tiêu dùng trong câu chuyện chuyển đổi số. Vậy, các ngân hàng khắc phục điều này như thế nào?

Trong quá trình phát triển, chúng ta thường gặp mâu thuẫn giữa tiện ích tiện dụng với giữa an toàn và bảo mật cho khách hàng. Hai câu chuyện này vừa bổ sung cho nhau vừa gây những hạn chế nhất định. Khi chúng ta yêu cầu quá cao về bảo mật thì khách hàng sẽ gặp khó khăn trong việc trải nghiệm dịch vụ. Do đó, sự thay đổi cần phải từ từ không thể quá nhanh.

Trên thực tế, ngay cả những tập đoàn lớn trên thế giới đều cũng có những sự cố liên quan đến bảo mật; không có một nền tảng công nghệ nào tuyệt đối bất khả xâm phạm. Vì thế bên cung cấp dịch vụ phải không ngừng nâng cấp, nâng cao tính an toàn, chắc chắn của hệ thống. Đặc biệt, phải có những kịch bản để xử lý sự cố khi xảy ra. Nếu sự cố xảy ra, ngân hàng có kịch bản đối phó tốt sẽ trở nên tiến bộ hơn và mang lại lòng tin cho khách hàng tốt hơn. 

Do đó, các ngân hàng cần đầu tư đầy đủ công nghệ, hệ thống bảo mật theo đúng chuẩn mực của thế giới. Song song với đó, ý thức, cũng như tinh thần của mỗi khách hàng cần phải nâng cao khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp rủi ro không phải đến từ hệ thống ngân hàng mà là rủi ro từ khách hàng chủ quan, bị đối tượng xấu cài bẫy. Tuy nhiên, tất cả những rủi ro cũng sẽ giảm dần và không thể vì một vài sự cố rủi ro mà ngừng lại việc này. Phải tin vào xã hội sẽ chuyển đổi và chuyển đổi thành công.

Xin cảm ơn ông!