CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyên gia nói gì về dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới của Bộ Công Thương?

Invest Global 09:25 12/08/2020

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng, mỗi phương án biểu giá điện mà Bộ Công Thương đưa ra cần có luận cứ, tính toán rõ ràng, chứ không thể đưa ra một con số rồi buộc xã hội phải chấp nhận.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo đề xuất 2 phương án lựa chọn, gồm: 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.

Điện một giá có hai mức, cao hơn kỳ vọng

Phương án 1: cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc. Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh. Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Bộ Công Thương công bố biểu giá bán lẻ điện mới (Ảnh: TL) 

Phương án 2: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.

Đối với phương án này, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Cụ thể, đối với phương án 2A, biểu giá luỹ tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 và cao nhất 274% giá bán lẻ điện bình quân với kWh từ 701 trở lên. Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Đối với phương án 2B, giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100 kWh và cao nhất 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701 kWh trở lên. Còn điện một giá là 155% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.889 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng theo quy định có 4 yếu tố cấu thành nên giá điện, đó là: Giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối điện và chi phí phụ trợ để điều hành hệ thống điện. 4 thành phần này hoàn toàn xác định được chi phí. Do vậy, ông Long cho rằng Bộ Công Thương cần căn cứ vào đây để tính giá điện cho phù hợp.

Nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam băn khoăn, không hiểu tại sao Bộ Công Thương lại đưa ra hai mức giá bán lẻ của phương án điện một giá. Nếu Bộ Công Thương quyết định phương án một giá điện, tại sao không chọn mức giá nào mà Bộ cho thấy hợp lý nhất, chứ không thể một giá mà lại có hai mức, vì sao có mức giá thấp, mức giá cao. Mỗi cái đều phải có luận chứng để chứng minh.

Theo ông Long, nếu không có dịch bệnh COVID-19, có lẽ hiện giờ người sử dụng điện sinh hoạt đang dùng biểu giá bán lẻ 5 bậc thang. Nếu bây giờ, Bộ Công Thương muốn giảm số bậc thì cũng cần có lộ trình từ 6 bậc xuống 5 bậc, 3 bậc và cuối cùng là 1 bậc (theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2024).

"Chứ giờ giống chính mình tự làm rối lên. Người dùng hoang mang thêm", ông Long nói về đề nghị mỗi phương án mà Bộ Công Thương đưa ra cần có luận cứ, tính toán, chứ không tự dưng đưa ra một con số rồi buộc xã hội phải chấp nhận như vậy.

Giá bán lẻ thực tế cao hơn giá bán lẻ bình quân?

Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính tỏ rõ sự thất vọng về biểu giá bán lẻ điện mới trên khi chỉ bậc 1 (từ 0 - 100 kWh) có mức giá bán lẻ điện thấp hơn - chỉ bằng 90% giá bình quân (hiện là 1.864,44 đồng/kWh), 4 bậc còn lại giá đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân.

Theo ông, Chính phủ quy định mức bán lẻ điện bình quân là có tính toán chi phí đầu vào, sản xuất kinh doanh điện, thất thoát của tất cả chủ thể tham gia, kể cả bán buôn, bán lẻ... Vì vậy, chỉ với giá bình quân, doanh nghiệp chắc chắn đã có lãi. Tuy nhiên, trong 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra chỉ có bậc đầu bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân, các mức còn lại đều cao hơn. Nhiều hộ gia đình hiện nay đang sử dụng điện ở mức 200-400 kWh, điều đó có nghĩa họ sẽ chịu mức giá cao hơn từ 141-160% giá bán lẻ điện bình quân.

"Rõ ràng giá bán lẻ điện thực tế dứt khoát cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Phần cao hơn này sẽ vào túi ai, làm gì. Cái này có gì đó không bình thường", ông Thịnh đặt nghi vấn.

Quay trở lại phương án điện một giá, ông cũng đặt băn khoăn vì sao lại có hai mức giá là 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân. Bộ Công Thương phải có giải thích rõ ràng để người tiêu dùng thấy được lợi ở chỗ nào, thiệt ra sao.

Ngoài ra, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay quy định giá bán lẻ từng nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt do Bộ Công Thương quyết định, trong khi không thấy vai trò của Bộ Tài chính. Như vậy là không ổn.

Còn theo TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, có nhiều phương án tính giá điện là thêm sự lựa chọn cho người dân. Tuy nhiên, nếu áp dụng giá điện theo 1 bậc cần phải công khai, tính toán lại giá điện bình quân cho minh bạch, hợp lý.

“Do đó, việc đưa về tính giá điện theo một giá, bằng với giá bình quân là điều đương nhiên phải làm theo đúng quy định của luật, nếu đề xuất giá cao hơn giá bình quân là sai”, ông Lâm nói.

Lê Thúy 

Ý kiến chuyên gia