CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Công nghiệp phụ trợ ô tô: Vẫn thiếu sự vào cuộc của các DN 'đầu tàu'

Invest Global 09:07 29/11/2024

Các giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ ngành ô tô ở Việt Nam sẽ tiếp tục được khuyến khích thời gian tới. Nhưng, thay vì phát triển theo chiều rộng thì cần chuyển sang chiều sâu, chuyển từ gia công, lắp ráp sang tăng giá trị nội địa hoá, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng xu hướng công nghiệp 4.0.

Bàn về tương lai của công nghệ ô tô trong thời đại công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Thanh Đàm, Chủ tịch Tập đoàn Vast Group, nhấn mạnh đến 3 xu hướng tất yếu. 

Không để lỡ nhịp xu hướng 4.0

Thứ nhất, đó là công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng phù hợp với thời đại mới. Cụ thể là thiết kế kiểu dáng đẹp, độc đáo, sang trọng và tinh tế. Khung gầm nhẹ, an toàn. Động cơ tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải. Tối ưu các hệ thống phụ trợ nhằm tăng tính an toàn, thoải mái tiện lợi.

HINH-2136-1600855451.jpg

Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước cần phát triển theo chiều sâu.

Thứ hai là công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, cần tăng tính thông minh cho “bộ não” xe hơi (ECU) và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Mặt khác, cần tăng tính an toàn thân thiện (hệ thống cảnh báo ngủ gật, cảnh báo sai làn đường)

Thứ ba là công nghệ kết nối và giao tiếp. Theo ông Đàm, đó là mỗi chiếc xe hơi trong tương lai sẽ được tích hợp trí thông minh nhân tạo để trở nên siêu việt và an toàn hơn. Chúng sẽ có khả năng giao tiếp với nhau, kết nối với các thiết bị hiện đại và các cơ sở hạ tầng khác thông qua Internet vạn vật (IoT) để trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết.

Với 3 xu hướng đó, câu hỏi đặt ra là với ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam thì bao giờ sẽ có thể đáp ứng và bắt kịp ?

Giới chuyên gia cho rằng đó là vấn đề không dễ dàng gì khi mà lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nội địa còn rất nhiều hạn chế so với chuỗi giá trị toàn cầu cũng như xu hướng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, dù khoảng cách giữa ngành công nghiệp ô tô trong nước với các quốc gia tiên tiến trên thế giới còn khá xa thì trong lúc này vẫn cần những doanh nghiệp (DN) nội địa có tiềm lực tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô nhằm không để ngành này quá chậm nhịp so với xu hướng 4.0.

Minh chứng cho điều này có thể thấy từ một DN nội địa có tiềm lực lớn là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Gần đây nhất, vào tháng 6/2020 thì lô khung ghế ô tô bằng composite sản xuất tại Nhà máy Linh kiện Composite ở Khu Công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam) đã được xuất khẩu (XK) sang Nhật, là lô đầu tiên trong số 1.300 bộ khung ghế sẽ được XK sang thị trường này trong năm 2020.

Điểm đặc biệt là nhà máy linh kiện này với công suất 24.000 bộ sản phẩm/năm, được đầu tư các dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Ý, trong đó công nghệ chân không (RTM) và định hình nhiệt khuôn kín (SMC) là công nghệ tiên tiến trong sản xuất linh kiện composite hiện nay trên thế giới.

Cần thêm những doanh nghiệp “đầu tàu”

Để thực hiện chiến lược đẩy mạnh hoạt động XK ô tô và linh kiện phụ tùng, từng bước đưa XK trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn, thời gian qua Thaco đã đầu tư các nhà máy với công nghệ hiện đại, tự động hóa và quản trị trên nền tảng số hóa; đồng thời liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu. 

Hoặc như hôm 22/9 Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng ở Tp. Hạ Long (Quảng Ninh) đã chính thức động thổ xây dựng nhằm thu hút và quy tụ nhiều DN trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Sau khi bấm nút khởi động tổ hợp này, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã bày tỏ hy vọng những sản phẩm của tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô ở trong nước, mà còn hướng tới XK, giúp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường quốc tế.

Ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên canh đó, Phó thủ tướng cũng chỉ rõ hạn chế lớn của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô chính là việc còn thiếu sự vào cuộc của các DN “đầu tàu”, chính là các DN lắp ráp ô tô, trong việc dẫn dắt các DN hỗ trợ phát triển thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ công nghệ, quản lý, nhân lực…

Và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ví von hình ảnh một chiếc ô tô có giá trị như một căn nhà trung bình ở đô thị. Trong khi với ngành xây dựng, tỷ lệ nội địa hoá đạt 99% thì chúng ta phải nhập khẩu nhiều ô tô để tiêu dùng, còn ô tô sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hoá lại đang rất thấp.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước phát triển, theo giới chuyên gia thì rất cần xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các công ty có sự nhìn nhận rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ ô tô trước các xu hướng mới. 

Hơn thế nữa, các DN nội địa được ví như “đầu tàu” cũng nên thấy rõ sự cần thiết của lĩnh vực này để cùng vào cuộc đầu tư. Và qua đó, các DN sẽ phát triển chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ theo xu hướng 4.0 nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô Việt theo hướng thâm sâu.

                                                                                                                      Thế Vinh