CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Để hàng Việt ‘cất cánh’ xuất khẩu trực tuyến trên thị trường tiêu dùng toàn cầu

Invest Global 10:49 15/05/2024

Các hoạt động gia tăng xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới hay các sáng kiến, kết nối giao thương với các sàn TMĐT lớn của Mỹ hay Trung Quốc là rất hữu ích cho các doanh nghiệp (DN) Việt. Song song đó, để hàng Việt có thể “cất cánh” xuất khẩu trực tuyến đòi hỏi còn nhiều việc phải làm, từ việc bản thân DN phải làm tốt cách thức bán hàng, tạo sự sống động cho sản phẩm, cho đến khắc phục mặt hạn chế về logistics…

Vào tháng 6/2024 Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức đoàn xúc tiến TMĐT xuyên biên giới tại Hàn Quốc. Điều đó giúp các DN Việt tìm hiểu thực tế thị trường, được trao đổi, kết nối với hiệp hội, các DN thương mại điện tử ở Hàn Quốc, để từ đó có thêm các cơ hội để mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trực tuyến (online).

Tăng xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới

Tương tự, thời gian tới cơ quan này cũng sẽ tổ chức cho các DN tham gia các đoàn xúc tiến TMĐT xuyên biên giới ở Singapore và Ấn Độ. Qua đó nhằm hỗ trợ cho DN tìm hiểu trực tiếp tình hình thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thông qua TMĐT xuyên biên giới, từ đó, nâng cao năng lực xuất khẩu (XK) trong lĩnh vực TMĐT, ứng dụng công nghệ số.

-9973-1715679432.png

Việc kết nối giao thương với các sàn TMĐT đa quốc gia là rất hữu ích cho các DN Việt trong hoạt động XK trực tuyến.

Ngoài ra, theo dự kiến trong hạ tuần tháng 5/2024, Amazon Global Selling Việt Nam sẽ phối hợp cùng Cục TMĐT và Kinh tế số đồng tổ chức hội nghị về TMĐT xuyên biên giới năm 2024 ở Hà Nội và Tp.HCM với chủ đề “tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”, quy tụ đại diện lãnh đạo 1.500 công ty, tập đoàn tại Việt Nam quan tâm và tham gia TMĐT xuyên biên giới cùng với Amazon (Mỹ). 

Đây cũng là dịp để công bố sáng kiến “Liên kết ngành nghề - thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới” nhằm kết nối các ngành hàng XK mũi nhọn của Việt Nam như nhà cửa, nhà bếp, sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Qua đó kỳ vọng giúp DN Việt tiếp cận chuyên sâu hơn, nâng cao kiến thức, năng lực và hiệu quả trong hành trình đưa hàng Việt cất cánh trên thị trường tiêu dùng thế giới.

Còn trong trung tuần tháng 5/2024, trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu XK 2024 diễn ra ở Tp.HCM đã có buổi kết nối, giao thương 1:1 giữa DN với các đại diện lãnh đạo, phòng thu mua từ các sàn TMĐT đa quốc gia như Amazon, Alibaba.

Có thể thấy việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại hay sáng kiến, kết nối giao thương như nêu trên để đưa hàng Việt cất cánh vào thị trường tiêu dùng thế giới thông qua kênh TMĐT xuyên biên giới là rất cần thiết. Không những vậy, việc hỗ trợ của các sàn TMĐT đa quốc gia cũng giúp cho các DN Việt XK trực tuyến một cách hiệu quả hơn.

Điển hình như sàn TMĐT Amazon (Mỹ) thông qua Amazon Global Selling Việt Nam trong thời gian qua đã đẩy mạnh hỗ trợ DN Việt bán hàng trực tuyến trên toàn cầu. Có 3 trọng tâm chiến lược trong năm 2024 của sàn TMĐT toàn cầu này ở Việt Nam là tăng cường sự sẵn sàng cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các đối tác chiến lược để trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho DN vừa và nhỏ trong nước; Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng; Nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua đào tạo, xây dựng và phát triển thương hiệu...

Hoặc như sàn TMĐT Alibaba của Trung Quốc, từ tháng 3/2024 đã mở thêm 2 văn phòng đại diện mới tại Đồng Nai và Long An, cũng như dự kiến mở thêm nhiều chi nhánh nữa để địa phương hóa dịch vụ XK trực tuyến của mình tại Việt Nam.

Nói về việc đưa hàng Việt XK trực tuyến vào Trung Quốc. Đứng ở góc độ của một DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, nói rằng bây giờ các DN phải nghĩ đến chuyện ngồi ở Việt Nam livestream bán hàng cho người Trung Quốc. Để làm chuyện đó thì đòi hỏi chúng ta phải làm quen, phải tập bán hàng ngay.

“Chúng ta cần phải làm quen, phải thử mua hàng trên các nền tảng taobao, xem cách thức họ làm thế nào, để mình cũng có thể bán lại cho họ theo phương thức tương tự. Chẳng hạn như livestream bán hàng cho người Trung Quốc, và có thể nhờ cậy qua các kho ngoại quan chẳng hạn”, ông Viên nói.

Hiện thực hóa triển vọng là ngành xuất khẩu lớn thứ 5

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khi ai cũng livestream bán hàng thì mọi người phải nghĩ cách làm sao để kể câu chuyện sản phẩm mình hay hơn, hấp dẫn hơn để bán được hàng và người bán nên kể chuyện bằng nhiều cách thức khác nhau.

Đơn cử như việc đưa nông sản Việt tham gia vào các phiên bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT, theo bà Hạnh, đòi hỏi người bán khi livestream phải nói nhanh, nói gọn, nói thẳng vào vấn đề. Đồng thời họ cần nói cho rõ câu chuyện có tính giải trí một chút và sự có ích của nó. Nhưng, họ cũng cần nhấn mạnh là nên có chất lượng và chất lượng này phải được nhất quán.

“Thực sự tôi thấy nhiều người livestream bán hàng mà mình rất phục bởi vì đây là việc khó chứ không phải dễ. Nhất là việc nói nhanh làm sao để có đầy đủ thông tin, lại hấp dẫn, trong đó lại chen vào những khuyến mãi hấp dẫn, những thúc giục chốt deal (giao dịch) nối tiếp nhau. Và nhất là làm sao để cho những người tiêu dùng tham gia ở trên sàn TMĐT đó có cảm giác sợ bị lỡ dịp nếu không chốt đơn được”, bà Hạnh nói.

Bên cạnh việc livestream thì các DN Việt cũng nên tạo ra các clip, video để tạo ra sự sống động cho sản phẩm mới trước người tiêu dùng quốc tế trên các kênh bán hàng trực tuyến xuyên biên giới. 

Hoặc như thời gian qua, có nhiều DN trong nước đã tận dụng cả hai phương thức là livestream và video một cách nhịp nhàng khi bán hàng online. Họ cũng tận dụng hệ sinh thái của một số sàn TMĐT để đồng bộ luôn từ khâu livestream cho đến vận chuyển, chăm sóc khách hàng, để làm sao mang đơn hàng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng. Nếu điều này được áp dụng khi bán hàng trực tuyến xuyên biên giới sẽ rất là hữu ích.

Những dự báo gần đây từ Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có thể trở thành ngành XK lớn thứ 5 ở Việt Nam vào năm 2027 với kịch bản cao là kim ngạch sẽ đạt 12 tỷ USD, còn với kịch bản thông thường thì có thể đạt 5 tỷ USD. 

Chính vì vậy, điều quan trọng là các DN Việt cần phải hiện thực hóa những triển vọng về mặt XK trực tuyến thông qua việc triển khai các giải pháp bán hàng toàn cầu trên các sàn TMĐT lớn của thế giới. Theo đó, bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến TMĐT xuyên biên giới thì các DN cần nắm bắt rõ hành vi tiêu dùng trực tuyến của khách hàng quốc tế từ những vấn đề về xu hướng tiêu dùng, thương hiệu, dịch vụ, chất lượng sản phẩm…

Hơn thế nữa, để hàng Việt “cất cánh” trực tuyến trên thị trường tiêu dùng toàn cầu thì điều không thể thiếu là Việt Nam phải khắc phục được mặt hạn chế về logistics. Điều này sẽ cần các DN Việt và cơ quan quản lý, khâu hoạch định chính sách học hỏi nhiều từ cách thức bán hàng trực tuyến của Trung Quốc hay Mỹ khi họ là những quốc gia đi đầu trong chuyện này.

                                                                                          Thế Vinh

Môi trường kinh doanh