CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Để Việt Nam thành nhà cung ứng lương thực minh bạch toàn cầu

Invest Global 08:07 16/06/2021

Việt Nam đang hướng đến trở thành nhà cung ứng lương thực - thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững toàn cầu. Theo đó, một trong những nhiệm vụ là phải xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, gắn với việc phát triển hiệu quả mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Dịch COVID-19 đang xảy ra đã cho thấy khả năng chống chịu của khu vực này trước những cú sốc từ thị trường. 

Ngày 15/6, Bộ NN&PTNT tổ chức sự kiện Đối thoại quốc gia lần thứ nhất hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Hệ thống Lương thực – Thực phẩm 2021. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam tìm ra những sáng kiến, cùng hành động, xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững trong bối cảnh "bình thường mới" là hết sức quan trọng. 

Khẳng định vị trí của khu vực hợp tác xã 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, song 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, vì vậy vai trò của ngành nông nghiệp trở nên quan trọng trong điều kiện bình thường mới.

Việt Nam đang hướng đến trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững toàn cầu.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, không chỉ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), khu vực hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... HTX là thành tố tham gia chủ chốt vào chuỗi giá trị lương thực thực phẩm. Người nông dân liên kết trong mô hình HTX để xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp. Khi đề cập tới tính chống chịu, cú sống, nhiều ý kiến chỉ ra bản thân khu vực HTX có thể chống chịu và phục hồi nhanh bền vững so với mô hình khác.

Ở Việt Nam có trên 65% các HTX trên toàn quốc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân Việt Nam cũng như xuất khẩu ra thị trường trong lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, bà Yến cũng chỉ rõ khu vực HTX đang gặp nhiều thách thức từ nội tại ngành, cũng như chưa liên kết chặt chẽ giữa các HTX với nhau, hoạt động đơn lẻ nên gặp khó khăn ứng dụng công nghệ thông tin, quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị chưa cao. 

Theo đó, đại diện Liên minh HTX Việt Nam khuyến nghị, tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9/2021 cần có sự ghi nhận về vai trò, sự tham gia của tổ chức đại diện của khu vực HTX đối với xây dựng hệ thống lương thực bền vững, trách nhiệm, minh bạch. Đồng thời có giải pháp tăng cường hợp tác giữa khu vực HTX với các tổ chức của Chính phủ, quốc tế. Liên kết giữa các HTX với nhau giúp đạt mục tiêu đảm bảo thực phẩm an toàn dinh dưỡng, cũng như chuyển sang xu thế tiêu dùng bền vững.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Hà, đại diện Hội Nông dân Việt Nam, cho biết nông dân gặp một số khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún, liên kết sản xuất theo HTX, THT còn yếu, tập quán canh tác lạc hậu. Xuất khẩu nông sản thô, chế biến sau thu hoạch hạn chế nên khó cạnh tranh. Đặc biệt, về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nông dân, HTX gặp khó khăn vì chi phí xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước, chi phí dịch vụ truy xuất nguồn gốc cao.

Nông dân, HTX khó liên kết với DN trong tiêu thụ nông sản, trong khi giá vật tư đầu vào tăng, giá bán nông sản thấp, vì ảnh hưởng COVID-19 đã dẫn đến nhiều mặt hàng nông sản phải bán thấp hơn giá thành sản xuất. Cùng với đó, việc thiếu DN lớn tham gia vào chế biến nông sản khiến nông dân, HTX, chưa có thể ký kết nhiều hợp đồng liên kết bao tiêu nông sản, thiếu liên kết tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại....

Quan tâm tới từng 'mắt xích' của chuỗi sản xuất 

Đại diện Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị, cần có giải pháp nâng cao nhận thức tư duy cho người nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, sinh thái. Sản xuất theo chuỗi, phát triển mô hình kinh tế hợp tác, tổ hội nghề nghiệp. Hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Liên kết giữa nông dân với nông dân để chia sẻ kinh nghiệm, tiêu thụ nông sản qua mô hình HTX. Xây dựng cơ chế chính sách quy hoạch vùng sản xuất, có chính sách hỗ trợ nông dân qua mô hình tổ hợp tác, HTX....

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các HTX vì đại diện cho người sản xuất là hộ nông dân nhỏ. "Chúng ta cần có trách nhiệm với khu vực này, vì HTX chia sẻ lợi ích công bằng với người nông dân. Đây là khu vực nòng cốt trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính các HTX cũng cần có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm, đẩy mạnh khâu bảo quản chế biến, nâng cao năng lực đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của mình", ông Tuấn khuyến nghị. 

Trong khi đó, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều khó khăn như khung pháp lý còn thiếu, nhất là Luật Quyền người tiêu dùng, quyền về an toàn thực phẩm. Đồng thời, năng lực thực thi của hệ thống quản lý nông nghiệp còn hạn chế, hệ thống quản lý rời rạc chưa tích hợp được sản phẩm lương thực thực phẩm cấp quốc gia hay ở cấp vùng, quy mô nhỏ với nhau. Năng lực sản xuất của nền nông nghiệp ở một số khâu, vị trí còn nhiều hạn chế.

Theo đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khuyến nghị cần quan tâm tới an toàn từ sản xuất tới bàn ăn giảm tối đa sự khiếu kiện, kêu ca của người tiêu dùng. Việt Nam có tiềm năng để phát triển hệ thống lương thực thực phẩm có trách nhiệm, tiêu dùng bền vững. Ông Thịnh cho rằng với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, nỗ lực của Bộ NN&PTNT và các bộ ngành thì sẽ có chương trình, hoạt động cụ thể hơn để xây dựng được hệ thống lương thực Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững toàn cầu.

Trong khi đó, theo ông Trần Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế nông nghiệp, Bộ KH&ĐT, Việt Nam cần thay đổi chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng bao trùm, chú trọng từng mắt xích sản xuất, chế biến, dịch vụ logistics, phát triển thị trường, phát triển cây trồng thế mạnh chủ lực của từng địa phương gắn với chế biến sâu. Đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn thân thiện môi trường, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp lương thực lớn trên thế giới.

  Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nhật Linh 

Ý kiến chuyên gia