CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước bối cảnh ‘bùng nổ’ giao thương với Mỹ?

Invest Global 08:59 04/03/2024

Việc “bùng nổ” về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh mới của năm 2024 này đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt tiếp tục cải thiện, chuẩn bị nhiều hơn nữa nhằm tận dụng tốt các cơ hội được mở ra trong xuất nhập khẩu. Điều đó được ví như “đưa chiếc thuyền đủ mạnh vươn ra khơi xa”, tái cấu trúc doanh nghiệp một cách vững chắc để “hái quả ngọt” cùng các đối tác Mỹ.

Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024 Mỹ là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Việc cải thiện tăng trưởng trong hoạt động XK ở thị trường này có thể thấy rõ như ở tháng đầu của năm nay khi tăng 64% so cùng kỳ năm trước với sự nổi trội của một số mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…

Nỗ lực gia tăng xuất khẩu lẫn nhập khẩu

Đây là tín hiệu tích cực với kỳ vọng XK sang Mỹ sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 so với mức sụt giảm hồi năm 2023 (đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng là 27,2%). Nhất là khi các nhà thu mua quốc tế ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng của họ.

-8896-1709291857.png

Các nhà thu mua quốc tế ở Mỹ cần nhà cung ứng của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của họ.

Không chỉ cải thiện XK, việc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ Mỹ về Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ có sức tăng trưởng mạnh hơn. Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết nhập khẩu từ Mỹ còn khiêm tốn (chỉ chiếm tỷ trọng 4,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), cho nên thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ thông thường trong những năm vừa rồi là trên 100 tỷ USD. Các nhà kinh tế của Mỹ vẫn mong phía Việt Nam cố gắng cân bằng hơn về thương mại giữa hai quốc gia. 

Vì thế, theo ông Lực, các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam không chỉ nỗ lực để đẩy mạnh XK hàng hóa sang Mỹ mà cũng nên tăng cường nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu từ quốc gia này. Đơn cử như hãng hàng không Vietnam Airlines vừa qua đã ký kết hợp đồng khá lớn để nhập máy bay của hãng Boeing từ Mỹ về. 

“Chúng tôi đang giúp cho hãng hàng không này kết nối với phía ngân hàng của Mỹ để có được nguồn vốn tương đối tích cực, hấp dẫn và trung dài hạn nhằm tài trợ cho việc mua máy bay của Mỹ”, ông Lực nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài nhập khẩu máy bay với giá trị “tỷ đô” thì có nhiều lĩnh vực tiềm năng khác để các DN Việt nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ, như dược phẩm, thiết bị y tế, các mặt hàng liên quan đến công nghệ, năng lượng…

Tại hội thảo quy tụ những DN vừa và nhỏ ở Tp.HCM vào cuối tuần rồi để bàn về việc DN Việt nên chuẩn bị gì trước bối cảnh mới “bùng nổ” thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, Ts. Cấn Văn Lực cho biết khi sang Mỹ gặp gỡ giới chuyên gia và DN ở đây thì thấy có sự phấn khởi, hào hứng của họ trong việc quan tâm đến việc đầu tư, làm ăn với các đối tác Việt Nam. Cho nên, cần phải khẳng định quan hệ giao thương của hai quốc gia đang có nhiều tiềm năng mạnh mẽ cho các DN Việt khai thác, vấn đề còn lại là khai thác như thế nào. 

Chẳng hạn như ở mảng du lịch. Theo vị chuyên gia này, nếu như năm 2023 có khoảng 730.000 du khách Mỹ đến Việt Nam, thì trong 2- 3 năm có thể đạt con số 1 triệu du khách. Rõ ràng dư địa từ số lượng du khách Mỹ để các DN trong ngành du lịch Việt khai thác là rất lớn.

Chuẩn bị với tâm thế sẵn sàng

Còn đứng ở góc độ một DN Việt có bề dày 20 năm XK hồ tiêu và cà phê vào Mỹ, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, có lời khuyên cho các DN khác của Việt Nam khi nhắm đến XK vào Mỹ trong bối cảnh mới là cần tìm hiểu xu thế, nhu cầu thị trường, Key Players (khách hàng và đối thủ cạnh tranh chủ chốt) trong lĩnh vực của mình. 

Bên cạnh đó, theo ông Thông, để đáp ứng được yêu cầu chung từ Mỹ, các DN Việt cần đầu tư hệ thống, máy móc, quản trị chất lượng, minh bạch trong hệ thống kinh doanh, phát triển bền vững, gắn liền ESG (môi trường, xã hội, quản trị), tuần hoàn xanh. 

Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm XK các mặt hàng thực phẩm vào hệ thống bán lẻ ở Mỹ, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty TNHH TMTM, nói rằng khi đã hướng đến thị trường Mỹ đòi hỏi các DN Việt cần đánh giá năng lực của mình (gồm công nghệ sản xuất, sản lượng, tài chính…) rồi lập kế hoạch XK.

“Các DN phải suy nghĩ cho kỹ là có đủ sức để đưa chiếc thuyền mà mình đóng ra khơi xa hay không, chứ không thể nói khơi khơi được. Bởi vì các nhà bán lẻ Mỹ yêu cầu phía DN phải đảm bảo cho họ về mặt sản lượng, nếu năng lực sản xuất của DN không đủ thì sẽ khó đáp ứng”, bà Mai lưu ý.

Đơn cử như Tập đoàn bán lẻ Costco có cả ngàn siêu thị rải đều khắp các tiểu bang ở Mỹ. Theo bà Mai, một khi họ đã đặt hàng sản phẩm của DN là để phân phối cho một loạt các siêu thị, thì như vậy DN phải chuẩn bị sản lượng ít nhiều cũng phải vài chục container trong kho, rồi vài chục container nằm trên biển và vài chục container trong kho của Costco. Từ đó, DN Việt muốn kết nối với nhà bán lẻ này cần tư vấn là có đủ năng lực sản xuất của mình đã đủ hay chưa?

Hơn nữa, vị chủ tịch của Công ty TMTM nhắc thêm một điều quan trọng là những nhà bán lẻ như vậy thông thường khi họ mua hàng là 90 ngày mới thanh toán. Như thế, các DN tự đặt câu hỏi là đủ nguồn tài chính để trang trải cho hàng trăm container nằm chờ để quay vòng hay không? Và một điều quan trọng nữa là các DN cần chú tâm đến quản trị rủi ro các tiêu chuẩn đánh giá của nhà bán lẻ Mỹ (như tuân thủ pháp luật, các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, xung đột lợi ích, tham nhũng…).

Hoặc khi DN bán hàng cho các công ty thương mại ở Mỹ cũng phải tính đến vấn đề thanh toán quốc tế để không phải gặp rủi ro mất tiền, tìm hiểu kỹ về pháp lý thương mại tại quốc gia này, nhắm đúng kênh phân phối, mức thuế mà Mỹ áp dụng với ngành hàng và các đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia khác Ngoài ra, các DN cần tăng quảng bá hình ảnh, xây dựng website DN thật chỉnh chu, rồi có nhiều phương án để đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng Mỹ…

Nói chung, khi Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9/2023 thì những tín hiệu tích cực về mặt giao thương với Mỹ như trong hai tháng đầu của năm 2024 được kỳ vọng sẽ là động lực để các DN Việt tiếp tục tận dụng được các cơ hội đang mở ra, nhất là cần ở tâm thế sẵn sàng, tái cấu trúc DN một cách vững chắc để “hái quả ngọt” cùng các đối tác Mỹ.

                                                                                 Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia