CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đón cơ hội, đừng ‘say’ theo cơn sốt xuất khẩu gạo

Invest Global 09:02 03/08/2023

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ được xem là cơ hội lớn để ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc, là thời cơ không nên bỏ lỡ. Song, các doanh nghiệp lúa gạo trong nước cần tỉnh táo trước cơ hội, đảm bảo lượng dự trữ để ổn định thị trường nội địa, đồng thời đón bắt cơ hội không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian dài phía sau. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khẳng định, năm nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng tới an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, để tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Bộ NN&PTNT đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ 650.000 ha lên 700.000 ha.

Không ảnh hưởng tới an ninh lương thực

Về tình hình sản xuất lúa, ông Cường cho biết, kế hoạch gieo cấy năm 2023 là 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Sau khi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL, đến thời điểm này, Cục Trồng trọt khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt, mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

-2998-1690962215.jpg

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ được xem là cơ hội lớn để ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc.

“Với lượng dự trữ quốc gia và chỉ mất khoảng 90 ngày để sản xuất một vụ lúa thì hoàn toàn yên tâm về nguồn cung lương thực, về chỉ tiêu cũng như chớp được thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu”, ông Cường chia sẻ.

Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, xuất khẩu gạo nửa đầu năm 2023 đã có rất nhiều cơ hội, doanh nghiệp (DN) này bán ra được 200.000 tấn gạo, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022. 

“Thời cơ đến, ai cũng muốn chớp, tôi hy vọng giá gạo nửa cuối năm 2023 tiếp tục ở mức cao, còn mức tăng thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường. Với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gạo của cả nước năm 2023 có thể đạt 4 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn”, ông Bá nói.

Chia sẻ với VnBusiness, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ nhìn nhận, đây thời cơ ngàn năm có một, không nên bỏ qua để giúp ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc, định vị thương hiệu toàn cầu. Chúng ta đã từng bỏ qua các thời cơ vàng trong quá khứ như năm 2008.

Năm 2008, lượng dự trữ gạo trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, Thái Lan đã tận dụng cơ hội này xuất khẩu gạo với giá hơn 1.000 USD/tấn - mức cao hiếm có trong lịch sử

“Tôi hy vọng lần này, Việt Nam đừng bỏ qua cơ hội, bởi với kỹ thuật và trình độ canh tác, sản xuất gạo Việt Nam hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Về mặt sản xuất nông nghiệp, chúng ta đang bố trí hợp lý để đón đầu được biến đổi khí hậu và chúng ta cũng đang chọn các giống lúa ngắn ngày có thể canh tác 3 vụ/năm. Trong khi đó, Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines sẽ không làm được như Việt Nam”, ông Xuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, mấy ngày gần đây, giá gạo tăng rất cao, đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta vẫn phải “cảnh giác”. Theo đó, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg.

DN cần tính bài toán đường dài

Một số ý kiến cũng cho rằng đây là "cơ hội vàng" cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng có lẽ cần đánh giá toàn diện hơn. Trong ngắn hạn từ 6 tháng tới một năm, triển vọng là có. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024, thời tiết có thể ổn định trở lại, sản xuất gạo phục hồi và Ấn Độ có thể sẽ giải tỏa lệnh cấm xuất khẩu. Thị trường sẽ quay trở về trạng thái thông thường. 

Sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, giá lúa gạo trong nước tăng rất mạnh, biên độ 100 - 200 đồng/kg/ngày. Nếu DN đang có dư hàng thì cũng nên bán vì mức giá tương đối tốt, nhiều loại được tới 550 - 570 USD/tấn.

Tuy nhiên, thời điểm này, ông Thành chia sẻ, chỉ có DN dư hàng mới dám chào bán, còn lại đều đang tập trung mua vào, trả đơn hàng cũ: “Các DN có hợp đồng với đối tác nước ngoài cần cân nhắc bởi nguồn hàng vụ Hè Thu cũng sắp hết, giá lúa đang ở mức cao”.

Vì vậy, chuyên gia Võ Tòng Xuân khuyến nghị, ngành lúa gạo không chỉ tận dụng cơ hội trong thời điểm này, bởi biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân “bớt khổ”, còn DN cũng có cơ hội để thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.

Theo đó, ông Xuân cho rằng, DN cần thương thảo được các hợp đồng dài hạn, từ đó quay về địa phương đặt hàng với HTX, bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất ra những sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng, truy xuất được nguồn gốc.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ DN trong việc giải quyết các khó khăn về vốn, xây dựng nhà máy, đầu tư chế biến sâu. Bên cạnh đó, bà con cần phải là những người nông dân đổi mới. “Cơ hội đã tới thì phải làm sao cho hạt lúa của mình đưa ra khỏi cánh đồng là những hạt gạo vừa sạch, vừa ngon và bán được giá hơn", ông Xuân kỳ vọng.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá lúa gạo đang tăng từng ngày là cơ hội lớn cho nông dân và DN. Song, đó là với những DN xuất khẩu có tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (có liên kết, có vùng nguyên liệu rõ ràng); còn những DN không có vùng nguyên liệu thì phải chạy đôn đáo tìm nguồn mua lúa với giá đắt như hiện nay sẽ không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ vì giá hợp đồng thấp nhưng mua lúa giá cao.

Việt Nam hiện có khoảng 200 DN nằm trong top tương đối lớn về xuất khẩu gạo. Theo ông Bình, các DN Việt nên chọn lọc sản phẩm - phân khúc - thị trường theo khả năng và quy mô DN của mình, phù hợp với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn liên kết canh tác.

“Chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có sẵn. Sản phẩm phổ thông bán được nhưng giá trị không cao và đầu ra bấp bênh. Nói thật, gạo Việt Nam dù luôn xuất khẩu sản lượng lớn - đứng thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới, song có năm bán được, có năm phải giải cứu. Trong khi gạo sạch, an toàn năm nào cũng không đủ để đáp ứng cho các thị trường cao cấp, khó tính”, ông Bình lưu ý.

-6041-1690962216.png

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Với xuất khẩu gạo, ngoài sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các địa phương thì còn vai trò của các Bộ, ngành khác. Do đó, Bộ NN&PTNT vừa có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Trong Chỉ thị sẽ phân định giải pháp, trách nhiệm của các bên. Khi Chỉ thị được ban hành, chúng tôi sẽ truyền thông tới các cơ quan, các địa phương, cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành để có thể phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, tận dụng được cơ hội xuất khẩu trong tình hình mới.

-5229-1690962216.png

Ông Hoàng Trọng Thủy

Chuyên gia nông nghiệp

Việc nhận định trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu gạo là thời cơ ngắn hạn hay thời cơ dài hạn thì khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, hiện Thái Lan còn khoảng 4-5 triệu tấn gạo chưa tung ra, Việt Nam còn khoảng 2-2,5 triệu tấn gạo. Đây cũng là đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Do đó, DN cần xác định được thời điểm nào để có thể tung hàng ra. Công tác dự báo thị trường cần phải tính toán kỹ. Nắm cơ hội là cần thiết, nhưng DN cũng cần đồng thời phải bảo đảm cho cơ hội của các đơn hàng năm 2023, đầu năm 2024 và cả các năm tiếp theo.

-7902-1690962216.png

Ông Nguyễn Duy Thuận

Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời

Việt Nam có đủ nguồn cung để có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, bởi mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, trong đó tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 14 triệu tấn. Việc đảm bảo nguồn cung trong nước chưa bao giờ là vấn đề so với năng lực sản xuất của nước ta, hay nói cách khác là Việt Nam không phải lo lắng về vấn đề an ninh lương thực với lúa gạo. Chúng ta chỉ cần lo việc mình bán hết lượng sản xuất ra và  bán được giá.

Nhật Linh