CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) ngày 16/1 cho biết, GIZ cùng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (EREA) thuộc Bộ Công thương đã chính thức ký kết Thỏa thuận thực hiện dự án "Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam".
Với tổng giá trị lên đến 4 triệu EUR, dự án "Thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam" (TEV) được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Đức (BMZ).
Đại diện GIZ, ERAV và EREA ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: GIZDự án sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng bao gồm: cung cấp kinh nghiệm, bài học thực tiễn nhằm giúp Bộ Công thương nghiên cứu các giải pháp hiện thực hóa các cam kết quốc tế về năng lượng bền vững; xây dựng khung pháp lý và quy định mới, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động chuyển dịch năng lượng; trang bị kiến thức chuyên môn về công nghệ tiên tiến cho các chuyên gia và nhà quản lý, góp phần hiện đại hóa ngành năng lượng của Việt Nam.
Bà Michaela Baur - Giám đốc Quốc gia GIZ Việt Nam chia sẻ: "TEV được xây dựng trên nền tảng vững chắc của hơn 15 năm hợp tác thành công giữa Bộ Công thương và GIZ. Chúng tôi đã triển khai những dự án có tác động lớn như dự án Lưới điện Thông minh, hay dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp vừa kết thúc gần đây. Đức cam kết tiếp tục chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm để đảm bảo hỗ trợ Việt Nam đạt được tương lai năng lượng bền vững, giá cả phải chăng và đáng tin cậy”.
Dự án TEV đóng vai trò nền tảng trong hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Đức. Ngoài ra, dự án còn phù hợp với các mục tiêu của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các nước G7+, như đã được nêu trong Kế hoạch huy động nguồn lực JETP.
Đại diện ERAV và EREA khẳng định tầm quan trọng của dự án TEV đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia đang đối mặt với các thách thức về giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo. Việc hợp tác với GIZ sẽ giúp hai cơ quan tăng cường năng lực và tiếp cận những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng.
Dự án TEV được thiết kế nhằm tạo ra tác động lâu dài và toàn diện trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Dự án kỳ vọng sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực chung nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong các diễn đàn năng lượng toàn cầu.
Với cam kết từ Chính phủ Đức, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa GIZ và Bộ Công thương, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiến nhanh hơn trong quá trình chuyển dịch năng lượng, góp phần vào một nền kinh tế phát thải thấp và phát triển bền vững.
Mai Lâm
\ ' + sourceLink + ' \ \