CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tạo đột phá cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Invest Global 09:07 17/01/2025

Chiều 16/1, tại Đà Nẵng, hội thảo khoa học “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” diễn ra, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Hơn 450 đại biểu là chuyên gia tài chính trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.

(TBTCO) - Chiều 16/1, tại Đà Nẵng, hội thảo khoa học “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” diễn ra, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Hơn 450 đại biểu là chuyên gia tài chính trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.

Tạo đột phá cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: Đức Dũng

Hành trình kiến tạo trung tâm tài chính chiến lược

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là tại Đà Nẵng. Ông khẳng định, đây là dịp quan trọng để giới thiệu các định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư chiến lược.

Đà Nẵng hiện đã quy hoạch 6,17 ha đất cho khu phức hợp trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm các khu vực văn phòng, nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí. Ngoài ra, 9,7 ha đất được dành riêng để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính (Fintech), liền kề với Khu công viên Phần mềm số 2.

Về dài hạn, TP Đà Nẵng dự kiến mở rộng thêm 62 ha đất, hướng tới xây dựng một tổ hợp hoàn chỉnh và bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, Đà Nẵng hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Thành phố không chỉ sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng mà còn có cơ sở hạ tầng hiện đại như cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, khu công nghệ cao và một môi trường sống lý tưởng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, đồng thời đóng góp ý kiến về chiến lược phát triển lâu dài. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và phát triển nguồn lực.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cam kết, sẽ tập trung nghiên cứu và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị. Đà Nẵng sẵn sàng trở thành điểm sáng trên bản đồ tài chính quốc tế. Theo đó, Đà Nẵng sẽ đề xuất trung ương ban hành các chính sách vượt trội nhằm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.

Quy hoạch bài bản - Đầu tư mạnh mẽ

Ông Andy Khoo - Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings, khẳng định với vị trí chiến lược, dân số năng động, cam kết mạnh mẽ, Đà Nẵng có tiềm năng độc đáo để trở thành "trái tim" tài chính tương lai của Việt Nam.

“Với trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, chúng ta có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực” - Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings gợi mở.

Tạo đột phá cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Dũng

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đặc biệt lưu ý 5 việc cần làm sắp đến để sớm đưa 2 trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thành hiện thực.

Thứ nhất, cần xây dựng hạ tầng pháp luật thông thoáng, cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hạ tầng pháp lý.

Thứ hai, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia để vận hành, quản trị, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp liên quan TTTC.

Thứ ba, cần chuẩn bị về hạ tầng, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, môi trường sống, môi trường làm việc và hệ sinh thái kinh tế hậu thuẫn cho các trung tâm này. "Những nhân sự vận hành phải là nhân tài. Mà nhân tài chỉ sống ở nơi đáng sống. Vì vậy, môi trường sống phải rất tuyệt vời để hấp dẫn họ" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ tư, hai địa phương cần xây dựng TTTC mang nét độc đáo, đặc thù và hấp dẫn của Việt Nam như: kinh tế xanh, blockchain, fintech, sở hữu trí tuệ... theo gợi ý của các chuyên gia.

Cuối cùng, cần kết nối, thu hút truyền thông, lan tỏa thông tin về TTTC của Việt Nam đến các TTTC khác trên toàn cầu.

Tạo đột phá cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam Trao các thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Đức Dũng

"Trong tương lai gần, chúng ta sẽ có luật đủ hấp dẫn, đáng tin cậy; có hạ tầng đẳng cấp, môi trường sống hấp dẫn, cơ chế chính sách thông thoáng để 2 TTTC nhanh chóng trở thành hiện thực" - Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Chia sẻ câu chuyện thành công của Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC) và Thị trường toàn cầu Abu Dhabi (ADGM), TS. Andreas Baumgartner EMBS - Viện Metis cho rằng, có 5 yếu tố then chốt dẫn đến thành công của trung tâm tài chính quốc tế gồm định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể; môi trường quản lý và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch và đáng tin cậy; môi trường vật chất hấp hẫn; một cộng đồng sôi động và cuối cùng không kém quan trọng là sự kiên trì và xuất sắc trong thực thi các cơ chế.