CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) - Trong bài viết Hoàn thiện dự thảo quy định sàn thương mại điện tử khấu trừ thuế theo khuyến nghị của OECD trên Kinh tế Sài Gòn số 48 ra ngày 28-11-2024, tác giả đã giới thiệu các khuyến nghị của OECD về việc xác định nền tảng số thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và người bán, người mua, trên cơ sở đó góp ý cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng.
Phần tiếp theo này sẽ giới thiệu các khuyến nghị của OECD liên quan đến thời điểm xác định thuế và giải pháp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp cùng một số lưu ý khác có thể giúp cho việc hoàn thiện chính sách thuế của Việt Nam.
Thu khoảng 108.000 tỉ đồng tiền thuế thương mại điện tử sau 11 thángHoàn thiện dự thảo quy định sàn thương mại điện tử khấu trừ thuế theo khuyến nghị của OECDThời điểm xác định thuế
Trong Báo cáo về Vai trò của các nền tảng kỹ thuật trong thu thuế tiêu dùng (VAT/GST) của các giao dịch trực tuyến(1) với mục tiêu hướng dẫn thu thuế hiệu quả và khả thi thông qua các nền tảng số mà không tạo ra chi phí hành chính và gánh nặng tuân thủ không cần thiết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng một yếu tố quan trọng trong cơ chế nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (VAT) toàn diện giao cho nền tảng số là định nghĩa về thời điểm xác định thuế VAT (taxing point). Thời điểm này sẽ quyết định việc kê khai vào tờ khai của tháng nào cũng như mức thuế suất trong một số tình huống nhất định (ví dụ như giảm thuế trong một thời gian có hạn).
Quy định về thời điểm xác định thuế khác nhau có thể làm tăng tính phức tạp trong tuân thủ cho nền tảng số do họ không phải là người bán nên không có sẵn đầy đủ thông tin để xác định thời điểm này (ví dụ như thời điểm giao hàng, thanh toán...). Giải pháp khả thi cho vấn đề này là xác định thời điểm tính thuế theo thời điểm bên bán hoặc một đại diện của bên bán đã nhận được xác nhận về thanh toán. Lưu ý rằng thời điểm này không nhất thiết phải là thời điểm tiền được chuyển đi.
Ví dụ như trong thanh toán thẻ tín dụng, khi người mua nhập thông tin thẻ để thanh toán, một yêu cầu cấp phép thanh toán sẽ được gửi tới ngân hàng phát hành thẻ. Ngân hàng sẽ thực hiện các kiểm tra (ví dụ như không vượt quá hạn mức...) để cấp phép hoặc từ chối cấp phép trước khi gửi lại thông tin cho người bán để người bán gửi cho nền tảng xác nhận với người mua. Trong trường hợp này, khi sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhận được thông tin khoản thanh toán đã được cấp phép thì đã có thể khấu trừ thuế. OECD cũng khuyến nghị áp dụng giải pháp này cho việc khai thuế VAT với nhập khẩu hàng hóa giá trị nhỏ được mua bán qua nền tảng số (xem chi tiết dưới đây).
Hiện nay, Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định thời điểm xác định thuế VAT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ/lập hóa đơn dịch vụ (nội dung này đang được đề xuất luật hóa tại dự thảo Luật Thuế VAT). Các thời điểm trên thường phải căn cứ vào thực tế thực hiện hợp đồng giữa các bên mà các sàn TMĐT không có thông tin và không được yêu cầu người bán cung cấp (nằm ngoài trách nhiệm của người bán theo điều 37 Nghị định 52/2023/NĐ-CP). Do đó, nếu dự thảo Luật Quản lý thuế không có quy định đặc thù, các sàn TMĐT sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xác định thời điểm tính thuế.
Để đơn giản hóa tính toán, hỗ trợ cho các sàn TMĐT thực hiện vai trò thu thuế, cần quy định ngay tại dự thảo Luật Quản lý thuế hoặc Luật Thuế VAT, hoặc giao quy định chi tiết vấn đề thời điểm xác định thuế theo khuyến nghị của OECD. Đặc biệt, với giới hạn áp dụng cho các giao dịch được thanh toán qua sàn như dự thảo luật, các sàn TMĐT sẽ có được thông tin về thời điểm thanh toán được xác nhận để tính thuế.
Hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp
Báo cáo “2015 BEPS Action 1 Report”(2) của OECD nhận định ngưỡng miễn thuế VAT (de minimis threshold) đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp (hiện đang được áp dụng tại nhiều quốc gia) làm giảm thu thuế VAT và tăng nguy cơ cạnh tranh không công bằng với người bán trong nước. OECD cho rằng việc cải thiện hiệu suất thông quan và thu thuế VAT nhập khẩu đối với nhóm hàng này có thể cho phép các quốc gia giảm hoặc loại bỏ ngưỡng miễn thuế. Cụ thể, một giải pháp tiềm năng là giao trách nhiệm thu và nộp thuế VAT cho các nền tảng số. Sự tham gia của các nền tảng này không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí thu thuế mà còn cho phép cơ quan hải quan tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng khác.
Theo mô hình truyền thống, thuế VAT của hàng hóa nhập khẩu được tính tại thời điểm nhập khẩu, tức tại cửa khẩu, cùng với thủ tục hải quan. Do đó, một yếu tố quan trọng được OECD cân nhắc nếu áp dụng cơ chế nghĩa vụ VAT toàn diện với nền tảng số là đảm bảo tính tương thích vận hành với các quy trình hải quan.
Với nhập khẩu hàng hóa giá trị thấp, OECD cũng khuyến nghị xác định thuế tại thời điểm có xác nhận thanh toán, tức trước khi hàng hóa được giao đến. Cách tiếp cận này cũng đồng bộ với Khung Tiêu chuẩn về TMĐT xuyên biên giới của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), giúp dịch chuyển việc thu thuế ra cách xa biên giới. Khi đó, hàng hóa giá trị thấp đã được nộp thuế trước, khi đến cửa khẩu sẽ không phải nộp thuế tại cửa khẩu nữa. Điều kiện là hàng hóa đó phải kèm theo các hồ sơ chứng minh đã nộp thuế.
Hiện nay, Việt Nam quy định thuế VAT nhập khẩu được xác định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, kê khai trong tờ khai hải quan và nộp cho cơ quan hải quan. Dự thảo luật Quản lý thuế không loại trừ nghĩa vụ của sàn TMĐT đối với hàng hóa nhập khẩu, đồng nghĩa với việc có thể sàn TMĐT phải thực hiện khai hải quan khi nhập khẩu (hiện nay do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thực hiện). Chính phủ cũng đang dự kiến bãi bỏ mức hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế VAT tại Quyết định 78/2010/QĐ-TTg.
Như vậy, nghĩa vụ khai thuế của sàn TMĐT là khá nặng nề do hàng hóa giá trị thấp thường có số lượng rất lớn. Để tạo thuận lợi cho sàn TMĐT, dự thảo Luật Quản lý thuế nên cân nhắc quy định thời điểm xác định thuế như đề xuất ở trên của OECD. Trường hợp chưa đủ điều kiện để thực hiện như vậy thì xem xét thực hiện theo quy định hiện hành.
Một số lưu ý khác
Ngoài các vấn đề trên, OECD cũng khuyến nghị một số vấn đề cần cân nhắc trong xây dựng chính sách liên quan đến cơ chế nghĩa vụ thuế VAT toàn diện đối với nền tảng số.
Thứ nhất, xác định rõ nghĩa vụ của người bán, nhất là trong mối quan hệ với nền tảng số khi thuế VAT được thu bởi nền tảng số. Trong trường hợp việc tính thuế phải dựa trên các thông tin mà sàn TMĐT không có và không được tiếp cận, cần bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người bán cho sàn và trách nhiệm của người bán nếu cung cấp thông tin sai. Đồng thời, người bán vẫn phải có nghĩa vụ lập hoá đơn cho khách hàng và các nghĩa vụ khác về thuế theo quy định (ví dụ như kê khai hoàn thuế nếu tổng doanh thu thực tế cả năm dưới ngưỡng chịu thuế). Bên cạnh đó, người bán còn bán hàng tại cửa hàng vật lý thì phải tự kê khai với phần doanh thu này(3).
Thứ hai, cần thúc đẩy việc tuân thủ bằng việc giới hạn các nghĩa vụ của nền tảng số chỉ ở mức tối thiểu cần thiết, bao gồm cả về đăng ký thuế và khai, nộp thuế. Điều này đặc biệt quan trọng với các nền tảng không cư trú (ví dụ như Temu cho đến thời điểm này). Khi quy trình tuân thủ quá phức tạp, việc áp dụng có thể dẫn tới rủi ro không tuân thủ hoặc việc các nền tảng từ chối phục vụ khách hàng tại Việt Nam (ví dụ như việc Temu tạm dừng các đơn hàng trên 1 triệu đồng). Các cơ quan chính phủ cũng được khuyến khích tìm hiểu kỹ lưỡng để đạt được hiểu biết sâu sắc về chức năng của các nền tảng (lưu ý mô hình kinh doanh đa dạng của các nền tảng) cũng như năng lực thực hiện của các nền tảng để thiết kế được một cơ chế phù hợp, khả thi.
Thứ ba, cân nhắc các nguyên tắc giới hạn rủi ro tuân thủ cho các nền tảng đã hành động thiện chí và có các nỗ lực hợp lý để đảm bảo tuân thủ, đặc biệt là liên quan tới các thông tin mà các nền tảng dựa vào đó để tính thuế. Các thông tin này có thể phải thu thập từ người bán, người mua, từ bên thứ ba (trung gian thanh toán, đơn vị vận chuyển...). Khi đó, nếu các nền tảng đã thực hiện các quy trình thẩm định phù hợp, cần có quy định giảm nhẹ hoặc loại bỏ trách nhiệm pháp lý với hành vi kê khai sai, nộp thuế thiếu mà nguyên nhân xuất phát từ thông tin không chính xác được cung cấp từ bên khác.
Tổng kết lại, phát huy vai trò của nền tảng số trong thu thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí và tăng tuân thủ. Tuy nhiên, cần có một cơ chế đơn giản hóa, đặc biệt đối với nền tảng số nước ngoài, để tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho các nền tảng. Đồng thời, cần có một lộ trình hợp lý để các nền tảng đầu tư vào công nghệ và con người nhằm thực hiện vai trò mới này cũng như để các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và cập nhật các hệ thống khai thuế/hải quan.
(1) OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, https://www.oecd.org/en/publications/2019/06/the-role-of-digital-platforms-in-the-collection-of-vat-gst-on-online-sales_3896ff29.html (2) OECD (2015), Addressing the Tax Challenges of the Digital Economy, Action 1-2015 Final Report, https://www.oecd.org/en/publications/2015/10/addressing-the-tax-challenges-of-the-digital-economy-action-1-2015-final-report_g1g58cdd.html(3) Theo đó, các quy định về quản lý thuế, đặc biệt là Thông tư 40/2021/TT-BTC, cần phải sửa đổi cho phù hợp.