CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hết dịch Covid-19, tỷ giá sẽ ổn định trở lại?

Invest Global 15:37 22/03/2020

(TBKTSG Online) – Tiền đồng trong tuần qua có những chuyển biến mới trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng nhiều chuyên gia tin rằng mọi chuyện vẫn diễn ra trong tầm kiểm soát, với mức dự báo biến động trong khoảng 1-2%.

'Cơn sóng' tỷ giá tạo áp lực lên tiền đồng theo diễn biến Covid-19

Hình minh họa. Nguồn: TTXVN

Trong tuần qua, tỷ giá ghi nhận đợt tăng giá mới. Theo đó, hàng loạt các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá niêm yết đồng đô theo hướng tăng lên.

Chẳng hạn như ở Vietcombank, tỷ giá chiều bán ra vào cuối tuần (ngày 20-3) lên đến 23.530 đồng/đô la, tăng so với mức 23.310 đồng/đô là vào đầu tuần. Tương tự, ở Eximbank, tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng 1,16% so với cuối tuần trước đó, lên mức 23.540. Trong khi đó, mức giao dịch phổ biến vào tuần đầu tiên của tháng 3 là quanh mốc 23.250 đồng/đô la, theo số liệu của NHNN.

Diễn biến tương tự là tỷ giá trung tâm sau nhiều đợt điều chỉnh tăng của NHNN. Riêng phiên giao dịch hôm thứ Sáu, tỷ giá trung tâm đã tăng 10 đồng, lên mức 23.252 đồng/đô la, cao hơn so với mức 23.224 vào cuối tháng 2.

Đáng chú ý là trên thị trường phi chính thức, tỷ giá cũng được ghi nhận tăng lên với mức giãn rộng đáng kể so với tỷ giá niêm yết.

Theo Công ty chứng khoán SSI, mức chênh lệch giữa tỷ giá mua vào và bán ra của ngân hàng thương mại, giữa thị trường tự do và tỷ giá ngân hàng cũng giãn rộng, thể hiện tâm lý bất ổn gia tăng, dù cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định.

Trên thực tế, tỷ giá đã chịu áp lực ngay từ đầu tháng 2. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 2, thì tỷ giá đã nhích tăng 0,27%, nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá vào cuối năm 2018. “Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019”, báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 2 của SSI nhận định.

Kỳ vọng giảm giá tiền đồng tăng lên sau sự bùng phát của dịch Covid-19. Nguồn: Refinitiv, HSBC.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay tiền đồng tăng khoảng 1,3-1,5% nguyên nhân chủ yếu là vì đồng đô la tăng giá mạnh trên thế giới, do trở thành kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về dịch bệnh.

Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số Dollar Index giao ngay (đo lường sức mạnh của đồng đô la so với 6 ngoại tệ khác) vào ngày 20-3 đạt 102,817 điểm, tăng gần 8,4% so với thời điểm ngày 9-3 vừa qua, trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất và đưa ra các gói bơm tiền, nhưng thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa đồng loạt rớt điểm mạnh cho đến nay.

“Mức tăng giá tiền đồng hiện nay chỉ trong ngắn hạn. Chỉ khi nào lên đỉnh dịch thì sẽ xuống, sau đó có vắc xin thì niềm tin doanh nghiệp sẽ trở lại. Nền kinh tế hồi phục lại thì thì trường hàng hóa sẽ tăng lên, khi đó tỷ giá sẽ ổn định trở lại”, ông Tín bình luận.

Mới đây, trong báo cáo cập nhật tình hình báo cáo mới đây của HSBC cũng dự báo rằng tỷ giá năm 2020 sẽ tăng khoảng 1,2%, ở mức 23.450 đồng/đô la.

Tương tự, SSI đưa ra dự báo tỷ giá nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%. Theo các chuyên gia phân tích thìrằng chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của tiền đồng vì các công cụ hỗ trợ vẫn còn nhiều, vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành.

Trong khi đó, đại diện NHNN mới đây cũng cho biết hiện cơ quan này đủ nguồn lực, công cụ và các phương án cần thiết để duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết.