CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Làm ăn với thị trường EU: 'Nhập gia tùy tục, nhập giang tuỳ khúc "

Invest Global 14:28 20/06/2020

Làm ăn với thị trường EU trước EVFTA đã khó, nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực các DN càng phải chú ý tới chuyện "nhập gia tùy tục" nếu muốn lâu dài. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu cách thức làm ăn của đối tác, tìm hiểu kỹ những quy định chung của EU và pháp luật mỗi quốc gia EU... để tránh những rủi ro pháp lý.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu quy định của EU, của pháp luật mỗi quốc gia EU và về tập quán thương mại của đối tác để tránh rủi ro pháp lý.

Đây là thông điệp mà các chuyên gia muốn gửi tới các doanh nghiệp Việt tại Hội thảo Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh, các luật sư đến từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA đang mở ra con đường sáng cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, làm ăn với thị trường EU không dễ, bởi đây là thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính, đang thay đổi vì Covid-19.

Thị trường EU đang thay đổi vì đại dịch

Theo đán giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) sẽ cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong sân chơi mới, các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới.

Các chuyên gia lưu ý, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường EU đang thay đổi theo hướng quy định chặt chẽ và khắt khe hơn về hàng rào kỹ thuật (TBT), hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS)…

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI nói rằng, ngoài việc siết chặt những điều kiện trên, người tiêu dùng tại thị trường này cũng “khó tính” khi chỉ lựa chọn những sản phẩm đạt chỉ tiêu quốc tế, đạt các tiêu chuẩn điều kiện về lao động, đạo đức, văn hóa…

Hơn nữa, những thay đổi về nhu cầu thị trường, như tổng cầu trước mắt sẽ yếu hơn, về lâu dài thì cũng phục hồi chậm, Ngoài ra, tiêu chí lựa chọn, kiểm soát hàng hóa của người tiêu dùng có thể thay đổi…

Từ những phân tích trên các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải “tìm lời giải” cho những yêu cầu đó thì mới có thể tận dụng tốt EVFTA trong bối cảnh Covid-19.

Dưới góc nhìn của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thì, doanh nghiệp Việt khi tham gia vào EVFTA cơ hội là rất lớn, nhưng song hành cũng là những rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế nếu doanh nghiệp không có sự phòng ngừa.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, khi doanh nghiệp Việt Nam tiến vào các thị trường mới mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tìm hiểu về các thông lệ của thị trường là vấn đề rất quan trọng.

“Thị trường EU đã hình thành lâu đời với thói quen, tập quán thương mại hàng trăm năm tuổi, thậm chí trở thành các chuẩn mực thương mại của một số ngành nghề. Nên doanh nghiệp cần hiểu biết về thông lệ khi thỏa thuận về việc giao nhận ngoại thương, thói quen sử dụng luật sư khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng hay thói quen sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp…”, ông Huỳnh lưu ý.

Hoá giải thách thức như thế nào?

Từ góc nhìn chuyên môn, ông Đặng Việt Anh, Luật sư Công ty Luật tư vấn độc lập đã chỉ ra một số lưu ý giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế vào thị trường châu Âu. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau các vụ việc liên quan tới tranh chấp hợp đồng xuất khẩu tôm; giao nhận ngoại thương qua vận tải biển quốc tế....

Cũng như quan điểm của nhiều đại biểu là các chuyên gia pháp lý tại hội thảo , ông Đặng Việt Anh kết luận, trong bối cảnh hiện nay, để "nhập gia tùy tục", các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu cách thức làm ăn của đối tác; tìm hiểu kỹ những quy định của EU, của pháp luật mỗi quốc gia EU cụ thể và về tập quán thương mại của đối tác.

Trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp cần có sự chủ động tham vấn luật sư vê hợp đồng mua bán, giúp phòng tránh rủi ro pháp lý và để xử lý tốt những tranh chấp phát sinh nếu có. Trong trường hợp xấu, các doanh nghiệp nên có sự lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp phù hợp và tham gia quá trình giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Trong khi đó, cũng nói về những thách thức của EVFTA, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề “tiêu dùng xanh”, sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế.

Hơn nữa, Covid-19 cũng như “chất xúc tác” cho công nghệ số, nên doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin…

Đưa ra lưu ý thêm doanh nghiệp Việt Nam, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến “nguồn lực” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương. “Vấn đề là bản thân doanh nghiệp đã thực sự dành sự quan tâm tìm hiểu, thực sự chủ động thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập hay chưa”, TS Thành kết luận.

Thanh Hoa