CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Làm gì để tiến lên ‘nấc thang’ cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Invest Global 08:25 26/10/2022

Khi những lợi thế về đất đai, nguồn nhân công giá rẻ không còn, thì cách duy nhất là doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao năng lực, trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đầu tư vào Việt Nam từ đầu những năm 1990, ông Yoon Chang Woo, Tổng giám đốc POSCO Việt Nam, chia sẻ những lợi thế mà doanh nghiệp cân nhắc ở thời điểm đó là lực lượng lao động dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, địa thế có thể thực hiện lưu thông hàng hóa thuận tiện, cơ sở hạ tầng như điện, nước và sự ổn định chính trị… Trong đó, nhận thấy nguồn nhân tài trẻ dồi dào và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, POSCO đã đi đến quyết định đầu tư.

Nguồn lao động giá rẻ dần mất đi

Tuy nhiên, một số vấn đề thực tiễn đang cho thấy lợi thế về nguồn nhân lực có thể suy giảm. Cụ thể đánh giá về trường hợp của các địa phương miền Nam, cho tới thời điểm hiện tại, POSCO cho rằng có vẻ như vẫn chưa có ảnh hưởng đáng kể từ nguồn cung nhân lực hoặc cơ sở hạ tầng chủ chốt. Thế nhưng trong tương lai, trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư, có sự lo ngại rằng các điều kiện đầu tư có thể xấu đi do hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

-8718-1666687760.jpg

Đổi mới và sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ngay cả hiện tại, đối với trường hợp khu vực miền Bắc, nơi có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư với quy mô lớn, đã phát sinh những phản ánh từ các doanh nghiệp về việc nguồn nhân lực cung cấp đang bị thiếu hụt. Điều này cho thấy trong tương lai, đã đến lúc cần các ngành thâm dụng công nghệ kỹ thuật tiến vào Việt Nam.

Đồng thời, thực tế cho thấy, những doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung Electronics, LG Electronics… đều đã hội tụ xúc tiến vào Việt Nam. Đây đều là doanh nghiệp từ những ngành công nghệ thâm dụng kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể cung cấp các bộ phận linh kiện chất lượng cao nhất cho Samsung Electronics và LG Electronics, vậy nên tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các bộ phận linh kiện vẫn đang nhập phụ thuộc nhập khẩu.

“Nếu Việt Nam muốn thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và cao cấp nhất, từ nhận định của tôi, thiết nghĩ Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghiệp phụ tùng, kèm theo đó là sự hỗ trợ về chính sách đi kèm”, vị đại diện POSCO chia sẻ và bày tỏ mong muốn, nếu có cơ hội trong tương lai, POSCO cũng có thể tiến tới cân nhắc đầu tư vào lĩnh vực nguyên vật liệu sử dụng cho xe ô tô điện như nguyên liệu pin lưỡng cực, âm cực, ứng dụng như pin xe ô tô điện, hoặc phát triển thép điện, mỏ đất hiếm, nam châm vĩnh cửu…

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ về 25 năm hoạt động, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Tập đoàn THACO, cho hay từ khởi đầu là doanh nghiệp sản xuất ô tô đến nay THACO đã thành tập đoàn đa ngành, từ lắp ráp và sản xuất ô tô, sản xuất thiết bị cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đến nông nghiệp…mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với lộ trình nhanh và phù hợp. THACO ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ phù hợp, tiến hành đầu tư, vận hành nhà máy thông minh, đầu tư công nghệ số…

Đừng để đi sau, đi chậm

Để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, vị lãnh đạo THACO đánh giá, hoạt động đổi mới cần đầu tư nhiều hơn, không chỉ nội tại doanh nghiệp, mà còn là chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Trước những thách thức trên, được biết Bộ KH&ĐT đã phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 với chủ đề: Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, tăng cường thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong khi đó chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Muốn vậy, Việt Nam phải qua “bẫy” thu nhập trung bình. Hiện nay, cả thế giới chỉ có 12 quốc gia làm được điều này. Vậy làm sao để chúng ta vượt qua được?

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng con đường duy nhất, cơ hội duy nhất bắt kịp cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để giúp Việt Nam đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên ở nấc thang cao hơn. Trên cơ sở đó giúp Việt Nam vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình, xây dựng nền kinh tế có tính thích ứng, khả năng chống chịu cao hơn.

Từ nhận thức đó, Việt Nam đã tập trung xây dựng thể chế, chương trình hành động cụ thể để triển khai đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khảo sát các doanh nghiệp hiện nay cho thấy có 2 khó khăn nổi lên khi ứng dụng đổi mới sáng tạo, đó là hơn 60% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và công nghệ; 52% doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân lực. Đây là những thách thức cần sự nỗ lực từ phía Chính phủ và doanh nghiệp để hóa giải. 

Tuy vậy, người đứng đầu ngành KH&ĐT lưu ý: “Có câu nói nếu chúng ta là người thứ hai leo lên đến mặt trăng hay đỉnh Everest thì sẽ không còn ý nghĩa, bởi người ta chỉ nhớ đến người đầu tiên. Hay ở Việt Nam cũng có câu nói rằng, đừng tặng nhau cành đào sau Tết vì không còn ý nghĩa. Điều này cho thấy việc đổi mới, sáng tạo là phải làm nhanh, nếu chậm thì sẽ mất cơ hội”.

Nhật Linh