CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng thị trường tín chỉ carbon khi vận hành sẽ đem lại cơ hội gia tăng thu nhập cho mình hoặc cho các đối tác. Còn giới chuyên gia nhấn mạnh các tiêu chuẩn nhất quán, minh bạch, công bằng và đạt chuẩn dữ liệu…sẽ là động lực giúp nền kinh tế đạt mục tiêu Net-zero.
Sau tín chỉ carbon, liệu có còn tín chỉ nào khác?Thị trường tín chỉ carbon rừng: Tiềm năng trước mắt nhưng thực hiện còn xaThương mại hóa tín chỉ carbon và những chuyển động đầu tiên trên thực tếThị trường carbon lúa phát thải thấp đang chờ hoàn thiện chính sách. Ảnh: Trung ChánhSớm có thị trường giao dịch
Trong thời gian gần đây, thị trường tín chỉ carbon lại rộ lên thông tin mới, đi cùng những kỳ vọng của doanh nghiệp về việc “đóng gói” những nỗ lực giảm phát thải của mình để kiếm thêm thu nhập, đặc biệt là sau những thành công của câu chuyện bán tín chỉ rừng với World Bank mới đây. Thế nhưng, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp cho hay vẫn “mò mẫm” trong bối cảnh các giao dịch chủ yếu đến từ nước ngoài và thị trường vẫn thiếu vắng những cơ sở pháp lý.
Theo TS. Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ tại hội thảo “Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG – Làm gì, từ đâu?” do Báo Dân Trí tổ chức hồi cuối tháng 8 vừa qua, thực tế hiện nay các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon chưa có hành lang pháp lý dù được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn như các doanh nghiệp ngành lúa thì quyền sở hữu tín chỉ carbon sẽ thuộc về ai? “Các bộ ngành đang rất nỗ lực vì chúng ta chậm chân rồi”, ông Minh nói về đề án xây dựng thị trường tín chỉ carbon hiện đang được lấy ý kiến.
Tại một cuộc họp gần nhất vào giữa tháng 8 của Chính phủ, dự thảo mới nhất của Đề án này cũng nhắc đến việc xây dựng hai thị trường, trước mắt là câu chuyện hạn ngạch của một số doanh nghiệp phát thải, sau nữa là thí điểm thị trường tín chỉ carbon trong giai đoạn 2025-2027 và kỳ vọng đi vào thực tế vào năm 2028.
Trong khi chờ đợi hành lang pháp lý của thị trường giao dịch bắt buộc, thực tế thị trường tự nguyện – tức các doanh nghiệp tự mua bán tín chỉ vẫn đang vận hành tại Việt Nam. Nhưng đặc điểm chung là chủ yếu có liên quan đến các nhà môi giới, tư vấn hay sàn quốc tế. Bởi thế nên có không ít doanh nghiệp nội liên tục đặt câu hỏi: làm thế nào để bán và bán tín chỉ carbon ở đâu mới được?
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), một công ty nội ra mắt thị trường vào tháng 9-2023 cho biết, thực tế từ năm 2018 Việt Nam bắt đầu manh nha xuất hiện các tín chỉ carbon nhưng số lượng chưa nhiều, truyền thông chưa quan tâm còn doanh nghiệp làm dự án cũng không có nhu cầu thông tin rộng rãi.
Còn đến nay, nguồn cung tín chỉ vẫn ở mức hạn chế. Cộng lại tất cả tiêu chuẩn tự nguyện thì khoảng từ 4-6 triệu tín chỉ mỗi năm với số lượng khoảng dưới 100 dự án.
Thực tế cũng có những dự án không hẳn là chủ đầu tư mà các quỹ liên quan tín chỉ carbon quốc tế chủ động tài trợ dự án để lấy một phần tín chỉ, đa phần từ châu Âu. Ngoài các dự án về năng lượng tái tạo thì các dự án cộng đồng được nhắc đến nhiều. Trong số này có thể kể như dự án bếp cải tiến (thay thế cho than truyền thống để giảm phát thải), hay thiết bị lọc nước bằng gốm, hay dự án cấp 2 triệu bóng đèn led thay thế cho các bóng đèn dây tóc giúp giảm tiêu thụ điện.
Có thể nhận thấy có thể dễ nhận thấy đa phần các dự án cộng đồng lại dễ tạo ra tín chỉ carbon, ngược lại các hoạt động của doanh nghiệp thì rõ ràng phức tạp hơn nhiều.
Một điểm nữa là trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang “mò mẫm” thì thị trường này chủ yếu sân chơi là các công ty FDI vốn có kế hoạch chung từ tập đoàn mẹ. Vấn đề là họ sẽ tập trung vào doanh nghiệp công nghệ giảm phát thải trong nội tại, sau đó mới suy nghĩ đến việc mua tín chỉ, ông An cho biết thêm về bối cảnh thị trường.
Cần tiêu chuẩn nhất quán và minh bạch
Theo ông Minh, khảo sát của Ban IV cho thấy có 50% doanh nghiệp nói gặp khó về vốn, 48% là vấn đề nhân sự và 46% là giải pháp kỹ thuật để giảm phát thải. Đây là những con số đáng quan tâm bên cạnh câu chuyện vấn đề pháp lý. Điều này đồng nghĩa ngoài việc xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon, các cơ chế chính sách hỗ trợ cũng phải tính toán đến những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.
Từ phía doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là câu chuyện của chi phí. “Quá trình từ việc lập đề án cho đến nộp hồ sơ, thực hành làm thực, từ bước đầu tiên đến phát hành tín chỉ không phải ngắn. Có thể trên 1 năm, 2 năm, hay dự án rừng quy mô lớn thì mất 3-4 năm”, ông An nói.
Tương tự, ông Phạm Hải Âu, Giám đốc, Dịch vụ tư vấn quản lý rủi ro, Công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam, cho rằng thách thức lớn nhất với doanh nghiệp là việc xác minh sự hình thành tín chỉ carbon. Sau khi nộp đơn đăng ký theo cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, doanh nghiệp sẽ cần bên thứ 3 xác minh. Thêm nữa, chi phí xác minh các khoản tín chỉ carbon này không hề rẻ và khó khăn về phương pháp luận.
“Những hạn chế về mặt kỹ thuật dẫn đến số lượng tín chỉ carbon được hình thành ở Việt Nam rất thấp, đặc biệt đối với các dự án liên quan đến tín chỉ carbon rừng. Việc chấp nhận đầu tư và bỏ ra khoản vốn lớn cũng khiến nhiều doanh nghiệp e dè”, ông Âu đánh giá.
Để xây dựng thị trường tín chỉ carbon, theo ông An, về mặt chính sách, cho dù là thị trường bắt buộc hay tự nguyện, cũng cần đảm bảo 3 yếu tố. Một là sự minh bạch, hai là khoa học và thị trường vận hành số hóa, tự động, không có can thiệp quá nhiều về mặt con người
Mục tiêu của ba yếu tố này nhằm tuân thủ đúng cam kết của Việt Nam với thế giới, tuân theo các điều kiện quốc tế, đồng thời sự minh bạch cũng góp phần giảm những vấn đề “tẩy xanh”, tức hành vi gian dối trên thị trường. “Bản chất thị trường là những cá nhân, đơn vị giảm phát thải, tốt cho cộng đồng thì phải được trả công xứng đáng, còn chưa tốt thì buộc phải trả tiền. Đó là sự công bằng”, ông An nói.
Còn ông Âu cũng lưu ý việc thiếu các nguyên tắc thống nhất và được chấp nhận rộng rãi trong việc tính toán trợ cấp carbon có thể khiến cho doanh nghiệp bối rối, không có định hướng rõ ràng hoặc thiếu so sánh với doanh nghiệp khác trong thị trường.
Ngoài ra, các quy định bắt buộc phải báo cáo hoặc yêu cầu chứng nhận khác có thể làm tăng chi phí hành chính và giao dịch. “Thị trường carbon quốc gia có thể đối mặt với thách thức lớn là độ tin cây dữ liệu”, ông Âu đánh giá.
Thị trường tín chỉ carbon trên thực tế chỉ là một phần trong câu chuyện phát triển bền vững, trong định hướng ESG được nhiều bên nhắc đến gần đây. Tín chỉ carbon được đánh giá là một nguồn thu hỗ trợ đáng kể nhưng doanh nghiệp cũng nên hiểu đây không phải là “cây đũa thần” cho lộ trình phát triển bền vững.
“Tín chỉ carbon nên được xem là thước đo cho việc thực hành ESG của doanh nghiệp”, ông An nêu quan điểm. Vị này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trước hết cần xác định mình đang ở đâu, đi từ câu chuyện kiểm kê khí nhà kính, rồi từ đó mới cần có chuyên gia tư vấn độc lập, thực sự để xây dựng chiến lược, có mục tiêu và phải thông suốt từ đội ngũ nhân sự.
Theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) về chính sách thị trường carbon trong tọa đàm hồi tháng 3, nhóm nghiên cứu đề xuất TPHCM nên là địa phương thí điểm các chính sách, vì Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Báo cáo cũng cho biết mặc dù việc hình thành thị trường carbon vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005 với tổng số tín chỉ carbon (VCCs) ban hành đạt gần 30 triệu.
Bên cạnh Cơ chế CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Theo cơ sở sở dữ liệu của Dự án Carbon Berkeley, tính đến nay Việt Nam có 71 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 53 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ đươc phát hành lần lượt là 7.573.843 và 4.256.407.
Ngoài ra, một số dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế của hội đồng carbon toàn cầu (GCC). Các dự án phát hành các tín chỉ carbon tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió), hộ gia đình và cộng đồng (phân huỷ sinh học, nước sạch, bếp nấu, chiếu sáng), quản lý rác thải và rừng.