CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ông Luân cho biết, rong biển là ngành hàng đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng, do quy mô thị trường thương mại toàn cầu dự kiến sẽ được mở rộng với tốc độ khoảng 10,8%/ năm.
Theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu lương thực của con người sẽ tăng 70%, tương đương 5,4 nghìn triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực của ngành nông nghiệp để duy trì nhu cầu này bị hạn chế do thiếu đất, nước ngọt và đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Trong khi canh tác rong biển được đánh giá là thân thiện với môi trường, do chúng có khả năng hấp thụ CO2 nhanh hơn 5 lần so với cây cối, đây là đối tượng thủy sản có vòng đời ngắn, sản lượng sinh khối cao, có khả năng tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Đó là lý do giải thích tại sao hoạt động trồng rong biển lại được quan tâm nhiều hiện nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó, định hướng phát triển gần bờ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình phát triển sản xuất rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng; vùng xa bờ có nhiều phương thức phát triển hơn, rong biển có thể nuôi đơn hoặc nuôi kết hợp với tôm, cá, nhuyễn thể có giá trị cao.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu sản xuất 500.000 tấn rong biển giai đoạn 2025 – 2030, phát triển vùng trồng lên đến 900.000 ha không dễ để đạt được. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Ở Việt Nam hiện nay có hơn 800 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính là rong sụn, rong nho và rong câu. Diện tích có tiềm năng trồng rong biển của cả nước khoảng 900.000 ha. Năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn, tập trung ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang…
Ngành hàng rong biển của nước ta còn nhiều cơ hội, dư địa để phát triển như thị trường thế giới tăng trưởng khoảng trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2 rong biển gấp 5 lần thực vật trên cạn, đây là cơ hội tốt để chúng ta có thể bán tín chỉ carbon. Hiện nay, xu thế sử dụng thực phẩm sạch, xanh ngày càng được người tiêu dùng hưởng ứng, trong đó rong biển là loài thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng cả về thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm…
Chúng ta thấy diện tích nuôi trồng lớn, rong phân bổ tự nhiên rất nhiều ở các vùng biển. Với điều kiện tự nhiên và phát triển vùng trồng rong, tảo biển hoàn toàn thuận lợi.
Việc chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển vùng trồng lên đến 900.000 ha hoàn toàn khả thi. Có những khu vực phải tính toán đến việc chỉ trồng rong và khai thác rong, nhưng rất nhiều khu vực rong kết hợp với các biến thể khác để phát huy giá trị rong cao hơn.
Việc phát triển nguyên liệu vùng trồng rong biển hướng tới mục tiêu bán tín chỉ carbon.
Mục tiêu lớn nhất khi nuôi trồng rong biển được đặt ra là bán tín chỉ Carbon. Theo ông hướng đi này cần phải đặt ra như thế nào ngay từ thời điểm này?
Chúng ta thấy rằng việc bán tín chỉ carbon từ các trang trại nuôi trồng rong một số doanh nghiệp và các nước trên thế giới đã đề cập tới. Khi khu vực nuôi trồng rong phát triển lên một diện tích nhất định chúng ta sẽ phải tính đến phương án đồng hành với các tổ chức quốc tế để tính toán việc bán tín chỉ từ việc trồng rong.
Đây là một việc làm rất khả thi. Khi đặt vấn đề với các tổ chức quốc tế họ thấy rằng việc làm này là điều cần thiết và có thể làm được, họ cũng mong muốn làm giúp cho người dân có đời sống tốt hơn và đặc biệt thúc đẩy phát triển mô hình rong để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Có thể thấy nuôi biển là chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp, mới đây có hai hội nghị rất quan trọng về việc phát triển vùng trồng rong ở Quảng Ninh và Kiên Giang. Ông đánh giá như thế nào về tiến độ thực hiện và giải pháp về việc giao mặt biển cho người dân để họ chủ động trong việc nuôi trồng, thưa ông?
Trước khi Quốc hội thông qua quy hoạch không gian biển và tài nguyên biển chúng ta thấy còn khó khăn nhưng đến thời điểm này đã “thông”, đây là điều kiện tốt để địa phương thúc đẩy nhanh cho các địa phương giao khu vực mặt biển cho người dân nuôi trồng thủy sản.
Bộ Nông nghiệp luôn nhắc nhở các địa phương trong vùng biển đã ghi sẵn ranh giới thẩm quyền quản lý ( từ 0-3 hải lý của huyện quản lý; 3-6 hải lý thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh) phải tích cực rà soát, quy hoạch không gian để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng.
Điều quan trọng nhất là các địa phương nên đẩy nhanh tiến độ và sự phối hợp giữa cơ quan nông nghiệp và tài nguyên môi trường ở địa phương được chặt chẽ để tham mưu cho UBND tỉnh giúp cho việc nuôi biển được nhanh hơn.
Đơn cử, năm 2020, Kiên Giang đã bắt đầu thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững. Qua gần 4 năm triển khai đề án, tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu như số lượng lồng bè trên biển tăng lên 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020-2023 là 1,65%/năm.
Rõ ràng với kết quả so với tiềm năng lợi thế rất lớn của Kiên Giang, kể cả Quảng Ninh cũng còn rất chậm.
Theo ông giải pháp nào vừa phát triển bền vững vùng trồng mà vẫn đáp ứng được sinh kế cho bà con?
Tôi cho rằng nếu UBND cấp huyện muốn chuyển đổi, bà con có thể giao mỗi hộ 1ha không thu tiền, hoặc gom hết các hộ để quy hoạch thành vùng trồng hàng trăm ha thì có thể mở rộng hơn nữa cho bà con có sinh kế. Còn từ 3-6 hải lý thì thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp nuôi trồng có quy mô lớn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, nước ta phát hiện có 887 loài rong tự nhiên, trong đó có 88 loài có giá trị kinh tế, với 3 nhóm loài chính, gồm rong sụn, rong câu, rong nho. Khu vực biển miền Trung có số lượng loài rong biển phân bố nhiều nhất với 310 loài; tiếp đến là khu vực biển miền Nam tìm thấy 221 loài; vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ đã xác định được 218 loài rong biển tự nhiên.
Nghiên cứu tại các đảo tiền tiêu của nước ta, ghi nhận được 375 loài rong biển thuộc 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Lam có 16 loài, ngành rong Đỏ có 193 loài, ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục có 94 loài.
Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý (Bình Thuận) 136 loài, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 112 loài, 3 đảo gồm: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nam Du (Kiên Giang) cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn ghi nhận 81 loài, Cô Tô (Quảng Ninh) ghi nhận 79 loài và Vĩnh Thực ghi nhận 70 loài.
Hoàng Phúc thực hiện