CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Robot 'trỗi dậy' trong mùa dịch Covid-19

Invest Global 14:59 17/04/2020

(TBKTSG Online) - Các robot giao đồ ăn và hàng hóa đang trở thành sự lựa chọn số một trong thời điểm  diễn ra dịch Covid-19 khi mà người dân ở nhiều nước phải tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Robot không cần mang khẩu trang, không có nguy cơ bị nhiễm bệnh nên cũng được dùng ở những nơi dịch đang hoành hành, như trong các khu vực cách ly.  

Giao nhận thời tự động hóa, AI

Robot Anki – từ đồ chơi thành quản gia

Robot của Công ty khởi nghiệp Starship Technologies giao đồ ăn cho khách ở Chevy Chase, vùng ngoại ô của thủ đô Washington của Mỹ. Ảnh: AFP

Nhu cầu robot giao đồ ăn tăng mạnh ở Mỹ

Kể từ sau khi chính quyền bang Michigan (Mỹ) ra quyết định phong tỏa để kiểm soát đà lây lan của dịch Covid-19 vào tháng trước, xe cộ trên các đường xá ở TP. Ann Arbor của bang này trở nên thưa thớt hẳn nhưng các robot giao đồ ăn lại xuất hiện thường xuyên hơn.

Nhu cầu sử dụng các robot giao đồ ăn nhà hàng có tên gọi REV-1 của công ty khởi nghiệp Refraction AI đã tăng gấp bốn lần trong vòng một tháng qua. Năm robot REV-1 đang hoạt động hết công suất để phục vụ hơn 400 nhà hàng đối tác. Các kỹ sư của Refraction AI cũng đang làm việc cật lực để tăng quân số robot REV-1.

Khách có thể dùng điện thoại di động để mở cửa ở khoang chứa thực phẩm của robot REV-1 và lấy đồ ăn của họ khi nó chạy đến nơi. Khoang thực phẩm của REV-1 được lắp đặt đèn chiếu tia UV (cực tím) ở bên trong để diệt virus corona (SAR-CoV-2).

Vào một ngày gần đây, tại Chevy Chase, vùng ngoại ô Washington (Mỹ), Jake Williams và đứa con gái ba tuổi của anh háo hức chờ một robot giao đồ ăn chạy tới để lấy các túi bánh pizza, trái cây tươi và một ổ bánh mì Pháp được giao từ cửa hàng thực phẩm và đồ uống Broad Branch Market.

“Giờ đây, chúng tôi không thể đến các cửa hàng. Cô bé nhà tôi rất thích thú với robot giao hàng này”, Williams nói khi lý giải việc anh phải mua đồ ăn trực tuyến và yêu cầu robot giao đến tận nhà do tình trạng phong tỏa đi lại để kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Robot giao đồ ăn này được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Starship Technologies, có trụ sở ở bang California.
Nhu cầu sử dụng robot của Starship Technologies cũng tăng vọt ở hàng chục thành phố trên thế giới khi ai nấy đều phải ở nhà chống dịch. Đây cũng là cách giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch khi nhân viên giao hàng và người mua hàng tiếp xúc với nhau. 

Starship Technologies chỉ mới bắt đầu hợp tác với Broad Branch Market từ đầu tháng 4 này khi cửa hàng bị buộc phải đóng cửa do quá nhỏ, không đủ diện tích để tạo ra không gian an toàn theo quy định giãn cách xã hội.

Tracy Stannard, chủ cửa hàng Broad Branch Market, cho biết 10 robot giao hàng của Starship Technologies đang hỗ trợ cửa hàng của ông giao thực phẩm cho người dân địa phương. Cửa hàng hiện giao khoảng 60-70 đơn hàng mỗi ngày, trong đó một nửa số đơn hàng do các robot đảm nhiệm.

“Thật thú vị khi chứng kiến các robot giao hàng chạy khắp khu phố này và khiến mọi người vui vẻ”, ông nói.

Giảm rủi ro cho nhân viên bán hàng, người tiêu dùng

Robot giao thuốc cho bệnh nhân Covid-19 được triển khai ở một bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hồi cuối tháng 1-2020. Ảnh: CGTN

Nhiều người tiêu dùng Mỹ giờ đây cảm thấy quá mạo hiểm để đi đến cửa hàng thực phẩm có đông khách, trong khi đó, các nhân viên bán thực phẩm cũng muốn giữ khoảng cách an toàn với khách.

Theo thống kê của tờ Washington Post, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hơn 40 nhân viên cửa hàng thực phẩm ở Mỹ tử vong vì nhiễm virus SAR-CoV-2. Các nhân viên giao hàng cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ để kêu gọi chủ lao động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cho họ trong quá trình làm việc.

Starship Technologies, được thành lập bởi hai nhà sáng lập Skype, Ahti Heinla và Janus Friis, đang chuẩn bị triển khai robot giao hàng ở nhiều khu vực khác xung quanh Washington D.C. Gần đây, công ty khởi nghiệp này đã cho ra mắt robot giao hàng phục vụ các nhà bán lẻ ở TP. Tempe, bang Arizona và một số thành phố ở bang California và ở Anh.

Robot giao hàng của Starship Technologies có thể mang theo ba gói hàng và vận hành với tốc độ 6km/giờ.

Ryan Tuohy, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Starship Technologies, nói: “Nhu cầu giao hàng không tiếp xúc đang tăng bùng nổ trong những tuần gần đây. Robot của chúng tôi đang giao hàng ở năm nước và chúng tôi cảm thấy vui vì robot của chúng tôi có thể giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn một chút”.

Nhiều công ty khác cũng đang đẩy mạnh triển khai robot giao hàng. Gần đây, Công ty khởi nghiệp Nuro ở Thung lũng Silicon bắt đầu sử dụng robot R2 để giao hàng cho chuỗi siêu thị thực phẩm khổng lồ Kroger ở khu vực Houston, bang Texas. Robot R2 có thể chở theo khối lượng hàng hóa 190kg với tốc độ di chuyển lên tới 40 km/giờ.

Nuro đang mở rộng dịch vụ giao hàng bằng robot và đã được chính quyền bang California cấp giấy phép hoạt động trên các tuyến đường công cộng ở chín thành phố của bang này.

“Chúng tôi chưa từng dự báo được rằng dịch vụ của chúng tôi giúp bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng không tiếp xúc”, David Estrada, Giám đốc phụ trách chính sách và pháp lý của Noru, cho biết.

Robot của Postmates, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao thực phẩm, cũng đã xuất hiện trên các đường phố ở bang California.

Robot phục vụ nhà hàng, bệnh viện lên ngôi ở Trung Quốc

Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng robot trong ngành dịch vụ của Trung Quốc, nơi công nghệ tự động hóa đang hỗ trợ các nhà hàng và khách sạn giữa lúc nhân viên thiếu hụt và các mối lo ngại lây nhiễm bệnh dâng cao.

Tại một khách sạn ở Thượng Hải, nơi cách ly của một nhóm người nghi nhiễm Covid-19, nhân viên đặt một hộp cơm vào ngăn chứa của một robot giao đồ ăn và bấm số phòng của khách trên một màn hình cảm ứng của robot này. Chỉ ít phút sau, robot chạy đến thẳng đến phòng của khách và phát ra câu thoại đã lập trình sẵn: “Xin vui lòng lấy phần ăn của bạn!”.

Robot này do công ty khởi nghiệp Keenon Robotics, có trụ sở tại Thượng Hải, phát triển. Nó đang được sử dụng ở các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn tại 400 thành phố trên khắp Trung Quốc.

Kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc vào cuối tháng 1-2020, Keenon Robotics đã giao 100 robot cho các cơ sở y tế ở tỉnh Hồ Bắc và nhiều tỉnh khác.

Người phát ngôn của Keenon Robotics nói: “Chúng tôi bán được 3.000 robot trong năm 2019 và với nhu cầu ở các bệnh viện đang tăng mạnh trong năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu bán 10.000 robot”.

Keenon Robotics đang hợp tác với nền tảng giao đồ ăn Meituan Dianping để mở rộng sự hiện diện robot phục vụ ở các nhà hàng. Robot của Keenon Robotics có giá bán khoảng 58.000 nhân dân tệ (192 triệu đồng). Người phát ngôn của Keenon Robotics cho biết nó có thể phục vụ 300-450 suất ăn mỗi ngày, hiệu quả hơn nhiều so với nhân viên con người.

Vào cuối tháng 3, Keenon Robotics cho ra mắt robot khử trùng ở bệnh viện với giá bán 40.000 đô la Mỹ. Robot này có thể chiếu tia UV và xịt dung dịch khử trùng để tiêu diệt các mầm bệnh.

Trước đó vào tháng 2, Công ty Siasun Robot & Automation, một nhà sản xuất robot hàng đầu Trung Quốc, đã hiến tặng các robot giao thuốc men và đồ ăn cho các bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Cũng vào tháng 2, Tập đoàn khách sạn Huazhu Group có thể đưa 90% trong tổng số 6.000 khách sạn của tập đoàn này vận hành trở lại nhờ đội ngũ robot phục vụ từ Công ty Yunji Technology.

Hôm 13-4, nền tảng đặt dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến Baemin của công ty khởi nghiệp Woowa Brothers (Hàn Quốc), cho biết sẽ cho 50 nhà hàng sử dụng robot phục vụ bàn Dilly miễn phí trong hai tháng kể từ giữa tháng 4.

Theo Woowa Brothers, chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhà hàng hứng đòn nặng nề do dịch bệnh.

Nếu sau thời gian sử dụng thử nghiệm, các chủ nhà hàng cảm thấy hài lòng với robot Dilly, họ có thể thuê nó với mức phí 900.000 won (17 triệu đồng)/tháng theo một hợp đồng có thời hạn hai năm. Mức phí này tương đương mức lương tháng tối thiếu trả cho nhân viên phục vụ bàn làm việc trung bình 5 tiếng mỗi ngày.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, Baemin đã cung cấp 23 robot Dilly cho 16 nhà hàng trên khắp cả nước. Một cuộc khảo sát cho thấy các chủ nhà hàng chấm 6 điểm trên thang điểm tối đa là 7 về tính tiện lợi của việc sử dụng robot Dilly.

Theo AFP,  Korea Times, Nikkei Asian Review