CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Mặc dù tình hình còn khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng đang có những tín hiệu phục hồi rõ ràng của kinh tế vĩ mô, góp phần kích cầu tiêu dùng, từ đó kéo theo nhu cầu về tín dụng phục vụ đời sống của khách hàng cá nhân.
Từ đáy vươn lên
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng khi việc làm, thu nhập của người lao động gia tăng và sức mua của người dân được cải thiện. Đồng thời, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ nhu cầu vay tiêu dùng, mang lại cơ hội cho các công ty tài chính tiêu dùng.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) dự báo, tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện. Những yếu tố trên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Chẳng hạn, đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng.
Tương tự, Chứng khoán Shinhanbank cũng nêu triển vọng tài chính tiêu dùng khả quan trở lại trong năm 2025 nhờ sự hỗ trợ về chính sách với Thông tư 12/2024 cho phép tổ chức tín dụng cho vay giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng thì không cần phương án sử dụng vốn khả thi.
Trước triển vọng tích cực của thị trường tài chính tiêu dùng, trong năm nay, các công ty tài chính đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Điển hình, HD Saison đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 1.500 tỷ đồng trước thuế năm 2025. EVNFinance đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2024, trong đó bán lẻ dự kiến đóng góp 35% (tương đương khoảng 335 tỷ đồng).
Năm 2025, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024. Trong đó, riêng lợi nhuận FE Credit là 1.126 tỷ đồng, tăng đến 120% so với năm 2024.
Trước đó, từ năm ngoái, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi, tín dụng tiêu dùng đã có sự hồi phục đáng kể. HDBank cho biết, trong năm 2024, HD Saison đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 83,9%. Trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế đạt 306 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo năm 2024 đã kiểm toán, FE Credit đạt lợi nhuận trước thuế gần 515 tỷ đồng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu. Sự quay trở lại ấn tượng này đến từ tăng trưởng trong quy mô tín dụng, nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản, tối ưu chi phí và quản trị rủi ro, thu hồi nợ hiệu quả.
Năm 2024, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit) thu về lợi nhuận sau thuế 1.291 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn 1,76% đến cuối năm 2024, từ mức 2,49% của năm 2023 và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các công ty tài chính.
Với lợi nhuận trước và sau thuế tăng hơn 70% so với năm 2023, lần lượt đạt 704 tỷ đồng và 561 tỷ đồng, Công ty Tài chính Điện lực (EVNFinance) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bứt tốc trong năm 2024.
Khó khăn vẫn chực chờ
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến giữa năm qua. Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4,8% với mức tổng dư nợ là 139.000 tỷ đồng - có sự mất cân đối lớn.
Với nỗ lực kích cầu vốn tiêu dùng nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, các ngân hàng và công ty tài chính kỳ vọng dư nợ tín dụng phân khúc này sẽ tăng trưởng mạnh, khi môi trường vĩ mô cải thiện, nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của hộ gia đình khởi sắc.
Tuy nhiên, theo dự báo mới đây của VIS Rating, các rủi ro vĩ mô hiện nay (bao gồm cả việc Mỹ tăng thuế quan), sẽ làm lu mờ triển vọng của ngành trong 12 - 18 tháng tới.
Của các chuyên gia đánh giá, việc Mỹ tăng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. Để ứng phó, các công ty như FE Credit, Mirae Asset (Việt Nam) và Shinhan Finance đang chuyển sang các phân khúc rủi ro thấp hơn như cho vay hàng tiêu dùng và xe hai bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ.
Trong khi đó, Mcredit đang tích cực ứng dụng dữ liệu khách hàng từ các bên thứ ba - ví dụ như Bộ Công an - nhằm nâng cao khả năng sàng lọc khách hàng và phát hiện gian lận sớm.
Bên cạnh đó, các công ty cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay thông qua việc rút ngắn kỳ hạn và giảm quy mô khoản vay, hạn chế khách hàng mới vay tiền mặt (ví dụ: Home Credit Việt Nam) và điều chỉnh sản phẩm thẻ tín dụng để thúc đẩy việc sử dụng dựa trên tiêu dùng (ví dụ: FE Credit, Mcredit).
Dự báo, lợi nhuận toàn ngành năm nay sẽ cải thiện nhẹ, riêng các công ty tài chính tiêu dùng tập trung cho vay tiền mặt phục hồi chậm hơn. VIS Rating kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) sẽ cải thiện nhẹ, nhờ biên lãi ròng (NIM) ổn định từ cho vay tiêu dùng có lợi suất cao. Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng, và các công ty tập trung cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng - như Mcredit, FE Credit và SHBFinance - có khả năng sẽ phải đối mặt với chi phí tín dụng cao do gia tăng rủi ro tài sản.
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, các công ty tài chính tiêu dùng đang xoay xở tìm cách "hoá giải". Một số công ty đang tinh giản hoạt động bằng cách số hóa quy trình tiếp cận khách hàng và mở rộng hợp tác với các nhà bán lẻ, ví điện tử, nền tảng thương mại điện tử và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Để tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng tiểu thương, SHBFinance mở rộng dịch vụ tới các khu vực chợ truyền thống, vùng nông thôn - nơi hệ thống tài chính chính thức còn hạn chế. Doanh nghiệp triển khai mô hình phục vụ tận nơi thông qua đội ngũ tư vấn viên, đồng thời áp dụng nền tảng số hóa toàn trình nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Nhờ đó, tỷ lệ khách hàng là hộ kinh doanh cá thể tại SHBFinance trong năm 2024 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ cổ đông (đặc biệt là các ngân hàng mẹ, công ty mẹ) sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt để khắc phục những điểm yếu cố hữu của các công ty tài chính, đó là nguồn vốn và thanh khoản.
Huyền Anh