CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nền kinh tế số

Invest Global 11:47 20/11/2020

Các chuyên gia nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực, đưa con người làm trọng tâm của phát triển cần được các doanh nghiệp chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc đua số hóa đang nóng hơn bao giờ hết.

Theo khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện trong thời gian vừa qua, kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ Covid-19 đó là ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Có thể nhận thấy, cùng với quá trình chuyển đổi số của các nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi dưới “lực đẩy” của dịch bệnh, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang trở thành yếu tố được các DN chú trọng hàng đầu.

Đặc biệt với Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có lực lượng dân số trẻ, ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion, Phú Thái Group cho rằng, Việt Nam đang mở cửa hội nhập, việc liên doanh với công ty nước ngoài tạo ra cơ hội cho người trẻ Việt Nam tiếp cận với những nền kinh tế chuyên nghiệp trên thế giới cũng là một trong những lợi thế khi phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế

Như với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia dự báo sẽ giúp lương bình quân của người lao động tăng 3%, tạo mới 146.000 vị trí việc làm tại Việt Nam mỗi năm. Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác với các DN nước ngoài và tìm đến những nền kinh tế phát triển có sự chuyên nghiệp, công nghệ cao đòi hỏi các DN Việt phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về đội ngũ nhân lực có trình độ.

Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng cao ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2019, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021.

Theo ông Thuận, mặc dù DN ngày càng nhận ra yếu tố con người là trung tâm của sự phát triển, tuy nhiên, việc chú trọng đến vấn đề nhân sự, thu hút nhân tài, phát triển con người song song với sự phát triển của tổ chức chỉ đang diễn ra ở các DN lớn. Đối với DN nhỏ, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Đa số DN Việt đang không coi trọng điều này, chưa thực sự coi con người là tài sản, đóng góp vào giá trị của DN, là yếu tố chủ lực cho sự phát triển của DN và xã hội.

“Yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số của DN bên cạnh yếu tố tài chính, công nghệ… bởi lẽ đổi mới sáng tạo xuất phát từ tư duy con người, công nghệ không thể thay thế được bộ não của con người trong sự sáng tạo”, ông Thuận nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng năng lực của lực lượng lao động Việt Nam hiện chưa đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế số. Đặc biệt với bộ phận DNNVV, do nguồn kinh phí có hạn nên việc tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao hay đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên còn khó khăn.

Theo ông Thịnh, trong đại dịch vừa qua, các hoạt động kinh doanh số đã phát triển mạnh mẽ, nhiều DN đã có sự chuyển mình đáng kể để tham gia vào cuộc cách mạng số, tuy nhiên để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, cần giải quyết các “điểm nghẽn” mà nguồn nhân lực là một trong số đó. “Kinh tế số dù đã có sức bật lên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh. Về phía Chính phủ, các chính sách đã đầy đủ về việc thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu đổi mới của nền kinh tế trong thời gian tới, tuy nhiên điều quan trọng là việc áp dụng chính sách vào đời sống một cách cụ thể và hiệu quả”, ông Thịnh cho biết.

Dự thảo Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025 đào tạo được 1.000 chuyên gia chuyển đổi số; 10.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số; 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số…

Song, ông Đoàn Đức Thuận, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần sự nỗ lực từ nhà trường và DN. Về phía nhà trường, cần chú trọng và mở rộng thêm các ngành đào tạo bám sát nhu cầu của xã hội, tăng tính thực hành, ứng dụng thực tế trong chương trình đào tạo. Còn về phía DN, cần có những chương trình thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội phát triển ý tưởng sáng tạo, nâng cao tay nghề. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ hợp lý và công bằng trên cơ sở khuyến khích các cách làm mới, tiên tiến, nâng cao tối đa sự sáng tạo cho nhân viên.

Ý kiến chuyên gia