CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
VN-Index bất ngờ "rơi tự do" ngay từ đầu phiên 3/4 trước áp lực bán mạnh trên diện rộng, khiến sắc đỏ, sắc xanh lơ bao trùm cả bảng điện. VN-Index đóng cửa với mức giảm 88 điểm (-6,68%), lùi xuống dưới 1.230 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2024.
Thành quả 2 tháng “bay” sạch
Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử của VN-Index tính theo số tuyệt đối. Vốn hóa toàn thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 500.000 tỷ, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Một phiên giảm mạnh của VN-Index đã thổi bay thành quả tăng giá trong hơn 2 tháng trước đó.
Rạng sáng ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam.
Tại sự kiện, Tổng thống Mỹ mang theo tấm bảng ghi mức thuế áp dụng với từng nền kinh tế. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu mức thuế 10%. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu thuế 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.
Khoảng nửa giờ sau khi công bố mức thuế đối ứng với từng đối tác thương mại, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế, chứng khoán Mỹ ngay lập tức lao dốc. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones futures giảm 1.007 điểm, tương đương 2,3%; S&P 500 futures giảm 3,4%; Nasdaq futures giảm 4,2%.
Chuyên gia cho rằng đối với TTCK, tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không phải lạc quan thái quá.
Trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước, giới phân tích đã nhận định yếu tố ảnh hưởng số 1 trong năm 2025 là chính sách thuế của ông Trump, gọi là Trump 2.0. Điều này có thể tạo ra một cú giảm nhanh, mạnh, quyết liệt cho thị trường, đặc biệt khi thị trường đang ở vùng giá cao (như giai đoạn vừa qua lên 1.342,9 điểm). Đồng thời, khi tin xấu bất ngờ đưa ra gây hoảng loạn bán tháo quyết liệt hơn.
Chưa kể, việc truyền thông đưa tin suốt giai đoạn vừa qua theo hướng tích cực là sẽ có "deal" thuận lợi cho Việt Nam và đại đa số nhà đầu tư đang tin vào kịch bản tích cực. Do đó, khi thông tin áp thuế chính thức đưa ra đã gây hoảng loạn.
Hơn nữa, giai đoạn gần đây, các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tăng khá mạnh và áp lực call margin chéo rất lớn sẽ buộc họ phải chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy ngay lập tức, từ đó tạo ra các đợt bán tháo ồ ạt trên diện rộng.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu – Đầu tư CTCP FIDT, Chủ tịch CTCP 1IB, việc VN-Index lao dốc đã kích hoạt làn sóng call margin trên diện rộng. Tỷ lệ margin/vốn hoá sàn HoSE và HNX đã đạt mức đỉnh lịch sử, một nhịp điều chỉnh mạnh đã kéo theo hiện tượng call margin, từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường, dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Liên quan tới câu chuyện thuế quan, theo ông Huy, sau khi Mỹ công bố áp thuế, nhiều bộ phận nhà đầu tư sẽ có phần quan ngại về câu chuyện tăng trưởng trong nước, do đó có hành động bán tháo cổ phiếu.
Nhiều ngành cũng đang chịu ảnh hưởng lớn khi nhà đầu tư đang xem xét đánh giá lại triển vọng đầu tư của từng ngành. Một số ngành có thể giảm hấp dẫn đầu tư rất lớn nếu việc áp thuế chính thức được thực hiện sau 1 tuần nữa, như các nhóm ngành dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, và ngay cả bất động sản khu công nghiệp vốn rất hấp dẫn từ giai đoạn Trump 1.0 tới nay.
Tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không lạc quan thái quá
Ở thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá chính xác tác động của chính sách thuế Mỹ mới công bố đến Việt Nam cũng như TTCK. Thêm nữa, chính phủ Mỹ cũng bỏ ngỏ về khả năng đàm phàn để thay đổi mức thuế áp dụng.
Trong ngắn hạn, thông tin về việc Mỹ áp thuế cao đang cho thấy những tác động mạnh ngay tức thì tới tâm lý nhà đầu tư trên TTCK. Theo giới phân tích, cẩn trọng nhưng cần tránh hoảng loạn cùng bán tháo. Bởi lẽ, tác động thực sự đến doanh nghiệp sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh. Cùng đó, việc đàm phán còn đang mở và mức thuế suất có thể được điều chỉnh sau đó.
Đánh giá sơ bộ về tác động của chính sách thuế quan này đến Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research cho rằng, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán. Điều này có nghĩa là các mức thuế không phải là mãi mãi và có thể giảm xuống rất nhanh.
Theo Kinh tế trưởng SSI , trong báo cáo 400 trang USTR công bố trước đó, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá chính sách thương mại của Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều. Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng ngắn hạn là có nhưng đàm phán giữa hai quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%.
Về TTCK, ông Hưng cho rằng, định giá hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuộc chiến thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E của VN-Index ở mức 23-24. Vì thế, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90% và yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.
“Đối với TTCK, tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không phải lạc quan thái quá. Tổng quan, tác động của thuế quan chưa rõ ràng, hoặc có thể chỉ ngắn hạn trong tháng 4, qua tháng 5 tình hình có thể khác”, ông Hưng nói.
Ông Hưng đưa ra khuyến nghị đầu tư quay về phòng thủ nhiều hơn, cổ phiếu ít biến động hơn từ các chính sách.
Tương tự, Chứng khoán SHS lo ngại tình trạng call margin cao hiện nay có thể làm thị trường điều chỉnh nhiều hơn mức 10%. Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng, các chính sách dạng này luôn thay đổi nhanh và nhà đầu tư nên tránh các công ty yếu kém và đầu tư vào các công ty hàng đầu để qua giai đoạn khó khăn này. Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái rất mạnh nên sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Thêm nữa, nếu thị trường giảm mạnh 15% - 20%, nhà đầu tư hãy mạnh dạn mua vào, nhưng cần thận trọng nếu sử dụng đòn bẩy để mua nhằm tránh rủi ro thị trường đột ngột rơi vào giai đoạn downtrends. Chẳng hạn, năm 2012, khi thị trường đang phục hồi đột ngột rơi vào downtrends mạnh.
Dưới góc nhìn của bà Hoàng Việt Phương, Tổng giám đốc S&I Ratings, việc áp thuế đối ứng có thể gây ra những phản ứng dây chuyền từ các nền kinh tế khác, ảnh hưởng đến dòng vốn và tâm lý đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh biến động cũng có thể sinh ra tình huống thú vị là dòng vốn bắt đầu có dấu hiệu rút khỏi thị trường Mỹ - vốn là điểm đến chủ lực của dòng vốn đầu tư thời gian qua - do lo ngại chính sách không ổn định. Diễn biến này cũng có thể mở ra kỳ vọng về sự dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, những thay đổi từ nội tại thị trường được các tổ chức cũng như nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận khi tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ là thông tin tích cực cho thị trường. Theo tiết lộ của cơ quan quản lý mới đây trong thông báo thay đổi ngày hiệu lực áp dụng của việc cập nhật tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành và giới hạn tỷ trọng vốn hóa của Bộ chỉ số HoSE-Index, hệ thống KRX chính thức vận hành vào ngày 5/5. Cùng với lộ trình nâng hạng, việc vận hành hệ thống giao dịch mới cũng là điều các nhà đầu tư Việt Nam mong chờ nhiều năm qua.
Hải Giang