CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Cơ hội để doanh nghiệp tự tạo “sân chơi” cho chính mình

Invest Global 16:02 07/03/2022

(TBTCO) - Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được coi là “ngôn ngữ kinh doanh quốc tế”. Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng IFRS là một yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư quốc tế, tham gia sâu và rộng hơn nữa với thị trường vốn và thị trường tài chính.

Nhiều thách thức khi áp dụng

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, 2022 - 2025 là giai đoạn áp dụng tự nguyện IFRS. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong các đối tượng cần triển khai IFRS ở giai đoạn áp dụng tự nguyện, cụ thể là đối với báo cáo hợp nhất của công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn, hoặc có khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế.

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Cơ hội để doanh nghiệp tự tạo “sân chơi” cho chính mình

Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng IFRS” do Deloitte Việt Nam phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 4/3, ông Đỗ Hồng Dương - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Kiểm toán và đảm bảo (Deloitte Việt Nam) cho biết, trong quá trình tiếp xúc, tư vấn với các doanh nghiệp (DN), rất nhiều thách thức khi áp dụng IFRS đã được chỉ ra.

Theo đó, IFRS có rất nhiều khác biệt với chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Đáng kể có những chuẩn mực IFRS còn chưa có chuẩn mực VAS tương ứng. Ví dụ như đối với khối ngân hàng tài chính, IFRS có 4 chuẩn mực đo lường, nhưng với VAS vẫn còn tương đối “trắng”. Điều này khiến các DN còn đang hoang mang khi không biết mình áp dụng có đúng, đủ hay không. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số dư đầu kỳ tại ngày chuyển sang áp dụng IFRS lần đầu phức tạp và cần nhiều thời gian.

Một thách thức nữa được các DN chỉ ra trong giai đoạn áp dụng tự nguyện là thiếu các thông tin hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý liên quan tới: nội dung của các chuẩn mực IFRS; quy trình triển khai IFRS tại các DN (một quy trình triển khai IFRS mẫu sẽ đóng vai trò kim chỉ nam để DN có thể nghiên cứu, tham khảo và vận dụng cho đơn vị của mình, nhưng hiện vẫn chưa có quy trình chuẩn cho DN); thiếu thông tin thị trường mang tính tham chiếu (nhiều tài sản chưa có thị trường hoạt động như cổ phiếu chưa niêm yết, quyền sử dụng đất ở một số địa bàn…).

Tiếp đó là thách thức về tính sẵn sàng của hệ thống công nghệ thông tin, các quy trình nội bộ và tầm nhìn của ban lãnh đạo DN khi mà mức độ quan tâm cũng như nắm bắt về IFRS của các nhà quản lý chưa thực sự đồng đều. Đồng thời, nhiều DN cũng băn khoăn về tính khả thi của lộ trình triển khai IFRS tại DN, nhất là băn khoăn về việc chi phí bỏ ra để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin khi áp dụng IFRS.

Doanh nghiệp có thể tự tạo “sân chơi” an toàn

Giải đáp các thắc mắc của DN trong quá trình áp dụng IFRS, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, áp dụng IFRS dù đang đặt ra nhiều thách thức cho các DN, nhưng cơ hội mang lại cũng không ít.

Ông Tiến cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, những DN, tập đoàn tổng công ty mạnh sẽ được giữ lại để làm nhiệm vụ dẫn dắt kinh tế Nhà nước. Với cơ chế hiện nay, khi hội nhập, toàn bộ cơ chế hỗ trợ, bao cấp sẽ bị cắt bỏ và sau năm 2025, các DN, tổng công ty phải vươn lên cạnh tranh được với trong nước và vươn ra khu vực, phải huy động được nguồn vốn khi nhà nước không bảo lãnh vốn vay, phải tự huy động vốn, qua phát hành trái phiếu, muốn phát hành được phải có đánh giá hệ số tín nhiệm tốt… Tiếp đó là mở rộng thị trường, kết nối các thị trường nước ngoài.

Muốn cạnh tranh được trên thị trường thì thông tin, tiếng nói của DN phải “cùng nhịp đập” với bên ngoài. Áp dụng IFRS chính là một trong các yếu tổ để DN đạt được những mục tiêu trên. Đó là vừa là thách thức và cũng là cơ hội, động lực cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các DN lớn ở Việt Nam vươn lên.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, để việc áp dụng IFRS thuận lợi, không chỉ đơn phương từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, mà điều quan trọng nhất là các tập đoàn, tổng công ty phải thấy được cơ hội và thách thức.

Theo ông Tiến, việc áp dụng là bắt buộc từ 2025, không phải là vấn đề DN thích hay không thích, nên giai đoạn từ nay tới 2025 là cơ hội cho các tập đoàn, tổng công ty đánh giá lại mình xem đơn vị mình áp dụng gì, cái gì chưa phù hợp thì kiến nghị cho các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng những khuôn khổ pháp lý vào những luật hành chính đang và sắp sửa đổi. Đó là cơ hội khi DN áp dụng tự nguyện trong giai đoạn này được đưa ra những góp ý xây dựng nên khuôn khổ pháp lý, sân chơi an toàn cho mình và chung cho cả khu vực DNNN. Đây chính là cơ hội của các DN.

“Từ năm 2022 - 2025, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ đưa những cơ chế chính sách gợi mở cho thực hiện IFRS và những cơ chế xử lý những vướng mắc còn vênh nhau giữa IFRS và VAS (chuẩn mực kế toán Việt Nam). Hơn ai hết, từ 2022, các DN phải tự mình đánh giá xem mình áp dụng được IFRS ở mức độ nào, để áp dụng được toàn bộ IFRS cần phải điều chỉnh gì. Các DN đặc thù vướng mắc gì cần lên tiếng để cơ quan quản lý biết vướng gì mới gỡ được…” - ông Tiến nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn của các DN về vấn đề pháp quy trong giai đoạn áp dụng tự nguyện từ 2022 - 2025, ông Tiến cho biết, theo lộ trình, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị bảo trợ cho việc này khi áp dụng thí điểm, nên các DN hoàn toàn có thể yên tâm khi áp dụng IFRS mà không lo ngại về việc tính pháp quy của báo cáo tài chính.

Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), ví von rằng, để chẩn đoán được sức khỏe hiện tại, cần phải có các xét nghiệm hiện tại, không thể lấy kết quả xét nghiệm của quá khứ. IFRS chính là kết quả xét nghiệm hiện tại mang lại kết luận chính xác cho các nhà đầu tư. Áp dụng IFRS mang lại lợi ích cho tất cả các bên, từ cơ quan quản lý DN (có thể nắm bắt thông tin sát thực với thị trường về tình hình tài chính của các DN mà mình quản lý), DN (thông tin minh bạch, tốt sẽ dễ dàng thu hút đầu tư), các nhà đầu tư (có thông tin tin cậy để giúp đưa ra thông tin tin cậy cho khoản đầu tư của mình).

Đẩy nhanh quá trình xây dựng lại chuẩn mực kế toán của Việt Nam

“Chúng tôi dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng lại chuẩn mực kế toán của Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn với chuẩn mực kế toán quốc tế để quá trình chuyển đổi thuận lợi hơn từ chuẩn mực Việt Nam sang chuẩn mực quốc tế cho các doanh nghiệp”

Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan