CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư; Novaland là một trong những doanh nghiệp có nhiều dự án đang mắc kẹt. Đầu năm 2020, Chủ tịch Tập đoàn này có đơn gửi Bộ trưởng Xây dựng cầu cứu liên quan dự án 6.000 tỷ với nội dung 'nếu không được cứu doanh nghiệp sẽ đứng trước cảnh phá sản', nhưng đến nay dự án này vẫn đang mắc kẹt.
LTS: Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ từ năm 2015 - 2018 đã có hơn 126 dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM bị “tắc” thủ tục công nhận chủ đầu tư. Và chỉ riêng năm 2020, có đến 39 dự án đầu tư của các doanh nghiệp chưa xử lý được do vướng mắc một số quy định pháp luật cũ.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, từ năm 2019 tới nay, TP.HCM đã có 4 cuộc họp giữa lãnh đạo các Sở, ngành cùng Chủ tịch UBND TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM hứa ngày 30/4/2020 sẽ cố gắng giải cứu các dự án thoái khỏi cảnh “mắc cạn”, nhưng sau đó cuộc giải cứu bất thành.
Gần đây, vào tháng 2/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lại tiếp tục chủ trì cuộc họp và hứa tới ngày 30/4/2021 sẽ “cởi trói” cho các dự án bất động sản, nhưng đến nay các dự án bất động sản tại TP.HCM vẫn tiếp tục lâm cảnh bế tắc. Nhadautu.vn sẽ đăng tải loạt bài về vấn đề này.
Dự án Novaland cầu cứu Bộ Xây dựng nhưng tới nay đã hơn 1 năm vẫn “mắc kẹt”
Khi Chủ tịch kêu cứu
Đầu năm 2020, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà về việc "Xin được cứu xét cho tiếp tục thực hiện dự án".
Theo đó, tập đoàn này "khẩn cầu" Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (thành viên của Novaland) được tiếp tục phát triển dự án Khu dân cư tại khu đất 30,224ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM.
Lý do được Novaland đưa ra là bởi đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và đơn vị này đã đầu tư vào đây hơn 6.000 tỷ đồng. "Novaland cam kết chấp hành mọi quyết định của Chính phủ. Việc cho tiếp tục phát triển dự án ngoài giúp có thêm nguồn thu, còn giúp hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ vốn vào Novaland để triển khai các dự án đang dang dở".
Đặc biệt, đơn thư được chắp bút trực tiếp bởi Chủ tịch Bùi Thành Nhơn vào đúng ngày đầu mồng một Tết Canh Tý nhấn mạnh: "Novaland cần Đảng và nhà nước hỗ trợ...". Thông điệp có phần gây "sốc" của lãnh đạo cao nhất tại Novaland, ngay sau đó, nhanh chóng được lan truyền và gây xôn xao giới đầu tư bất động sản.
Tiếp đó, tập đoàn cũng đã chủ động đề xuất với các Bộ, Sở ngành hai phương án để thực hiện.
Với phương án một, công ty đề xuất được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 & các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.
Còn với phương án hai, Novaland đề xuất được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, sau khi nghiên cứu đơn của doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Novaland với nội dung cho rằng nội dung nêu trong đơn của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM, vì thế đã chuyển đơn của Novaland đến UBND TP.HCM để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời có báo cáo kết quả giải quyết về Bộ.
Sau đó, vào cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản bàn việc giải cứu các dự án bất động sản năm 2020 của Chủ tịch UBND TP.HCM, dự án này được đích thân ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cầu cứu tới Chủ tịch UBND TP.HCM, và tới nay dự án này vẫn “mắc kẹt”.
Tương tự Novaland, CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng đang chờ “giải cứu” hàng loạt dự án bất động sản tại TP.HCM. Trong đó, từ năm 2017 tới nay doanh nghiệp này không thể phát triển một dự án nào mới ở TP.HCM dù đang là doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất rất lớn ở TP.HCM, trong đó có dự án Gem Riverside, phường An Phú, TP. Thủ Đức. Dự án này được kỳ vọng là “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp, nhưng trứng vàng chưa thấy thì doanh nghiệp đã chịu cảnh “chôn chân" tại dự án này.
Được biết, dự án này được Đất Xanh Group triển khai mở bán cho khách hàng trong năm 2018. Dự án xây dựng trên phần đất 67.142 m2, bao gồm 12 tháp, cao 35 tầng với khoảng 3.175 căn hộ. Tổng mức đầu tư cho Gem Riverside vào khoảng 5.695 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 24 tháng thi công.
Thế nhưng sau khi công bố, dự án đã không thể triển khai thi công do vướng pháp lý và đến đầu năm 2020, dự án đã bị thu hồi do có rất nhiều sai phạm như mở bán khi chưa có hạ tầng, không được cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng, chuyển nhượng đất công không qua đấu giá,…
Hiện, Tập đoàn Đất Xanh đang đặt kỳ vọng vào tiến độ pháp lý tại TP.HCM năm 2021 được đẩy nhanh để tập đoàn mở khóa các tài sản tích lũy của mình là Gem Riverside.
Hay trường hợp của CTCP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal), đơn vị phát triển dự án thời điểm năm 2020 cũng đã có văn bản gửi khách hàng về tiến độ thực hiện dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ số 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4 (dự án Charmington Iris).
Theo văn bản này, Vietcomreal cho biết, ngày 27/12/2018 UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5981/QĐ-UBND về tạm dừng thực hiện các quyết định chủ trương đầu tư dự án Charmington Iris với lý do dự án chưa hoàn thành việc giải phóng bồi thường, còn 14 hộ dân đang cư ngụ trên khu đất. Tại thời điểm đó công trình đang thi công nhưng buộc phải tạm dừng.
Sau khi nhận được quyết định 5981/QĐ-UBND thành phố, Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP (Sabeco HP) là chủ đầu tư dự án đã có các văn bản kiến nghị đến UBND TP.HCM và các sở, ban ngành để xem xét giải quyết cho Sabeco HP tiếp tục triển khai dự án.
Đến ngày 26/6/2019 UBND TP.HCM có văn bản số 2529 gửi Chính phủ đính kèm danh sách các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ xem xét có ý kiến cho dự án được tiếp tục triển khai. Ngày 14/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra, rà soát quá trình thực hiện dự án quyết định theo thẩm quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcomrel cho biết hiện dự án đã được doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng xong 14 hộ dân tại dự án, tuy nhiên vẫn đang chờ “giải cứu”. Hồ sơ được UBND TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp làm việc với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… nếu các đơn vị này đồng ý cho dự án triển khai tiếp thì mới được UBND TP.HCM chấp thuận cho triển khai trở lại.
Dự án hàng chục nghìn tỷ đồng “đứng hình” vì pháp lý
Cũng là một công ty tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, và cũng như một số công ty khác, Tập đoàn Keppel Land Việt Nam cũng không tránh khỏi gặp vướng mắc khi thực hiện các dự án bất động sản, trong đó, có thể kể đến 2 dự án nổi bật tại TP.HCM với mức đầu tư lớn đang bị ngưng thi công và chờ chính quyền TP.HCM giải quyết là dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Empire City trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án Saigon Sports City tại TP. Thủ Đức.
Dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Empire City trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.
Đối với dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Empire City trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đây là dự án được gây chú ý bởi công trình có toà nhà đa chức năng cao 86 tầng và sẽ là toà nhà cao nhất Việt Nam, cũng như có tổng vốn đầu tư khủng dự kiến là 26.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2016, do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City (liên doanh Tập đoàn Keppel Land Việt Nam, CTCP Bất động sản Tiến Phước, Quỹ đầu tư Gaw Capital Partners - Hong Kong và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2022. Tuy nhiên, dự án hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai do các vướng mắc về pháp lý.
Cụ thể, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan đến việc tăng vốn góp thực hiện dự án vẫn chưa được thực hiện dù năm 2018 công ty đã nộp hồ sơ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án liên quan đến việc tăng vốn góp thực hiện dự án từ 76 triệu USD lên thành 240 triệu USD.
Vướng mắc tiếp theo mà doanh nghiệp này nêu ra là chưa được chấp thuận đầu tư xây dựng giai đoạn 2 (cụm công trình phức hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở tại các lô đất 2-13, 2-18, 1-19 và 2-20) của dự án và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5 lô đất (trong số 9 lô đất) gồm các lô 2-13, 2-14, 2-16 và 17, 2-18, 2-21 của dự án.
Đặc biệt, hiện dự án vẫn chưa được cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán đối với công trình trên lô đất 2-16 và 17 và xác nhận số tiền ký quỹ 756 tỷ đồng mà Công ty đã nộp là một phần của tiền sử dụng đất. Và với những vướng mặc này, dự án không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Đến thời điểm này, phía Keppel Land cho biết dự án vẫn chưa được “giải cứu”.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Keppel Land Việt Nam cũng gặp khó ở dự án Saigon Sports City, đây là khu nhà ở phức hợp gồm các căn hộ, khu thương mại dịch vụ và khu thể thao công cộng, nằm trong tổng thể khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, thuộc phường An Phú, TP. Thủ Đức.
Còn nhớ cuối năm 2019, khi dự án được động thổ, đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới trao giấy Quyết định 1/500 cho dự án, tại đây doanh nghiệp cho biết sẽ xây dựng dự án vào quý I/2020.
Dự án có tổng quy mô xây dựng là 64ha, mật độ xây dựng toàn khu chiếm khoảng 25%, hệ số sử dụng đất là 1,29, dự kiến có tổng cộng 10 block, mỗi block được thiết kế tối thiểu cao 1 tầng và tối đa là 30 tầng, cung ứng khoảng 4.300 căn hộ.
Nhà đầu tư của dự án là Công ty TNHH Saigon Sports City (do liên doanh Keppel Land và Chiap Hua). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ vào năm 2027. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm động thổ thì hiện công ty này chỉ mới xây dựng cây cầu kết nối phân khu phía Bắc và phân khu phía Nam của dự án.
Trong khi đó, thời gian để triển khai các hạng mục chính thức như khu thể dục thể thao, khu nhà ở thì phía Keppel Land Limited vẫn chưa đưa ra được cụ thể khi nào sẽ triển khai.
Mặt khác, Khu liên hợp thể thao tầm cỡ và được chờ đợi sẽ là niềm tự hào của TP.HCM đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm xen lẫn xung quanh là nhà dân.
Đáng chú ý hơn, dự án từ quy mô 466ha ban đầu, sau hơn 21 năm vốn chỉ “quy hoạch” trên giấy giờ đã teo tóp còn có 180,731ha. Khởi động duy nhất thuộc dự án Khu liên hợp thể theo Rạch Chiếc đến thời điểm hiện tại chỉ là đường trục chính có lộ giới 80m và chiều dài khoảng 1 km nối đường dẫn từ xa lộ Hà Nội vào Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đang được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2015.
Đây là con đường có kinh phí xây dựng khoảng 260 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Keppel Land Limited (chủ dự án Saigon Sports City) cam kết ủng hộ 100 tỷ đồng nhằm có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nối vốn cũng thông vào dự án tại đây. Tuy nhiên, hiện phía Keppel Land cho biết hiện dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng nên vẫn phải chờ được khơi thông.
(Còn nữa)
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ