CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Đề xuất giảm lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI vừa qua đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, giới chuyên gia, với góc nhìn chung là thiếu tính thực tế, khó có thể áp dụng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Đại diện VAFI tin tưởng đề xuất "giảm dần lãi suất VND về 0%" sẽ tạo ra đột phá trong chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh Internet.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, nhiều chuyên gia kinh tế phản hồi thiếu tích cực về đề xuất "đưa dần lãi suất về 0%" của VAFI là do chưa đọc kỹ đề xuất của hiệp hội. Bởi vậy, VAFI cũng đã có văn bản giải thích rõ hơn về đề xuất nêu trên.
Cụ thể, năm 2010, VAFI đã có văn bản kiến nghị mức trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1%/năm và sau này hướng tới 0%/năm nhằm giải quyết các mục tiêu cấp bách và lâu dài như ổn định tỷ giá, giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, tạo cơ sở để tăng giá VND và hạ dần mặt bằng lãi suất huy động ở mức rất cao. NHNN sau đó đã hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 3%/ năm và 0% hiện nay.
Ngày 22/6/2021, VAFI tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hệ thống giải pháp để đưa dần lãi suất VND về 0%/năm. Đề xuất “sốc” được đông đảo công luận quan tâm và ngay lập tức có một số chuyên gia, học giả lên tiếng phản đổi và cho rằng VAFI ảo tưởng, đưa đề xuất nguy hiểm cho thị trường tiền tệ.
Những ý kiến phản đối này có nội dung như: Không thể hạ nhanh lãi suất xuống được trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay; Hạ mạnh lãi suất thì hệ thống ngân hàng thiếu tiền khi dòng tiền nhàn rỗi đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, kỹ thuật số, ngoại tệ… và như vậy làm mất ổn định thị trường tiền tệ; Để người dân lao vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy nguy hiểm và rủi ro; Hạ mạnh lãi suất gây lạm phát tăng cao….
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VAFI, những ý kiến phản biện trên đều chưa nghiên cứu kỹ toàn bộ văn bản của hiệp hội này.
Theo đó, trong đề xuất, VAFI đã nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn tiến hành chúng ta phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành luật thuế tài sản để khóa kênh đầu cơ bất động sản là điều kiện tiên quyết.
Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. Để có các văn bản như VAFI đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa.
Để thực hiện chiến lược, ngân hàng thương mại phải huy động vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn bằng ưu đãi và sự bảo đảm để người dân đầu tư vào thị trường trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành với lãi suất mục tiêu 2%/năm trong khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 0%/năm. Khoản đầu tư trái phiếu này phải an toàn như tiền gửi tiết kiệm.
Ông Hải cho biết, đề xuất đưa tiền gửi VND về 0% đã được nghiên cứu công phu từ lâu để xác định con đường mà các nhà hoạch định chính sách phải đi. Và VAFI tin tưởng rằng đề xuất đó sẽ tạo ra chính sách thành công. Chỉ cần ban hành sắc thuế về chống đầu cơ nhà đất nhằm kiểm soát dòng tiền đi vào kênh này thì lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại sẽ dư thừa rất nhiều, tới thời điểm đó không cần can thiệp cùa NHNN thì lãi suất huy động đã tự giảm mạnh.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAFI cho biết, đề xuất giảm dần lãi suất về 0% không đại diện cho ý kiến của hiệp hội này mà là của riêng ông Nguyễn Hoàng Hải và một nhóm doanh nghiệp nghiên cứu.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ
THEO NHÀ ĐẦU TƯ