CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ Tài chính yêu cầu 'siết' trái phiếu doanh nghiệp

Invest Global 19:40 03/09/2021

Nhàđầutư: Trước tốc độ phát triển của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các cơ quan quản lý thắt chặt việc phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo thấp. 

Ảnh: Internet.

Ngày 1/9, Bộ trưởng Tài chính đã ký công văn yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường kiểm tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn lớn, quan trọng nhưng việc phát hành bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính lo ngại việc này gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời hoàn thiện quy định quản lý và giám sát thị trường. Một trong những ưu tiên là thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo thấp.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cơ quan quản lý thị trường sẽ tập trung giám sát việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực rủi ro cao và kết quả kinh doanh không rõ ràng. Trường hợp phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì chuyển sang công an xử lý.

Yêu cầu nêu trên được đưa ra trong bối cảnh khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021 dù Nghị định số 153 nhằm siết trái phiếu phát hành riêng lẻ đã có hiệu lực từ đầu năm 2021. Khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt hơn 168.000 tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng khối lượng TPDN được phát hành.

Tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành lớn nhất khi chiếm hơn 40% khối lượng. Sau đó là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 13,2%. Lãi suất bình quân giai đoạn này là 7,9% một năm, giảm 1,6% một năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nhà đầu tư khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp làm kênh đầu tư. Theo đó, các vị này cho rằng, đa số nhà đầu tư cá nhân hiện nay không quan tâm nhiều đến xếp hạng cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ cần lãi suất cao. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay rủi ro đến từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam khẳng định: Không một kênh đầu tư, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro. Nhà đầu tư nên chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài và hình thức trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.

"Còn nếu chưa thực sự hiểu rõ về các kênh đầu tư, nhà đầu tư hãy tìm tới các công ty tư vấn chuyên nghiệp. Ở đó, các công ty sẽ đưa ra những phân tích, lời khuyên giúp nhà đầu tư để phân tán rủi ro vào những kênh đầu tư khác nhau", Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đưa lời khuyên.

 THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan