CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thông tin có thể giảm giá mua điện mặt trời mái nhà xuống còn 5,2-5,8 cent/kWh mang tới không ít băn khoăn cho người dân, nhà đầu tư. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đó mới là mức giá thấp nhất được đề xuất.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Petrotimes
Bộ Công thương đang hoàn tất dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái (ĐMTMN) để trình Thủ tướng quyết định nhằm thay thế Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020.
Theo dự thảo, giá mua điện sẽ giảm, dự kiến còn khoảng 5,2-5,8 cent/kWh (giảm từ mức 8,38 cent/kWh) tùy theo công suất; dự án nhỏ sẽ được ưu tiên mua giá cao hơn, nhằm thực hiện chính sách khuyến khích tự dùng; và dự kiến nhà nước/bên mua chỉ sẽ cam kết mua tối đa 80% sản lượng phát, nhà đầu tư phải cam kết dùng tối thiểu 20% sản lượng.
Cục Điện lực: 'Đang đề xuất mua điện áp mái với giá thấp hơn'
Những thông tin nêu trên được đưa ra lập tức gây chú ý trong bối cảnh Quyết định 13 về cơ chế giá ưu đãi áp dụng với điện mặt trời đã hết hiệu lực vào cuối năm 2020, còn cơ chế mới thì vẫn chưa có. Khoảng trống chính sách làm các nhà đầu tư sống trong đợi chờ, thấp thỏm, lo ngại chờ từng động thái nhỏ từ phía cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, Quyết định 13 đã hỗ trợ rất lớn để phát triển ĐMTMN trong năm 2020. Số liệu cập nhật cho thấy đến hết năm 2020 đã có 101.029 công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến cuối năm ngoái đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh.
"Giảm giá quá đột ngột"
Trao đổi với Nhadautu.vn ông Trần Đình Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Hải cho rằng: "Chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế. Tuy nhiên, việc giảm giá thành mua điện mặt trời áp mái đột ngột như dự thảo nêu trên là không nên, đi ngược lại chủ trương của nhà nước".
Theo ông Hải, điện áp mái được khuyến khích ở nhiều nước trên thế giới với mục tiêu sản lượng điện làm ra chủ yếu là tự tiêu dùng, sau đó còn thừa mới bán cho nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam xảy ra tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ dẫn tới "loạn điện áp mái".
Vì thế, về mặt chủ trương là cần ủng hộ điện áp mái, là đúng đắn nhưng để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương làm méo mó thị trường thì cần phải được siết chặt lại.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, giảm giá điện như dự thảo nêu trên không phải là giải pháp. "Giảm giá điện áp mái sẽ không khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Nên thiết kế chính sách theo hướng giá điện áp mái chia theo các vùng khác nhau".
"Về vấn đề quản lý yếu kém dẫn tới doanh nghiệp trục lợi chính sách thì cần xem xét lại vấn đề quản lý. Không nên vì quản lý yếu kém mà đánh đồng tất cả gây ảnh hưởng tới chủ trương đúng đắn của nhà nước", ông Hải nói.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái là đúng. Nhưng chính sách thiếu nhất quán, để khoảng trống chính sách như thời gian qua là điều doanh nghiệp, người dân lo ngại.
"FIT 3 nên sớm ra đời để khuyến khích điện mặt trời áp mái - điện sạch được sản xuất tại nơi tiêu thụ, không mất phí truyền tải, xã hội hoá nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, việc đột ngột giảm tới hơn 30% giá mua điện như dự thảo là quá nhiều", ông Tân nói.
Ông Tân phân tích, trước đây nhà nước mua bán điện giá 8,38 cent/kWh thì có dự án 9-10 năm mới thu hồi vốn. Độ bền của bộ inverter khoảng 10 năm với giá trị chiếm 5-10% giá thành dự án. Như vậy, sau 10 năm nhà đầu tư đã phải tái đầu tư. Còn tấm pin chiếm khoảng 50% giá thành, cũng chỉ dùng được khoảng 20 năm. Như vậy, trước đây với mức 8,38 cent/kWh là thu hồi vốn nhưng nếu giảm xuống còn 5,8 cent/kWh thì thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài khoảng 15 năm - không còn hấp dẫn với người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Tân cho rằng, việc hạ giá thành mua điện mặt trời áp mái khiến ngân hàng khó bố trí vốn hoặc nâng lãi suất vì cho rằng rủi ro cao hơn. Vô hình chung dẫn tới hạn chế con đường phát triển của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Không những thế, việc giá thành giảm, người dân sẽ dễ chọn các thiết bị đầu vào giá rẻ, tuổi thọ thấp, gây hệ luỵ lớn về sau, đó là nợ xấu ngân hàng khi đó cũng chính là tài sản bảo đảm cho khoản vay - không khác gì quả bom nổ chậm trong tay các ngân hàng.
Đề xuất giải pháp, ông Tân cho rằng, nên có lộ trình giảm giá, không nên đột ngột thay đổi chính sách theo cách gấp khúc như trên. Bộ Công Thương có thể giảm dần giá thành theo từng năm, 5%, rồi 10%, dần dần đến 30% trong khoảng 5 năm. "Quy hoạch ở tầm vĩ mô hoàn toàn làm được để khuyến khích phát triển điện áp mái ở vùng thiếu điện, gần khu công nghệp, tiêu thụ điện tại chỗ", ông Tân nói.
Về việc giảm giá để siết những dự án lách luật, ông Tân cho rằng đây là 2 sự việc hoàn toàn khác nhau. "Chính sách ưu tiên điện áp mái là đúng, cả thế giới họ làm, phù hợp với chủ trương khuyến khích của Đảng, Nhà nước. Nhưng do quản lý yếu kém không có quy định rõ ràng từ đầu khiến các doanh nghiệp sẵn sàng chia nhỏ dự án "lách luật" hưởng lợi, đó lại là chuyện khác", ông Tân nói.
Ông Tân khuyến nghị, Chính phủ cần đảm bảo có một mức giá theo hướng phát triển điện áp mái không phải "chạy đua ưu tiên để bán" khi giá thành mua điện quá cao nhưng cũng cần đủ hấp dẫn để làm bệ đỡ trong trường hợp không dùng hết thì được mua lại với giá tốt tránh gây lãng phí.
Dự thảo trình Chính phủ vào tháng 3/2021, mức giá mới đã được nghiên cứu kỹ lưỡng
Về phần cơ quan quản lý, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: mức giá 5,2 - 5,8 cent/kWh được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời dựa trên các tính toán từ chi phí đầu tư, chi phí vận hành sửa chữa của hệ thống điện, chi phí lắp đặt, tính cả chi phí vay vốn, chi phí đấu nối trong cả vòng đời 20 năm của dự án.
"Mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế rồi", ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định, Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện.
Trao đổi với Nhadautu.vn, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, mức giá dao động 5,2-5,8 cent/kWh chỉ là mức thấp nhất được đề xuất trong dự thảo áp dụng với những dự án có công suất lớn. Còn mức giá cao hơn có thể cộng thêm 1 cent/kWh áp dụng cho các dự án có công suất nhỏ.
Nói về nguyên nhân đề xuất giảm giá mua điện áp mái, vị này cho biết: Bộ Công Thương để xuất giảm giá thành không phải vì không còn khuyến khích điện mặt trời áp mái hay do sự bùng nổ của điện áp mái thời gian qua. Giảm giá phản ánh sự phát triển của công nghệ trên thế giới ngày càng nhanh, khiến giá thành đầu tư giảm, để phán ánh đúng giá trị thật của suất đầu tư ngoài thị trường.
"Chủ trương là vẫn khuyến khích nhưng nó phải hài hoà, không lẽ để nhà sản xuất lãi quá mà người dân lại chịu thiệt? Vì mức giá 8,38 cent/kWh thì nhà bạn cũng phải bù giá vì điện mặt trời cao, còn khi giảm giá thì có thể sẽ không phải bù mà được hưởng điện sạch giá tốt", vị này nói.
Về thắc mắc có những dự án lợi dụng kẽ hở chính sách để biến điện mặt trời công nghiệp thành điện mặt trời áp mái bằng cách chia nhỏ dự án để hưởng ưu đãi, vị lãnh đạo này cho biết đã đề xuất sửa dự thảo theo hướng phải quy định một tỷ lệ dùng nhất định của chính người sản xuất để siết lại vấn đề này. Theo đó, điện áp mái có ý nghĩa dùng tại chỗ giảm làm giảm chi phí truyền tải, giảm đầu tư đường dây. Nên nếu không dùng tại chỗ mà bán hết thì coi như chính sách chưa đạt mục tiêu.
Chia sẻ thêm về thời gian ban hành dự báo, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, sẽ trình Chính phủ trong tháng 3/2021. Còn thời gian ban hành sẽ tuỳ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ