CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Xi măng là một trong những vật liệu quan trọng của đầu tư xây dựng và đầu tư xây dựng là tiền đề của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành các công trình trọng điểm, khu vực đô thị, nhà cao tầng,… Nhận diện như thế nào về sản xuất, tiêu thụ clanke xi măng hiện nay?
Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất clanke và xi măng, với tổng công suất 107 triệu tấn. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga).
Sản lượng sản xuất của Việt Nam gần như liên tục tăng qua các năm, trong đó năm 2000 là 13,3 triệu tấn đến năm 2020 là 109 triệu tấn, riêng năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19 giảm còn 101,2 triệu tấn. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhu cầu đầu tư xây dựng, kéo theo tiêu thụ ở trong nước bị giảm, làm cho chênh lệch giữa năng lực sản xuất với sản xuất tăng.
Về tiêu thụ trong nước, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), trước khi xuất hiện dịch Covid-19, lượng tiêu thụ đã tăng liên tục qua các năm, từ 55,68 triệu tấn năm 2015 tăng lên gần 65 triệu tấn vào năm 2019. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tiêu thụ trong nước từ năm 2020 đã bị giảm: năm 2020 còn 62,12 triệu tấn, năm 2021 giảm còn ở mức ít hơn.
Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư phát triển. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ tăng 3,2% - nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng không đáng kể, đối với vốn đầu tư, nếu loại trừ yếu tố giá vật liệu xây dựng còn tăng cao hơn, thì lượng vốn đầu tư thực tế còn bị giảm. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực nhà nước bị giảm 2,9% (riêng vốn thuộc ngân sách giảm 8,6%, vốn trái phiếu chính phủ giảm 44,7%) cũng tác động không nhỏ đến lượng tiêu thụ của xi măng.
Tăng trưởng thiếu bền vững, thâm dụng tài nguyênTrước thực tế như phân tích ở trên, vậy làm thế nào để “cứu” sản xuất và khai thác được năng lực sản xuất? Có hai cách chủ yếu.
Cách thứ nhất là tăng tiêu thụ trong nước. Muốn tăng tiêu thụ xi măng trong nước phải tăng vốn đầu tư, vì vốn đầu tư là tiền đề của xây dựng và xây dựng tạo đà tăng cho sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng. So với cùng kỳ, vốn đầu tư quý IV/2021 đã tăng 6,2%; tháng 1 tăng 8,6%, trong đó một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố còn tăng cao hơn. Tín hiệu này cộng hưởng với gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ được triển khai thực hiện tới đây sẽ làm cho hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, tạo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Cách thứ hai là xuất khẩu. Xuất khẩu clanke và xi măng năm 2021 đạt 1,77 tỷ USD; tháng 1/2022 đạt 161,5 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Lượng clanke và xi măng xuất khẩu cũng đạt quy mô khá và tăng cao. Năm 2020 đạt 38,45 triệu tấn, năm 2021 đạt 44,71 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm trước; tháng 1/2022 đạt 3,84 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm xuất khẩu clanke và xi măng có thể vượt qua mốc 5,4 triệu tấn về lượng và vượt qua mốc 2,1 tỷ USD.
Mặc dù đạt một số kết quả khá ấn tượng, tuy nhiên, thị trường clanke và xi măng đã và đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm.
Sản xuất clanke thâm dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và khai thác tài nguyên không tái tạo. Việc sản xuất hàng trăm triệu tấn một năm thì 10 năm sẽ là 1 tỷ tấn, 100 năm sẽ là 10 tỷ tấn. Nếu đầu tư tăng thêm năng lực để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là một số nhà đầu tư nước ngoài nhằm khai thác nguyên liệu của Việt Nam để thu sản phẩm đáp ứng nhu cầu xây dựng của nước họ thì nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo đối với Việt Nam càng lớn. Do vậy cần xem xét kỹ đối với nhu cầu đầu tư làm tăng năng lực khai thác tài nguyên và sản xuất ở trong nước và hạn chế việc cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, khai thác nguyên liệu, sản xuất clanke và xi măng gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Chi phí cho khai thác, sản xuất, xuất khẩu clanke có những thách thức được xét trên 2 góc độ. Ở góc độ thứ nhất là chi phí than, điện để sản xuất clanke và xi măng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất (40-45%). Ở góc độ thứ hai, giá bán clanke (FOB) chỉ khoảng 30-33 USD/tấn, giá sản xuất xi măng chỉ 44-50 USD, nhưng lại cộng thêm chi phí vận chuyển, bốc xếp, tồn trữ xi măng khá cao - mặc dù phần lãi chính lại nằm ở xi măng nếu bán được xi măng.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu clanke và xi măng không rộng, thường là những thị trường gần, với khoảng 8 thị trường gồm: Trung Quốc, Philipines, Bangladesh, Lào, Malaixia, Australia, Đài Loan, Campuchia. Trong đó lớn nhất là Trung Quốc năm 2021 chiếm 49,7% về lượng và chiếm 42,5% về kim ngạch, tháng 1/2022 chiếm 45,4% về lượng và chiếm 42,7% về kim ngạch - có nghĩa là giá thấp hơn nhiều so với các thị trường khác; Philipines năm 2020 chiếm 14,2% về lượng và chiếm 16,4% về kim ngạch,… Khi thị trường có những biến động lớn rất dễ bị rủi ro.
Chính vì thế, trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030, định hướng đến 2050 (Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020) của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra: lượng xuất khẩu xi măng, clanke không vượt quá 30% công suất thiết kế; đầu tư sản xuất trong nước và phục vụ trong nước là chủ yếu.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VCBS, giá thành sản xuất xi măng, clinker năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức cao, do giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức 154 USD/tấn, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới, gây thêm áp lực cho giá thành sản xuất xi măng trong nước. Trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, doanh nghiệp còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng vì có thêm các nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2021 - 2022 dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, khiến cạnh tranh giá bán tại thị trường nội địa dự báo sẽ càng căng thẳng, đặc biệt là tại miền Bắc và miền Trung.